6 bước sống chậm lại trước dòng đời hối hả
Tỉnh thức (Mindfulness) là cụm từ đã và đang được nhiều người sử dụng, áp dụng trong những năm gần đây, nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Hãy cùng Blog Nhịp Sống Khỏe khám phá 6 bước sống chậm trong hành trình thực hành sống tỉnh thức nhé!
Lắng nghe hơi thở
Mỗi ngày trôi qua chúng ta vẫn sống nhưng có bao giờ, ta thật sự tập trung lắng nghe chính hơi thở của mình? Những ngày mệt mỏi, lo lắng thường trực, ta có có nhận ra hơi thở của mình cũng đang nặng nhọc, gấp gáp. Kể từ bây giờ, hãy bắt đầu chú ý mỗi khi bạn ngồi yên hít thở. Cảm nhận không khí từ từ lấp đầy buồng phổi mỗi khi hít vào, và cảm giác thư thái khi nhẹ nhàng khi thở ra. Hít thở sâu sẽ giúp thanh lọc những cặn bã tích tụ lâu ngày trong phổi và khiến cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.
Chú tâm vào điều thực – bớt đi nhiều điều ảo
Bình thường chúng ta đã quá chú tâm vào những hư ảo trên mạng xã hội mà quên mất việc chăm chút cho cuộc đời thật. Kể từ hôm nay, bạn hãy thử giảm thiểu số giờ xem thiết bị di động, máy tính, tivi,… trong một ngày. Thay vào đó là những thời gian chăm sóc bản thân, dọn dẹp nhà cửa, dạo bộ, gặp gỡ mọi người. Hãy quan sát cuộc sống của bạn nhiều hơn, cả những điều nhỏ nhặt xuất hiện khi bạn đang trên đường đi làm, chẳng hạn: bạn đếm được bao nhiêu cây xanh trên đường đến văn phòng? Bức tường ở công ty có màu gì? Quanh nhà bạn có những quán ăn nào?...
Tập trung mỗi lúc một việc
Điều này có nghĩa là bạn nên phân bổ thời gian làm từng việc cho hợp lý và tập trung xử lý xong việc đó, bạn sẽ thấy hiệu quả làm việc tăng đáng kể. Làm việc đa nhiệm (multitasking) không phải lúc nào cũng tốt, điều cản trở trước mắt là thao tác đa nhiệm khiến bạn không thể sống chậm và tập trung vào hiện tại mà lúc nào bản thân cũng trong tình trạng hối hả, gấp gáp.
Chấp nhận và biết ơn những gì đang có
Người ta thường dành phần lớn thời gian để đau khổ vì những thứ họ không có được, chứ ít khi nhận ra bản thân đang được rất nhiều thứ. Bạn không tin? Hãy thử ngồi xuống, viết ra danh sách những điều bạn đang có trong đời và danh sách những điều bạn chưa có, bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy bản thân “giàu có” hơn mình nghĩ. Một lời khuyên cho bạn, đó là hãy “chấp nhận” mọi thứ như nó đang là, bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Cho mình cơ hội nghỉ ngơi
Chắc bạn đã từng nghe câu nói “Cuộc đời ta có bao nhiêu lần 10 năm?”. Ta đã dành phần lớn thời gian đời mình để chạy đua với xã hội, lao đầu mưu sinh, quần quật như những con thoi. Làm rất nhiều nhưng tại sao ta không cho mình cơ hội nghỉ ngơi khi đang có thể? Nghỉ ngơi cả về thể lý lẫn tâm lý, gói ghém công việc sang một bên và cho phép mình ngả lưng thư giãn một ngày, vài ngày, thậm chí một tuần ở nơi nào đó. Vì đời có dài hay không sẽ phụ thuộc vào cách bạn chăm lo cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.
Luyện tập phương pháp “5-4-3-2-1”
Phương pháp “5-4-3-2-1” là sự kết hợp của cả 5 giác quan, giúp bạn đưa bản thân trở về với thực tại nơi bạn đang ở lúc này. Dù bạn đang làm gì hiện tại, bạn cũng hãy thử dừng lại và gọi tên:
- 5 đồ vật bất kì bạn thấy được xung quanh mình
- 4 đồ vật bạn có thể chạm, sờ lấy
- 3 âm thanh khác nhau mà bạn nghe được
- 2 thứ bạn có thể ngửi được mùi
- 1 thứ mà bạn có thể nếm, ăn được.
Sau đó, hãy hít vài hơi thật sâu, ngồi yên tại chỗ và cảm nhận tinh thần của bạn được xoa dịu, nghỉ ngơi tạm thời. Phương pháp “5-4-3-2-1” còn là cách giúp bạn tập trung hơn nữa đó.
Cuộc đời của bạn có thể đang nhiều bộn bề, dù bạn đang lưỡng lự nhiều giữa việc có nên dừng lại nghỉ ngơi hay cứ chạy đua không ngừng, mong bạn hãy nhớ rằng cuộc đời này chỉ có một. Hãy sống sao cho trọn vẹn, với nhiều góc nhìn, trải nghiệm, hãy để tâm trí bạn được ngập tràn nhiều mảng màu hạnh phúc thay vì chỉ toàn những màu xám xịt, trầm buồn.