3 bước lên kế hoạch chi tiêu cá nhân
Nội dung bài viết
Quản lý tài chính cá nhân là một bài toán khó mà không phải ai cũng được học ở trường lớp, thế nhưng ai cũng phải đương đầu với nó trên đường đời. Vậy làm thế nào để chi tiêu hiệu quả? Hãy cùng Prudential học cách lên kế hoạch chi tiêu cá nhân qua 3 bước đơn giản sau bạn nhé.
Bước 1: Hãy ghi chép lại các khoản chi hàng ngày của bạn để tìm hiểu về thói quen chi tiêu của mình trong vòng 1 tháng
Hãy ghi chép và phân loại các khoản chi theo hình thức thanh toán: thẻ tín dụng, tiền mặt, thẻ ATM, thanh toán online, v,v. Lưu giữ các biên lai tiền điện, tiền nhà, tiền internet… và các khoản chi cố định hàng tháng khác. Đến cuối tháng, bạn sẽ có trong tay 1 danh sách tổng kết mình đã tiêu bao nhiêu cho khoản nào và còn dư bao nhiêu cho tháng sau. Hãy nhớ, giai đoạn này là để bạn tìm hiểu thói quen tiêu dùng của bản thân, cho nên đừng cố gắng kiểm soát chi tiêu khi bạn chưa có thông tin rõ ràng cho việc này.
Bước 2: Sau 1 tháng, hãy phân loại các khoản chi của bạn theo các hạng mục một cách đơn giản nhất. Ví dụ như sau:
- Thu nhập hàng tháng: 15.000.000 VNĐ
- Chi tiêu hàng tháng:
- Tiền thuê nhà: 3.500.000 VNĐ
- Tiền điện, nước, điện thoại, internet, xăng xe: 1.500.000 VNĐ
- Nhu yếu phẩm: 2.000.000 VNĐ
- Tiền ăn tối ở ngoài: 2.000.000 VNĐ
- Mua sắm khác: 3.500.000 VNĐ
- Tiền tiết kiệm: 2.500.000 VNĐ
Bước 3: Bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu.
Ở bước này, bạn đã có trong tay ghi chép về thói quen chi tiêu của mình và đã phân loại chúng theo hạng mục. Hãy phân bổ thu nhập của bạn vào các hạng mục theo tỉ lệ phần trăm, chú ý đối chiếu với thói quen chi tiêu xem bạn có phân bổ quá ít hay quá nhiều cho một khoản hay không. Ở bước này, ứng dụng lập bảng thống kê Excel sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn.
- Hãy phân các khoản chi thành 2 cột riêng biệt – cột “Dự tính” và cột “Thực tế”. Cột “Dự tính” ghi số tiền được khoán cho mỗi khoản chi vào đầu tháng, và cột “Thực tế” sẽ ghi số tiền bạn thực sự tiêu xài cho từng khoản vào cuối tháng.
- Thông thường, mọi người sẽ dành khoảng 2/3 thu nhập cho 2 khoản chi thiết yếu nhất bao gồm thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại. Phần còn lại sẽ dành cho trả lãi ngân hàng (nếu có), để dành tiết kiệm, cuối cùng là các hoạt động giải trí và mua sắm.
- Nhiều nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp khuyên bạn nên dành từ 10 đến 15% tổng số tiền kiếm được mỗi tháng vào việc Tiết kiệm. Khoản tiền này có thể để đầu tư hoặc dự trù khi bạn gặp khó khăn...
Lưu ý: Trong nhiều trường hợp, số tiền thực chi của mỗi tháng sẽ thay đổi theo thời gian. Do đó, bạn cần phải theo dõi và đối chiếu hai cột “Dự tính” và “Thực tế” sau mỗi tháng. Việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn chi tiết về cách bạn tiêu xài trong một thời gian dài và có sự điều chỉnh hợp lí.
Vậy, lập kế hoạch chi tiêu mang lại cho bạn những lợi ích gì?
Lập ra kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về những khoản chi hàng tháng. Bạn sẽ phân biệt được những khoản nào là cần thiết, những khoản nào nên hạn chế và cắt giảm những khoản không cần thiết phải tiêu tiền.
Việc lập kế hoạch chi tiêu sẽ tạo cho bạn thói quen chuẩn bị khoản dự phòng cho các tình huống không ngờ đến, ví dụ như xe hư, bị tai nạn, người thân cần giúp đỡ hay đi dự đám cưới bạn bè… Để giải quyết những trường hợp này thường sẽ tiêu tốn không ít, vậy nên hãy luôn chuẩn bị sẵn một khoản “phòng thân” để bạn không rơi vào thế bị động khi tình huống bất ngờ xảy ra.
Theo đó, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ như một cách dự phòng hiệu quả và tiết kiệm có kỷ luật.
Nếu bạn vẫn còn khá lạ lẫm với khái niệm bảo hiểm nhân thọ là gì, xem thêm TẠI ĐÂY nhé!