“Phái yếu” thời nào cũng cần được bảo vệ
Phụ nữ dù được công nhận tháo vát, đa nhiệm, mạnh mẽ… “ngang ngửa” nam giới ở thời đại 4.0, song vẫn luôn cần được quan tâm và bảo vệ. Những thông tin được ghi nhận trên báo đài chỉ như một phần của tảng băng chìm. Thực tế cho thấy, giới nữ đã và vẫn đang gặp nhiều hạn chế, rủi ro và bất công trong cuộc sống.
“Phái yếu” thời nào cũng cần được bảo vệ
Nếu vai trò của người phụ nữ trong xã hội xưa chỉ gói gọn trong hai chữ “làm mẹ” và “làm vợ” thì đến nay, dù xã hội đã tiến bộ và phát triển, vai trò ấy vẫn còn nhưng được bổ sung thêm nhiều gánh nặng vô hình khác: trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, mưu sinh kiếm tiền, làm việc nhà,… Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ đâu đó vẫn còn len lỏi, là rào cản khiến nhiều chị em chật vật để có được một công việc tốt xứng với năng lực, nhiều trẻ em gái không được tiếp cận giáo dục đầy đủ dù đang ở tuối đến trường.
Không những vậy, phái yếu còn đối mặt với nhiều nguy cơ bị tấn công, bạo hành hằng năm. Theo WHO, ước tính trên toàn cầu có khoảng 30% phụ nữ hứng chịu bạo lực thể chất hoặc tình dục. Khoảng một phần ba (27%) phụ nữ từ 15-49 tuổi chịu đựng các hành vi bạo lực từ bạn tình. Tại nước ta, trong dịp Tết Nguyên Đán đầu năm 2024, báo chí tiếp nhận nhiều ca phụ nữ trẻ mất tích với cái kết vô cùng thương tâm.
Dù quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái đã dần được cải thiện theo từng thời kỳ, song những con số cho thấy nỗ lực hiện tại là chưa đủ để đem về bình đẳng cho nửa kia của thế giới.
Khi nào thật sự có bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái?
Chỉ tính trong Việt Nam, dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm (2021), tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định trong các tổ chức còn quá thấp. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nhưng chỉ đảm nhận chưa đến 1/4 vị trí lãnh đạo, quản lý chung. Đó là chỉ tính riêng về lĩnh vực kinh tế.
Theo một báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực do bạn tình gây ra. Chồng dùng thắt lưng đánh vợ đang mang thai 7 tháng ở Hải Dương, bạn trai giết người yêu rồi chặt xác phi tang vì nghi ngờ người yêu ngoại tình,… Dù không muốn tin nhưng thật sự những câu chuyện mất nhân tính như thế vẫn đang diễn ra mỗi ngày, và bao nhiêu trong số đó đã được đưa ra ánh sáng?
Những con số này không chỉ ở phụ nữ trưởng thành. Một số liệu từ 2019 do đại diện Unicef cung cấp, ở Việt Nam, 68,4% trẻ em, trong đó đa số là trẻ em gái, từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực, xâm hại tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Năm 2022, cả nước ta không khỏi bàng hoàng câu chuyện thương tâm dì ghẻ bạo hành con gái riêng 8 tuổi của chồng đến mức tử vong. Hay bé gái ba tuổi bị đưa đến bệnh viện trong tình trạng chín chiếc đinh găm vào đầu. Đáng lẽ các em phải được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và xã hội, nhưng hiện thực lại quá đỗi phũ phàng. Nhìn lại những con số trên, chúng ta, những cá nhân, cộng đồng và cả xã hội đã thực sự đủ quan tâm đến những người phụ nữ, người mẹ, chị em gái của mình?
Quan tâm không chỉ nên bằng lời
Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần sự quan tâm, che chở. Khảo sát thực tế cho thấy, hơn 90% phụ nữ không tố giác hành vi bạo hành của bạn tình vì chỉ muốn cả hai giải quyết trong thầm lặng. Chính vì vậy, ta càng phải để ý các biểu hiện, hành vi, phản ứng bất thường như cơ thể có dấu hiệu bị tác động vật lý, tâm lý không ổn định,… Nếu tình hình nguy cấp, hãy can thiệp, báo cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi phát hiện có những hành vi bạo hành phụ nữ, trẻ em, nhằm bảo vệ sự an nguy của họ.
Quan tâm không phải chỉ là vài lời hỏi thăm, quan tâm thật sự là những hành động bảo vệ, hướng dẫn cụ thể khi những người mẹ, người chị, em của chúng ta loay hoay trong nỗi khổ của họ. Tâm lý của những người phụ nữ ấy đã bị tổn thương và có xu hướng né tránh, ta càng phải giáo dục cho họ hiểu rằng nếu không phản kháng, sẽ chẳng có công bằng, bình đẳng nào cho họ nữa. Một sự thờ ơ sẽ chỉ như một cốc nước đổ sông, nhưng sự thờ ơ của cả gia đình, xã hội sẽ là con sóng dữ cuốn người phụ nữ của ta đi xa.
>>> Tìm hiểu thêm: 6 nguyên tắc cần nắm để bảo vệ "phái yếu" trước đối tượng độc hại
Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của Blog Nhịp Sống Khỏe để cảnh giác trước những rủi ro mà người phụ nữ của bạn có thể gặp phải, cũng như có những biện pháp bảo vệ cho những người phụ nữ thân yêu bạn nhé!
>>> Bài viết cùng chủ đề: