Vận dụng hiệu ứng cánh bướm để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn
"Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas". Một hành động nhỏ cũng có sức mạnh thay đổi nhiều điều to lớn. Hãy cùng Prudential tìm hiểu và vận dụng hiệu ứng cánh bướm để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn nhé!
Đừng xem thường một cánh bướm
Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect) lần đầu tiên được nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz giới thiệu trước Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ bài diễn thuyết với tựa đề: “Tính dự đoán được: “Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?”.
Học thuyết này dựa trên những kinh nghiệm thực tế của ông vào năm 1961, trong khi mô phỏng một dự đoán về thời tiết trên máy tính, Lorenz đã nhập số liệu là 0,506 thay vì 0,506127 như dự định, và thu về kết quả dự đoán thời tiết hoàn toàn khác so với tính toán ban đầu. Về mặt khoa học, học thuyết này cho thấy tầm quan trọng của những sai số, tuy vô cùng nhỏ nhưng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực nghiệm. Từ sai lầm này, Lorenz kết luận rằng một cái đập cánh của con bướm cũng có thể tạo ra sự thay đổi trong điều kiện gốc của hệ vật lý, kéo theo những thay đổi rõ rệt về thời tiết, thậm chí là tạo ra cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn cây số.
Đồng thời, tỷ lệ động năng giữa một cái đập cánh của con bướm với cơn lốc là quá nhỏ, do đó vai trò của con bướm là không đáng kể trong những tính toán lý thuyết hỗn loạn cho hệ vật lý. Có thể hiểu, nếu một cái đập cánh của con bướm dẫn đến cơn lốc thì một cái đập cánh khác lại có thể dập tắt nó.
Trong cuộc sống, hiệu ứng cánh bướm được xem như một phép ẩn dụ của những khoảnh khắc, hành động tưởng chừng không đáng kể nhưng lại thay đổi được cả lịch sử và thay đổi số phận của mỗi người. Dù chưa biết đến học thuyết này, ông bà ta đã có những câu nói thể hiện được quan hệ nhân quả trên như “Sai một li đi một dặm” hay “Một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh rừng”.
Góp phần thay đổi thế giới ngay từ hôm nay
Dù đã có nhiều dự án khoa học cố gắng chứng minh tính sai lầm của hiệu ứng cánh bướm về mặt khoa học thực nghiệm, giá trị của nó đối với các nguyên lý sống vẫn không thay đổi. Chúng ta thường tự ti rằng khả năng của mình có giới hạn, mỗi hành động của mình chỉ là một hạt cát trong biển đời mênh mông. Nhưng đừng đánh giá thấp sức mạnh của hành động, nhiều hành động nhỏ góp lại có thể tạo nên sự thay đổi lớn, hoặc những thay đổi nhỏ lại là ngọn nguồn của sự đột phá trong tương lai.
Góp một chút sống xanh để xây dựng cuộc sống an lành
Câu chuyện của nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado và vợ Lélia Deluiz Wanick Salgado có thể xem như một ví dụ cho hiệu ứng cánh bướm trong việc sống xanh. Trong suốt 20 năm ròng, cặp đôi này đã nỗ lực khôi phục một cánh rừng ở Brazil với 2 triệu cây xanh và đưa nơi này trở thành “mái nhà” của hệ động thực vật phong phú, góp phần “hồi sinh” nguồn nước sạch, cải thiện nền nhiệt và giảm thiểu tình trạng lũ dốc tại địa phương. Câu chuyện truyền cảm hứng trên đã góp phần thúc đẩy trào lưu “Sống xanh” hay “Zero Waste” trở thành một tiêu chuẩn sống mới của những cư dân hiện đại, văn minh. Một cái cây bạn trồng hôm nay có thể là khởi nguồn cho một cánh rừng trong tương lai. Một chiếc vỏ chai hay túi nilon được tái chế sẽ góp phần cải thiện hệ sinh thái trong suốt 1.000 năm sau. Nếu vẫn còn “mù mờ” chưa biết nên áp dụng lối sống này như thế nào, bạn có thể tìm hiểu thêm nguyên tắc 5R hoặc chọn lựa các tiện ích cho cuộc sống “xanh”.
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu một chút về Miễn dịch cộng đồng. Khái niệm này chỉ tình trạng một lượng lớn cá thể trong cộng đồng trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn hay virus gây bệnh (nhờ hồi phục sau lây nhiễm tự nhiên hay bằng cách nhân tạo như tiêm chủng), từ đó tạo nên lớp bảo vệ cho những cá thể chưa được miễn dịch như trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mãn tính, làm cho chu trình lây lan của bệnh truyền nhiễm dừng hẳn hoặc chậm lại.
Một mũi vắc-xin có thể bảo vệ sức khỏe không chỉ của chính bản thân người được tiêm mà còn là của cả cộng đồng. Nỗ lực tiêm ngừa bệnh sởi trên toàn thế giới từ năm 2000 đến 2013 đã mang đến kết quả là giảm 75% tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của phong trào Chống sử dụng vắc-xin (Anti vaccine), dịch sởi đang quay trở lại và đe dọa đến cả những cộng đồng đang nỗ lực hết mình trong việc tạo miễn dịch cộng đồng. Tại Việt Nam, hơn 90% ca sởi trong năm 2019 bị phát hiện không tiêm ngừa hoặc tiêm không đủ liều Câu chuyện trên cho thấy chỉ cần một vài cá thể chủ quan với việc tiêm phòng có thể dẫn đến sức khỏe của cả cộng đồng bị đe dọa. Vì vậy, việc tiêm chủng ngay các bệnh dễ lây nhiễm khi điều kiện sức khỏe và tài chính cho phép là vô cùng quan trọng.
Vậy đối với những bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin phổ biến như Covid-19, chúng ta có thể làm gì để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng? Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám Đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng với các hành động cơ bản: Rửa tay thường xuyên; Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; Hạn chế di chuyển xa nơi sinh sống; Hắt hơi và ho đúng cách; Tránh nơi đông người; Tuân thủ các quy định an toàn khi có các dấu hiệu đáng ngờ của bệnh. Những trường hợp chủ quan, vẫn tổ chức tụ tập đông người dù có cảnh báo, tạo thành “ổ dịch siêu lây nhiễm” là bài học cảnh tỉnh cho cộng đồng. Hãy cùng chung tay vì một cộng đồng khỏe mạnh thay vì trở thành “đốm lửa đốt cháy cả một cánh rừng” bạn nhé.
Bên cạnh việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe dự phòng, việc tự hình thành những thói quen sống lành mạnh, giúp cải thiện sức khỏe cá nhân sẽ là bệ phóng để bạn đóng góp nhiều hơn cho công việc, xã hội… Chúng ta không thể thay đổi thế giới nếu sức khỏe bắt đầu sa sút từ sau tuổi 30. Vì vậy, hãy hành động ngay từ hôm nay với những thay đổi rất nhỏ: đi thêm 2.000 bước chân mỗi ngày, ngủ sớm hơn 30 phút, ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau quả mỗi ngày, tập thể dục 5 lần một tuần với 30 phút mỗi lần… để nâng cao sức khỏe mỗi ngày.
Lan tỏa những giá trị tích cực
Câu chuyện của cậu bé Andy Đào Nguyên (11 tuổi) dùng 10 triệu đồng tiền lì xì Tết để mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho mọi người đã góp phần thúc đẩy phong trào ủng hộ thiết bị bảo hộ, nhu yếu phẩm cho người dân cũng như các cán bộ y tế trong cộng đồng. “Một cánh én không làm nên mùa xuân”. Nhưng nếu không có những “cánh én” như cậu bé Andy Đào Nguyên làm khởi đầu, có lẽ sẽ chẳng có “mùa xuân” nào đến. Những câu chuyện tích cực dù lớn hay nhỏ vẫn có giá trị riêng của chúng.
Sự tích cực, lạc quan sẽ tiếp thêm cho chúng ta năng lượng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiệu ứng “tâm lý đám đông” dễ đẩy chúng ta rơi vào trạng thái tiêu cực. Chúng ta có thể góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, đẩy lùi trạng thái tiêu cực từ những hành động đơn giản: hạn chế nói những lời than phiền, nở nụ cười trước gương mỗi sáng sớm, mỉm cười mỗi khi gặp ai đó, gọi một cú điện thoại thăm hỏi và động viên. Bạn cũng có thể tận dụng “quyền lực của nút share” trên mạng xã hội bằng cách chia sẻ những nội dung tích cực, cảm động hay tự sáng tạo nên những nội dung mang lại niềm vui cho mọi người. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi người, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, hãy chia sẻ nhiều hơn. Vì biết đâu, thùng mì tôm hay chục kilogram gạo bạn chia sẻ hôm nay sẽ giúp một gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, từ đó là những đứa trẻ mang lại nhiều đóng góp to lớn cho xã hội trong tương lai.
Mỗi hành động tử tế chúng ta thực hiện, dù nhỏ nhưng đều mang đến giá trị tốt đẹp, chúng luôn có một ý nghĩa nào đó và đang góp phần vào sự chuyển động tích cực của toàn xã hội. Hãy cùng Prudential chung tay tạo nên hiệu ứng cánh bướm tích cực vì một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn bạn nhé.