Ta có đang gánh nợ quá nhiều?
Nội dung bài viết
Có một số ý kiến cho rằng "người càng giàu thì càng nợ nhiều". Nhưng thực tế, việc mắc nợ vượt quá khả năng chi trả sẽ đẩy chúng ta vào tình trạng "giật gấu vá vai", làm thật nhiều nhưng mãi không thể trả hết nợ, không còn tâm trí tận hưởng những niềm vui của cuộc sống. Nếu có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem lại tình trạng nợ của bản thân và có một kế hoạch hành động quyết liệt để cải thiện tình hình tài chính.
Khoản thanh toán nợ vượt quá 36% tổng thu nhập hàng tháng
Hãy dành một phút để tính toán xem ta chi bao nhiêu cho việc trả nợ hàng tháng. Rút ra bảng sao kê thẻ tín dụng và các báo cáo tài chính khác, kiểm đếm các khoản thanh toán nợ tối thiểu, sau đó so sánh con số này với thu nhập hàng tháng, ta sẽ có được câu trả lời. Nếu khoản thanh toán nợ không vượt quá 36% tổng thu nhập hàng tháng thì thật tốt, mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng nếu chúng ta đang chi tiêu từ 50% tổng thu nhập trở lên cho các khoản thanh toán nợ mỗi tháng, thì đã đến lúc thực hiện ngay một số điều chỉnh tài chính.
Lao động vất vả chỉ để trả nợ thật mệt mỏi và có thể dẫn đến kiệt sức. Mặc dù chúng ta không thể làm gì để xóa nợ thẻ tín dụng chỉ trong một đêm, nhưng chúng ta có thể thực hiện từng bước để loại bỏ các khoản nợ khác. Ví dụ, chúng ta có thể thuê một căn hộ rẻ hơn hoặc tìm một người bạn cùng phòng để giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể bán phương tiện hay thiết bị đang ngốn quá nhiều tiền trả góp hàng tháng, mua một cái khác vừa túi tiền hơn và trả khoản thanh toán nợ hàng tháng ít hơn. Hãy cân nhắc lại tất cả các lựa chọn nhằm giảm bớt các khoản thanh toán nợ hàng tháng.
Chỉ đủ khả năng chi trả khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng
Nếu thậm chí ta không đủ khả năng chi trả khoản thanh toán tối thiểu trên thẻ tín dụng của mình, rất có thể ta đang gánh quá nhiều nợ. Trong trường hợp này, lý tưởng nhất là nên trả hết nợ - hoặc trả càng nhiều càng tốt - trong khoảng thời gian được ngân hàng cho phép trước khi lãi suất càng ngày càng tăng cao hơn. Tiếp đó, hãy thử chuyển số dư sang thẻ khác có tỷ lệ ưu đãi cao hơn và mức lãi suất thấp hơn. Mặc dù việc sử dụng thẻ có lãi suất thấp hơn đồng nghĩa hạn mức thanh toán hiện tại cũng thấp hơn, nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì thanh toán mức tối thiểu như ban đầu, khoản nợ sẽ được giảm nhanh hơn.
Thể chất và tinh thần suy giảm vì ảnh hưởng của các khoản nợ
Nợ quá nhiều hoặc quá hạn thanh toán có thể dẫn đến thẻ tín dụng bị khóa và trở nên vô dụng. Hơn nữa, các chủ nợ như ngân hàng có thể liên tục gọi vào số điện thoại cá nhân khi ta chậm thanh toán. Sự căng thẳng đến từ việc không thể theo kịp các khoản thanh toán có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, cảm giác hạnh phúc, sự thèm ăn và mức độ lo lắng của chúng ta. Nếu phải thường xuyên nghĩ về khoản nợ của mình - hoặc liên tục bị nhắc nhở về khoản nợ của mình qua các cuộc gọi đòi nợ - thì có thể ta đang gánh quá nhiều nợ hơn mình nghĩ.
Bị từ chối phê duyệt khoản tín dụng mới
Rõ ràng lịch sử nợ tín dụng sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số điểm tín dụng của chúng ta. Càng mắc nhiều nợ, chúng ta càng khó được chấp thuận khoản tín dụng mới. Quá trình phê duyệt tín dụng có thể nhanh chóng kết thúc khi ngân hàng hay đơn vị cho vay xem xét đơn đăng ký tín dụng của chúng ta và cho rằng ta đã bị xử lý vì nợ xấu quá thường xuyên.
Các ngân hàng và đơn vị cho vay thường sẽ gửi thư từ chối sau khi không phê duyệt đơn đăng ký tín dụng và những lá thư này sẽ giải thích lý do đằng sau việc từ chối. Các lý do phổ biến bao gồm điểm tín dụng thấp, không có lịch sử tín dụng, số dư cao và đôi khi là do có quá nhiều khoản tín dụng.
Tài khoản tiết kiệm trống rỗng
Một tài khoản tiết kiệm dư dả là dấu hiệu của việc quản lý tài chính cá nhân tốt. Tài khoản này sẽ giúp chúng ta duy trì sinh hoạt phí trong trường hợp chẳng may như mất việc làm và cung cấp tiền mặt cho các trường hợp khẩn cấp khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta đang tiêu hết tiền cho việc trả nợ, thì tài khoản tiết kiệm của ta thường trống rỗng hoặc còn lại rất ít.
Hãy kiểm tra lại tài khoản tiết kiệm cá nhân: Ta đang có bao nhiêu tiền trong quỹ thanh khoản? Ta có tiết kiệm được ít nhất 6 tháng thu nhập trong khoản dự trữ tiền mặt không?... Thiếu tài khoản tiết kiệm là dấu hiệu đáng báo động, đặc biệt trong trường hợp chúng ta liên tục mua sắm và “làm dày” thêm danh sách các chủ nợ mới.
Thường xuyên thanh toán trễ các khoản nợ
Khi rơi vào tình trạng gánh quá nhiều nợ, chúng ta khó có thể theo kịp các khoản thanh toán hàng tháng của mình. Nhiều người có thể quên hoàn toàn các khoản nợ và ngày đến hạn, hoặc gửi các khoản thanh toán muộn so với hạn định. Việc sở hữu quá nhiều khoản nợ có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng và nếu chúng ta bắt đầu gửi các khoản thanh toán trễ, điểm số tín dụng sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi đã rõ ràng tình trạng nợ của bản thân và đi đến kết luận mình đang nợ quá nhiều, điều tiếp theo chúng ta cần làm là lập kế hoạch xóa nợ. Chúng ta cần làm mọi thứ trong khả năng để giải quyết tình trạng nợ càng sớm càng tốt. Một số gợi ý là rao bán đồ cũ ít được dùng đến trực tuyến và chuyển số tiền thu được để thanh toán các khoản nợ. Một công việc bán thời gian hay tăng ca để kiếm thêm thu nhập cũng là những gợi ý tốt. Nếu không thể làm gì khác, hãy thẳng thắn với chủ nợ về tình trạng tài chính cá nhân và bàn bạc để tìm ra phương án chung nhằm giải quyết khoản nợ. Việc tìm những khoản vay khác có lãi suất thấp hơn để trả nợ cũ hay công bố phá sản chỉ nên là lựa chọn cuối cùng khi không còn cách giải quyết nào khác.
Trước khi tình trạng trở nên xấu hơn, hãy tỉnh táo để nhận ra những dấu hiệu của việc nợ quá nhiều và hành động ngay để khắc phục chúng.
>>> Xem thêm: