Bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?
Nội dung bài viết:
Khi vay vốn tại các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, khách hàng phải đóng phí bảo hiểm khoản vay theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc "sau khi hoàn thành xong khoản vay thì có nhận lại được số tiền này?".
Bạn hãy theo dõi bài viết của Prudential dưới đây để được giải đáp về Bảo hiểm khoản vay có được trả lại không và những thông tin liên quan trước khi vay vốn nhé!
Bảo hiểm khoản vay là gì?
Bảo hiểm khoản vay ra đời nhằm mục đích đảm bảo mức độ rủi ro trong trường hợp khách hàng không thể thanh toán khoản nợ sau khi vay vốn.
Trong trường hợp người vay bị mất tích, gặp tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động hoặc bị tử vong - doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả khoản vay hàng tháng cho ngân hàng.
Tương tự như các loại hình bảo hiểm khác, sản phẩm này cũng có những điều khoản và điều kiện cụ thể mà khách hàng cần nắm rõ trước khi ký kết hợp đồng.
Bảo hiểm khoản vay đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người vay và bên cho vay
Các loại hình bảo hiểm khoản vay trên thị trường
Trên thị trường có nhiều loại hình bảo hiểm khoản vay được cung cấp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các giao dịch tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan, cụ thể:
1. Bảo hiểm khoản vay thế chấp
Khi vay thế chấp, người vay có kèm theo tài sản đảm bảo. Khi được ngân hàng/ tổ chức tài chính chấp thuận, giấy tờ chứng minh sỡ hữu tài sản sẽ bị giữ lại nhưng tài sản vẫn thuộc về người vay Trường hợp nếu người vay không có khả năng chi trả số tiền đã vay, tài sản thế chấp sẽ thuộc về ngân hàng/ tổ chức tài chính cho vay.
Tuy nhiên, nếu người vay đã mua bảo hiểm khoản vay thế chấp và gặp sự cố không thể trả nợ, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả các khoản vay này nhằm đảm bảo khách hàng không bị mất tài sản thế chấp.
2. Bảo hiểm khoản vay tín chấp
Ngược lại với vay thế chấp, vay tín chấp dựa vào uy tín người vay chứ không phải tài sản đảm bảo. Uy tín có thể xác minh thông qua thu nhập hoặc điểm tín dụng của người vay. Đây là hình thức cho vay rất phổ biến hiện nay..
Mua bảo hiểm khoản vay tín chấp đồng nghĩa với việc người vay mua thêm gói bảo hiểm thân thể. Điều này giúp hạn chế thiệt hại đối với bên cho vay trong trường hợp người vay gặp sự cố dẫn đến mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả "món nợ" này.
Bảo hiểm khoản vay thế chấp giúp bảo vệ tài sản của người vay khi gặp các rủi ro về sức khỏe, thương tật... không thể trả nợ
Điều kiện mua bảo hiểm khoản vay
Dưới đây là một số điều kiện chung mà bạn cần đáp ứng để có thể mua bảo hiểm khoản vay:
- Khách hàng từ 18 tuổi - 60 tuổi, tùy vào đơn vị cho vay và doanh nghiệp bảo hiểm liên kết: Điều này nhằm đảm bảo người tham gia đã đủ nhận thức để hiểu rõ về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.
- Khoản vay được chấp thuận bởi ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
- Áp dụng cho các khoản vay từ 10 triệu VNĐ đến 500 triệu VNĐ.
- Khách hàng phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Mỗi chính sách bảo hiểm khoản vay sẽ có các quy định khác nhau về tuổi tối đa, mức độ bảo vệ và thời hạn bảo hiểm khác nhau. Bạn nên đọc kỹ các điều khoản và điều kiện trước khi mua bảo hiểm để hiểu rõ và đảm bảo rằng bạn đáp ứng được các yêu cầu này.
Phí bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?
Rất nhiều người thắc mắc "sau khi thanh toán tất cả khoản nợ thì phí bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?". Thông tin này sẽ được giải đáp như sau:
- Trường hợp phí bảo hiểm khoản vay không được hoàn trả lại: Người vay gặp rủi ro như tai nạn, nằm viện, thất nghiệp, mất khả năng lao động... nên không thể thanh toán khoản vay.
- Trường hợp phí bảo hiểm khoản vay được trả lại: Khoản nợ của người vay nhỏ hơn số tiền mà công ty trả bảo hiểm chi trả, thì số tiền thừa còn lại sẽ được bên cho vay hoàn trả lại cho người vay.
Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm khoản vay còn hiệu lực mà công ty bảo hiểm hoặc người tham gia chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ được tính như sau:
-
Nếu công ty bảo hiểm chấm dứt hợp động: Hoàn trả 100% phí bảo hiểm khoản vay. Số tiền này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng; và thường chỉ trả 1 phần chứ không phải toàn bộ.
-
Nếu người tham gia yêu cầu chấm dứt hợp đồng: Công ty sẽ hoàn trả 70% phí bảo hiểm được tính dựa trên khoảng thời gian còn lại.
Lưu ý: Hợp đồng bảo hiểm khoản vay sẽ tự động chấm dứt nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra vượt quá số tuổi quy định. Lúc này, công ty sẽ không hoàn lại bất kỳ chi phí bảo hiểm nào cho người tham gia.
Cách tính phí bảo hiểm khoản vay
Mức phí đóng bảo hiểm khoản vay sẽ tính theo quy định và sự thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và khách hàng. Thông thường mức phí được tính bằng khoảng 6% tổng số tiền vay của hợp đồng.
Đồng thời, khoản phí này sẽ được cộng vào số tiền nợ gốc để thanh toán hoặc trừ thẳng vào số tiền giải ngân.
Nhìn chung, phí bảo hiểm khoản vay sẽ được = Mức bảo hiểm khoản vay x Tổng số tiền vay
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng 70 triệu đồng và mức bảo hiểm là 6% thì số tiền đóng bảo hiểm khoản vay sẽ được tính: 70.000.000 x 6% = 4.200.000 đồng.
Lợi ích khi người vay mua bảo hiểm khoản vay
Việc mua bảo hiểm khoản vay sẽ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho cả bên cho vay và người vay như sau:
1. Đối với bên mua bảo hiểm (người vay)
Một trong những lợi ích quan trọng của bảo hiểm khoản vay là sự an tâm và bảo vệ tài chính cho người tham gia
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc không may gặp sự cố, như mất việc làm, tai nạn hoặc bệnh tật, việc có bảo hiểm sẽ giúp thanh toán khoản vay. Điều này giúp tránh tình trạng nợ nần tích tụ, không gây áp lực tài chính cho gia đình và giúp duy trì một cuộc sống ổn định.
Nhờ có bảo hiểm khoản vay, đảm bảo các thành viên trong gia đình không phải chịu trách nhiệm trả nợ và tiếp tục cuộc sống mà không gánh vác nặng nề về tài chính.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp vay đều cần mua bảo hiểm. Nếu bạn có một khoản tiết kiệm dự phòng đủ để chi trả các khoản vay trong trường hợp xảy ra sự cố thì không cần phải mua thêm bảo hiểm khoản vay.
2. Đối với tổ chức tín dụng (bên cho vay)
Việc khách hàng mua thêm bảo hiểm khoản vay sẽ đảm bảo bên cho vay có thể thu được tiền nợ (từ doanh nghiệp bảo hiểm) nếu người vay gặp rủi ro không thể trả nợ. Điều này góp phần nâng cao môi trường vay vốn ổn định và tăng cường niềm tin để các bên cho vay có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ vay vốn.
Các tổ chức tín dụng có thể thu hồi nợ đúng kỳ hạn nhờ có sự đảm bảo từ công ty bảo hiểm khoản vay
Bài viết đã giải đáp mọi thông tin bạn quan tâm về "bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?" và "có nên mua bảo hiểm khoản vay không?". Nhìn chung, bạn cần sáng suốt trước khi quyết định mua bảo hiểm khoản vay để đảm bảo lựa chọn được sản phẩm cung cấp quyền lợi phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính của mình nhé!
Những câu hỏi liên quan đến việc mua bảo hiểm khoản vay
1. Khi vay vốn, không mua bảo hiểm có được không?
Pháp luật Việt Nam không quy định về việc khi vay tiền tại ngân hàng/các tổ chức tín dụng thì người vay bắt buộc mua thêm gói bảo hiểm khoản vay. Việc có muốn mua hay không sẽ phụ thuộc chính vào quyết định của người vay và sự thỏa thuận giữa hai bên!
Trường hợp, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng ép người vay phải mua bảo hiểm thì được cơi là vi phạm Luật kinh doanh bảo hiểm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 40 triệu đồng - 50 triệu đồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm khoản vay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan: bảo vệ tài sản cho người vay khi mắc bệnh, bị thương tật, tài sản bị thiệt hại nặng... Điều này đảm bảo bên cho vay vẫn thu được nợ gốc nếu người vay không đủ khả năng chi trả.
2. Người vay có được tự chọn công ty mua bảo hiểm khoản vay không?
Thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ do ngân hàng chỉ định nhằm đảm bảo các tiêu chí được đưa ra bởi chính ngân hàng đó.
3. Các hình thức thanh toán bảo hiểm khoản vay hiện nay
Tùy thuộc vào quy định của công ty bảo hiểm cũng như thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp người vay chọn được hình thức thanh toán khoản vay phù hợp như sau:
-
Nộp tiền trực tiếp tại quầy làm việc của ngân hàng.
-
Chuyển khoản qua app thanh toán online của công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng có liên kết.
-
Nộp tiền qua thu phí viên của công ty.
>>> Xem thêm: