Steiner - Phương pháp giáo dục tạo dựng con người hạnh phúc
Bên cạnh phương pháp giáo dục phổ quát (giáo dục công) vẫn đang chiếm ưu thế tại hầu hết các nước trên thế giới, phương pháp giáo dục Steiner (hay còn gọi là Waldorf) được lan tỏa mạnh mẽ với một triết lý và cách tiếp cận khác biệt. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp giáo dục được cho là sẽ tạo dựng nên những con người hạnh phúc, để bạn có thể mở rộng sự lựa chọn dành cho con mình.
Sự ra đời và phát triển của phương pháp giáo dục Steiner/Waldorf
Phương pháp giáo dục Steiner ra đời từ năm 1919 do nhà giáo dục, triết gia người Áo Rudolf Steiner sáng lập. Ngôi trường đầu tiên theo phương pháp này được thành lập tại Đức với tên gọi là Waldorf.*
Rudorf Steiner – Chân dung nhà sáng lập phương pháp giáo dục Waldorf
Tuy nhiên, sau thế chiến I, Hitler đã cấm trường Waldorf hoạt động vì lo sợ ngôi trường sẽ đào tạo ra những con người tự do, sống theo đam mê và lý tưởng, đi ngược lại tư tưởng áp đặt của nền quản lý độc tài.
Vì vậy những nhà giáo dục tiên phong của phương pháp này đã đưa ngôi trường sang New York (Mỹ) và vẫn tiếp tục phát triển cho đến nay. Hiện trên toàn thế giới có khoảng 2.000 trường mầm non, 1.000 trường học các cấp, 700 trung tâm chăm sóc trẻ em và rất nhiều phụ huynh thực hiện homeschooling (giáo dục tại nhà) theo phương pháp Steiner.
Khác biệt cơ bản của phương pháp Steiner với giáo dục phổ quát
1. Đề cao tư duy cá nhân hơn đặt nặng kiến thức
Nếu giáo dục phổ quát chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, tư duy logic thì giáo dục Steiner nhấn mạnh vào tầm quan trọng của 3 yếu tố: Suy nghĩ, cảm xúc và ý chí cá nhân.
2. Không dùng yếu tố hơn thua làm động lực học
Nếu giáo dục phổ quát dùng hình thức cạnh tranh, thi đua, thưởng – phạt để thúc đẩy việc học của học sinh, thì giáo dục Steiner đi theo phương châm “không cạnh tranh, không thưởng, không phạt”. Động lực học tập của phương pháp này dựa vào giá trị phát triển bản thân, kiến thức của mỗi học sinh được truyền cảm hứng và động viên mà hình thành.
3. Không đánh giá kết quả theo khuôn mẫu xã hội
Giáo dục phổ quát nhắm đến đào tạo con người đạt được các kết quả mà xã hội kì vọng và người khác công nhận, như thành công sự nghiệp, thành danh và có được uy quyền chính trị hay kinh tế. Trong khi đó, giáo dục Steiner hướng đến tạo dựng những cá nhân không sợ hãi với nội tâm mạnh mẽ, có động lực phát triển đến từ đam mê bên trong, chứ không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
4. Vai trò đặc biệt của giáo viên
Trong những ngôi trường Steiner, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh được học hỏi, khám phá bằng tất cả sự vui thích. Hoàn toàn không sử dụng đến uy quyền, hay áp đặt, phán xét. Các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, không chỉ tập trung vào các môn vẫn được xem là “môn chính” như khoa học, ngôn ngữ, toán học mà còn có kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc…
Vậy đâu là hạn chế của phương pháp giáo dục này?
Bạn có thể cảm thấy phương pháp này quá mới mẻ, mang tính lý tưởng và có phần “mạo hiểm”. Nhưng theo các kết quả đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục Steiner hầu như rất ít hạn chế.
Nhiều phụ huynh lo lắng về tính kỷ luật của con trẻ khi ở trong môi trường quá thoải mái. Tuy nhiên, tính kỷ luật của những học sinh được học trong những ngôi trường Waldorf vẫn rất cao, chỉ khác là nó xuất phát từ tình yêu thương, ý thức trách nhiệm chứ không phải từ sự rèn giũa theo luật lệ nghiêm khắc.
Trong khi các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam và ngay cả ở các nước phát triển trên thế giới thường không rõ mình muốn gì, chọn trường đại học nào, thì các học sinh của trường Waldorf dễ dàng xác định đam mê và con đường thực hiện ước mơ của mình.
Theo các công trình nghiên cứu, khảo sát thì chỉ số sáng tạo của học sinh Steiner cao hơn học sinh của nền giáo dục công ở nhiều nước. Nhiều cá nhân từng là học sinh Waldorf có đóng góp lớn trong các ngành nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao, như ở các lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, làm phim, nhạc sỹ, họa sĩ, không gian vũ trụ như diễn viên Jennifer Aniston, diễn viên Sandra Bullock, nhà văn Michael Ende (với tác phẩm “Italic” nổi tiếng toàn thế giới), Kenneth Chenault – Chủ tịch của America Express…
Nếu có hạn chế nào của phương pháp giáo dục Steiner thì có lẽ đó là số lượng. Mỗi ngôi trường không thể dạy cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh như giáo dục công, mà chỉ có khoảng vài chục em. Số trường ở mỗi nơi cũng rất ít, do đó không dễ dàng để phụ huynh tiếp cận. Hiện ở TP.HCM và Hà Nội cũng đã có cơ sở giáo dục thực hiện phương pháp này. Bạn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể hơn tại trường Tre Xanh (TP. HCM) hoặc trường Bông Gạo Steiner (Hà Nội).
Giáo dục con cũng chính là cảm nhận, góc nhìn và mong muốn của cha mẹ về cuộc sống, từ đó có lựa chọn phù hợp nhất cho con. Bạn nghĩ sao về phương pháp giáo dục tạo dựng con người hạnh phúc của Steiner?
*Trường học Waldorf Trường học Waldorf đầu tiên được thành lập vào năm 1919 cho con em những người công nhân làm việc trong nhà máy thuốc lá Waldorf-Astoria ở Stuttgart (Đức). Giáo dục Waldorf đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, phát triển suy nghĩ bao gồm những yếu tố sáng tạo cũng như phân tích. Mục đích của phương thức giáo dục này là cung cấp cho trẻ một nền tảng cơ bản cho sự phát triển đạo đức, hình thành một cá thể toàn vẹn và góp phần hoàn thiện số phận của trẻ. |
>>> Xem thêm: