Phương pháp "hai quả táo" giáo dục con trẻ về vấn nạn bắt nạt học đường
Bắt nạt học đường luôn là một trong những chủ đề đáng quan tâm nhất của giáo viên và phụ huynh. Làm thế nào để ngăn chặn con trẻ trước vấn nạn này, và làm thế nào để giáo dục con có cách nhìn nhận đúng đắn hơn trong giao tiếp với bạn bè? Prudential sẽ mang đến cho bạn bài chia sẻ hữu ích của một giáo viên tại Mỹ đã dạy học trò bài học về hậu quả của vấn nạn bắt nạt học đường thông qua một loại trái cây rất gần gũi và quen thuộc: những quả táo.
Trong một buổi học đặc biệt, tôi đã mang đến cho các học trò hai quả táo rất đẹp và nhẵn mịn. Bọn trẻ không tin rằng tôi đã ném một trong hai quả táo đó xuống sàn rất nhiều lần. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài cả hai quả táo đều như nhau.
Đầu tiên, tôi cầm quả táo đã bị ném nhiều lần xuống đất, sau đó bắt đầu nói với chúng là tôi cực kỳ không thích quả táo này. Tôi nghĩ rằng nó thật sự ghê tởm, màu sắc của nó quá nhợt nhạt và cuống táo quá ngắn. Tôi nói với lớp rằng vì tôi ghét nó, thế nên tôi không muốn các em thích quả táo này, hãy bắt đầu chê bai nó đi.
Một vài em học sinh nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, nhưng chúng cũng bắt đầu chuyền trái táo vòng quanh và bắt đầu những lời chê bai: "Bạn là một trái táo bốc mùi", "Tôi thậm chí không hiểu lý do bạn tồn tại", "Chắc chắn bạn có sâu ở bên trong"…
Sau đó, tôi lại chuyền cho các em học sinh quả táo còn lại và muốn các em khen quả táo. Cả lớp lại bắt đầu dành những lời khen như: "Bạn thật là một quả táo dễ thương", "Lớp vỏ của bạn tuyệt đẹp!", "Màu sắc của bạn mới đẹp tuyệt làm sao"… cho quả táo thứ hai.
Sau đó, tôi mang hai quả táo lên bàn và cắt đôi chúng ra. Quả táo được đối xử tử tế với những lời khen ngợi thì bên trong trắng, tươi và mọng nước. Còn quả táo tội nghiệp nhận được những lời chê bai thì bên trong lại bị thâm và dập nát.
Tôi nghĩ các em học sinh đã hiểu ra vấn đề ngay sau đó. Những gì đã xảy ra bên trong quả táo kia: dập nát, bầm tím và thương tổn, chính là những gì xảy ra bên trong chúng ta khi ai đó bắt nạt bằng lời nói hay hành động. Khi bị bắt nạt, đặc biệt là với trẻ em, chúng cảm thấy thật tồi tệ và đôi khi không biết biểu lộ, tâm sự về cảm xúc trong lòng cùng ai. Nếu như không bổ đôi quả táo ấy ra, chúng ta không bao giờ biết được những nỗi đau, tổn thương đã gây ra cho quả táo ấy.
Tuy nhiên, khác với những quả táo vô tri vô giác kia, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn chuyện bắt nạt xảy ra đối với những đứa trẻ có suy nghĩ và cảm xúc. Bố mẹ đều có thể dạy con hiểu rằng việc nói những lời không tử tế với người khác là điều không tốt, đồng thời giúp con hiểu hành động ấy sẽ gây ra tác động tiêu cực đến người khác thế nào. Và những người lớn, hoàn toàn có thể dạy con sự dũng cảm để đứng lên bảo vệ người khác, ngăn chặn những hành vi bắt nạt đến với bạn bè xung quanh. Lời nói vốn dĩ không có tính sát thương, nhưng nó đủ mạnh để làm tổn thương, tan vỡ một trái tim. Vì vậy, hãy trao cho những người xung quanh bạn những lời nói tốt đẹp nhất.
Theo BrightSide
>>> Xem thêm: