Dạy con kiểu “mẹ hổ” châu Á hay “mẹ sói” phương Tây?
Nội dung bài viết
Nuôi dạy con là một hành trình dài đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có sự kiên nhẫn, nỗ lực và học hỏi nhiều phương pháp. Trong bài viết sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ưu, nhược điểm của hai cách nuôi dạy con của “mẹ hổ” châu Á và “mẹ sói” phương Tây, từ đó tìm ra phương pháp dạy con phù hợp nhé!
“Mẹ hổ” châu Á
Phương pháp dạy con kiểu “mẹ hổ” xuất phát từ cuốn hồi ký “Khúc chiến ca của mẹ hổ” (Battle Hymn of the Tiger Mother) của Amy Chua - nữ giáo sư khoa Luật người Mỹ gốc Hoa đang công tác tại Đại học Yale. Quyển sách ra đời năm 2011 đã làm dấy lên nhiều tranh luận về cách nuôi dạy con của người châu Á nói chung và người Trung Hoa nói riêng. Đây là hồi ký về hành trình dạy hai cô con gái (Sophia và Lulu) của bà Amy Chua. Hiện con gái Sophia của bà Chua đã tốt nghiệp Đại học Harvard danh giá và đang làm việc tại trường Luật Yale, còn Lulu là sinh viên ngành lịch sử của Harvard.
Để các con có thành tích học tập tốt và chơi nhạc giỏi, từ nhỏ bà đã hình thành việc giáo dục nghiêm khắc với hai con, buộc chúng phải răm rắp tuân theo nội quy gia đình do bà đặt ra. Trong đó có 10 điều bà bắt buộc các con không được làm trái ý gồm: cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình; cấm xem phim; cấm tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường; cấm chơi game, chơi máy tính; không được oán trách hay tức giận những điều bị cấm; không được tự chọn những hoạt động ngoại khóa trong trường (mà phải do mẹ chọn); tất cả các điểm sát hạch, điểm thi phải được mức A (mức cao nhất); trừ môn thể dục và sân khấu, thành tích các môn khác phải đứng nhất lớp; trừ piano và violon, không được chơi nhạc cụ khác.
Chính vì theo đuổi quan điểm đó mà Amy Chua luôn gây áp lực học hành cho con cái, những khi các con luyện tập không đạt yêu cầu bà đề ra, bà không tiếc lời mắng mỏ, la hét, thậm chí xúc phạm, lăng mạ chúng. Cách “mẹ hổ” Amy Chua thực hiện với các con tương tự như cách dạy con kiểu độc đoán – theo phân loại của Baumrind (1971). Theo đó, cha mẹ cố gắng định hình, kiểm soát và đánh giá con cái trên những chuẩn mực mang tính tuyệt đối của mình. Cha mẹ yêu cầu con cái phải tôn trọng, biết tuân lệnh, biết thứ bậc của mình. Sự trao đổi công bằng giữa cha mẹ và con cái là điều cấm kỵ trong lối dạy con này.
Không thể phủ nhận cách dạy con của các bà mẹ Trung Hoa như Amy đã mang đến kết quả học tập, thành tích đáng ngưỡng mộ, điển hình là thành tích hai cô con gái của bà. Tuy nhiên, đạt thành tích giỏi có đồng nghĩa với việc những đứa trẻ này thực sự yêu thích những gì chúng đang làm hay không?
Theo lý thuyết về tư duy phát triển của nhà tâm lý học Carol S. Dweck (2006) nói rằng, nếu cha mẹ luôn chỉ trích con cái khi chúng thất bại và chỉ dành lời khen cho con khi chúng đạt thành tích tốt thì con sẽ sợ thất bại, không dám vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân, không dám thử thách bản thân. Nếu mắc sai lầm, trẻ sẽ ngay lập tức coi đó là giới hạn của mình, mình là kẻ thua cuộc và không dám đứng lên nữa.
Đồng thời, với những áp lực từ một phía của cha mẹ còn có thể tạo nên rào cản lớn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến đứa trẻ sẽ cảm thấy có một áp lực vô hình khi bước chân về nhà, dễ sản sinh tâm lý sợ hãi khi tiếp xúc với cha mẹ mình.
>>> Có thể bạn quan tâm: Dạy con thời 4.0 - Hãy cùng con trưởng thành
“Mẹ sói” phương Tây
Trong tự nhiên, sói là loài động vật có tính hiếu kỳ mạnh, chúng không bao giờ coi bất cứ điều gì là đương nhiên, mà có khuynh hướng tự mình khám phá và thể nghiệm. Thế giới tự nhiên mê hoặc và mới mẻ sẽ mãi mãi khiến chúng ngạc nhiên sửng sốt. Con sói luôn có hứng thú với hoàn cảnh xung quanh, chúng có thể liên tục phát hiện thức ăn, đoán biết nguy hiểm, nhờ thế mà có khả năng sinh tồn mạnh mẽ.
“Mẹ sói phương Tây” là cụm từ dùng để chỉ phương pháp dạy con chú trọng đến việc để trẻ tự khám phá bản thân thông qua khám phá thiên nhiên và các hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, phương pháp này cũng tương đồng với phương pháp dân chủ - theo phân loại của Baumrind. Đối lập với phương pháp độc đoán, ở phương pháp này, cha mẹ sẽ có những tiêu chuẩn rõ ràng cho con, đối xử với con như một người trưởng thành. Cha mẹ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật khi cần thiết, luôn khuyến khích sự tự lập, công bằng, tôn trọng về quyền lợi của cả hai bên.
Ở lối dạy con này, cha mẹ sẽ khen ngợi ngay cả khi con có những điểm chưa tốt, cân nhắc lựa chọn từ ngữ để tránh làm đứa trẻ bị tổn thương. Phụ huynh luôn khuyến khích con khám phá cái mới, dạy cho trẻ cách chào đón thất bại, đưa ra chỉ dẫn theo từng bước nhỏ để con đi đúng hướng. Là một đặc tính của lối dạy con dân chủ, cha mẹ phương Tây nhấn mạnh tính công bằng trong giao tiếp, cởi mở thể hiện tình cảm với con cái kể cả khi chúng lớn. Những điều trên sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, an toàn và tin tưởng hơn.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Rebeca – Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore, 2006) cho thấy trẻ được dạy theo cách này có sự tự tin vào năng lực bản thân, nhanh chóng thích ứng với môi trường xã hội hơn. Nếu cha mẹ hổ châu Á yêu con bằng hành động và đưa ra quyết định họ cho rằng tốt nhất cho con, thì cha mẹ sói phương Tây sẽ gợi ý, định hướng và cho con tự quyết định. Đây chính là khác biệt lớn nhất của hai phương pháp dạy con trên.
Nhược điểm của lối dạy con này là cha mẹ cần có sự kiên nhẫn rất lớn, dẹp bỏ cái tôi để giải thích cho con cũng như chấp nhận những quyết định của chúng, đặc biệt trong giai đoạn trẻ đang ở tuổi mới lớn, đã bắt đầu hình thành ý kiến độc lập dù non nớt. Trẻ được dạy theo cách của các mẹ sói phương Tây thường dễ có xu hướng nổi loạn hơn vì vốn đã được tự do đưa ra quan điểm. Ngoài ra, do tính độc lập được phát triển sớm, sau khi trưởng thành, con cái có xu hướng rời khỏi gia đình sống riêng và không gắn bó nhiều cùng các bậc sinh thành.
Đâu là cách dạy con phù hợp?
Dù là cách dạy con nghiêm khắc của mẹ hổ châu Á hay cho trẻ tự do khám phá bản thân như kiểu mẹ sói phương Tây cũng đều có những ưu, nhược điểm. Do đó, để lựa chọn cách dạy con đúng đắn, cha mẹ nên kết hợp các hình thức giáo dục phù hợp với hoàn cảnh xã hội, nền văn hóa, con người, với từng đứa trẻ và hoàn cảnh gia đình cụ thể.
Ở phương pháp dạy con nghiêm khắc của mẹ hổ, cha mẹ có thể học được quan điểm rõ ràng trong việc dạy con, sự hoạch định mục tiêu, định hướng tương lai, thưởng phạt phân minh, xây dựng và thực hiện hệ thống các chuẩn mực cần tuân thủ, chăm sóc con cái. Quan điểm rõ ràng sẽ giúp xác định mục tiêu dạy con cụ thể cho nhiều thế hệ trong cùng một nhà, tránh được việc “3 hồi đằng này, 4 hồi đằng khác”, chuyện “ông nói gà bà nói vịt”… Bên cạnh đó, phương pháp “mẹ sói” có thể dạy con tính tự lập, tìm tòi khám phá khả năng của bản thân nhưng không quên trân trọng giá trị của lời khuyên từ người lớn, cũng như thắt chặt mối dây tình cảm cùng con.
Cha mẹ nên “gia giảm” sao cho phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế của mỗi trường phái dạy con, giúp tìm ra cách cân bằng và thích hợp nhất với con cái. Cụ thể, cha mẹ nên có định hướng rõ ràng, cụ thể mục tiêu phát triển cho con, trên cơ sở những tố chất cá biệt của con, hoàn cảnh điều kiện vốn có. Cha mẹ cũng có thể lập kế hoạch cho con, linh hoạt điều chỉnh theo sự phát triển từng giai đoạn của trẻ. Để con hiểu rằng, dù con có trưởng thành đến đâu, mạnh mẽ thế nào, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi để con trở về tìm kiếm lời khuyên và sự che chở trước những “bão giông” của cuộc đời.
Ngoài ra, phụ huynh cần có quan niệm đúng đắn, khoa học về sự phát triển của con, về việc giáo dục con. Cần thống nhất quan điểm không có phương pháp hay cách dạy con nào là hoàn toàn tối ưu. Dành cho trẻ tất cả tình yêu của người làm cha mẹ bằng cách đưa ra những định hướng, nhưng đồng thời cha mẹ cũng nên hạn chế cái tôi của mình, để dành không gian cho trẻ được tự do thể hiện bản năng và sống đúng với độ tuổi.
Cha mẹ cũng nên hình thành nhân cách cho trẻ từ những thói quen nhỏ nhặt, từ đó tạo điều kiện cho trẻ tận hưởng mọi cảm xúc tích cực thông qua việc tham gia các hoạt động phù hợp với chúng, trong sự hướng dẫn và sẻ chia của cha mẹ.
>>> Xem thêm: