4 lý do khiến bạn mãi tiết kiệm mà không thành công
Bạn chưa từng có một khoản tiền tiết kiệm hoặc luôn phải tất toán khoản tiền tiết kiệm của mình sớm hơn thời hạn vì… thiếu tiền trang trải? Cùng Prudential tìm hiểu 4 lý do khiến chúng ta mãi tiết kiệm nhưng không thành công nhé!
Vung tay quá trán
Những màn rủ nhau đi ăn uống, mua sắm tẹt ga sau giờ làm, đặt trà sữa từ các ứng dụng công nghệ là “kịch bản” thường thấy ở nhiều người trẻ chưa có gia đình. Vì “tôi đã vất vả cả tháng, tôi cần hưởng thụ thành quả lao động mình làm ra” nên đôi ba trăm ngàn hoặc cả triệu đồng bay đi trong tích tắc ngay sau khi lương vừa “về với ví”.
Chưa kể, trả nợ cho thẻ tín dụng hay những khoản đã vay mượn trong tháng cũng khiến bạn không còn dư đồng nào để mà tiết kiệm. Mọi lý do được đưa ra để tự bào chữa cho việc không thể quản lý tài chính đều nghe có vẻ rất chính đáng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, bạn cần xác định rõ vị trí xã hội của bản thân cũng như mức chi tiêu phù hợp với vị trí thay vì “vung tay quá trán” và rơi vào tình trạng “rỗng túi”, phải đi vay mượn. Chẳng hạn, nếu bạn là một nhân viên văn phòng với thu nhập khoảng 10 triệu/tháng, bạn không nên mua những món đồ đắt tiền, ăn chơi ở những hàng quán sang trọng như một trưởng bộ phận có mức lương 30-40 triệu/tháng. Một điều nữa mà mọi người cần nhớ khi tiết kiệm đó chính là đừng nhầm lẫn về thứ tự của việc tiết kiệm và chi tiêu. Nguyên tắc đúng chính là "tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm" chứ không phải "tiết kiệm những khoản còn lại sau khi tiêu".
Đối với những bạn yêu thích mua sắm, việc quản lý “cảm hứng” sắm sửa đồ đạc theo nguyên tắc “30 ngày yêu” sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi tiêu. Theo như nguyên tắc này, khi bạn yêu thích một món đồ gì đó, hãy khoan sở hữu nó một cách vội vàng và chờ đợi xem sau 30 ngày nữa liệu bạn có còn thích món hàng này hay không. Thêm vào đó, việc chờ đợi 30 ngày biết đâu sẽ khiến bạn tìm được những chỗ bán món hàng này với mức giá “hời” hơn hay săn được một chương trình khuyến mãi nào đó bất ngờ.
“Thu không đủ chi thì nói gì đến tiết kiệm!”
Thực ra, thu nhập thấp không phải “thủ phạm”, mà chính thói quen “làm đồng nào xào đồng nấy” và suy nghĩ “mình không thể tiết kiệm được” mới khiến bạn không thể tiết kiệm.
Để bắt đầu kế hoạch tiết kiệm, bạn cần nắm rõ số tiền bạn kiếm được và số tiền cần chi tiêu hàng tháng. Sau khi viết ra tổng thu nhập mỗi tháng, hãy ước tính tất cả các khoản cố định bắt buộc phải chi cho nhà ở, điện nước, thực phẩm, phương tiện đi lại… Sau đó, lấy số tiền mình có trừ đi số tiền phải chi để thấy khoản tiền tối đa mà bạn có thể để tiết kiệm được.
Bạn cũng có thể áp dụng công thức quản lý tài chính “6 cái lọ” (JARS system) của Harv Eker - người sáng tác 2 quyển sách bán chạy trên toàn thế giới là "Bí mật tư duy triệu phú" và "Làm giàu nhanh".* Phương pháp JARS chia thu nhập hằng tháng của bạn vào 6 chiếc lọ. Mỗi lọ sẽ có tên và chức năng nhất định gồm nhu cầu thiết yếu (55%), giáo dục (10%), hưởng thụ (10%), tự do tài chính (10%), tiết kiệm dài hạn (10%) và giúp đỡ người khác (5%). Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào…), bạn hãy chia khoản tiền này vào 6 cái lọ. Việc này cần được thực hiện đều đặn hằng ngày, hằng tháng như một thói quen.
Nếu các khoản bắt buộc phải chi của bạn quá lớn, chiếm bằng hoặc thậm chí nhiều hơn mức thu nhập của bạn khiến tháng nào bạn cũng chật vật vay mượn, bạn nên nghĩ đến phương án gia tăng thu nhập. Đây là con đường duy nhất để bạn có thể tiết kiệm sau khi đã chi các khoản tối thiểu cho nhu cầu thiết yếu. Bạn có thể yêu cầu tăng lương, tìm kiếm một công việc lương cao hơn hoặc tìm việc làm bán thời gian và cân nhắc bán hàng trực tuyến. Thêm vào đó, chúng ta thường có suy nghĩ sẽ bắt đầu tiết kiệm sau này hoặc khi tài chính đủ dư dả. Song khái niệm “sau này” hoặc “đủ dư dả” lại là những khái niệm mang tính chất định tính, nếu chờ đến khi sẵn sàng mới bắt đầu, bạn sẽ không bao giờ bắt đầu cả. Hãy tập bắt đầu tiết kiệm từ những con số nhỏ nhất và nhân nó lên theo thời gian bởi lẽ “tích tiểu” sẽ luôn “thành đại”. Chưa kể, việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm sẽ giúp bạn xây dựng được một tính cách tốt cho việc quản lý tài chính cho mai sau. Đừng bao giờ xem thường những sự khởi đầu nhỏ lẻ, bạn nhé!
>>> Có thể bạn quan tâm: Bí quyết giúp bạn tiết kiệm mỗi tháng một cách hiệu quả
“Tiết kiệm làm gì khi lạm phát cũng khiến tiền mất giá!”
Thay vì lo nghĩ “lạm phát sẽ khiến đồng tiền của bạn mất giá”, hãy tiết kiệm theo cách thông minh hơn.
Các chuyên gia tài chính cá nhân đều khuyên: “Cách giữ tiền tốt nhất chính là để tiền làm việc cho bạn”. Do đó, nếu có một khoản tiền “rảnh rỗi”, thay vì cất tiền trong tủ sẽ khiến đồng tiền trượt giá, bạn có thể lập một tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao tại ngân hàng uy tín hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán để “tiền đẻ ra tiền”.
Bạn nên chọn các kỳ hạn gửi tiết kiệm có lãi suất tối ưu, gửi trực tuyến để giảm chi phí đi lại. Còn khi đầu tư chứng khoán, hãy theo dõi diễn tiến của thị trường thật sát sao để có quyết định rút về hoặc đầu tư tiếp kịp thời.
Ngoài ra, tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng là một kênh đầu tư sinh lời cho khoản tiền “rảnh rỗi”. Tất nhiên, bạn nên chọn các đối tác, công ty bảo hiểm lớn, có uy tín để yên tâm trao gửi tài sản của mình. Bạn sẽ không chỉ nhận về được tiền lãi, mà còn được bảo hiểm nhiều hạng mục khác, tương ứng với từng loại bảo hiểm mà bạn đang mua.
Các giải pháp tài chính bảo vệ và hỗ trợ toàn diện trước rủi ro
> Tìm hiểu: Bảo hiểm nhân thọ là gì cho người mới tham gia
Tận hưởng cuộc sống hết mình
“Mỗi người chỉ có một cuộc đời, một tuổi trẻ, không ăn không hưởng còn chờ đến bao giờ”, đây là một trong những suy nghĩ sai lầm khiến bạn không bao giờ có được khoản dành dụm nào. Sẽ rất khó để vững lòng tiết kiệm, nhất là khi xung quanh bạn không ngừng có những cám dỗ, những ham muốn kích thích bạn tiêu tiền: một món đồ công nghệ mới ra, đồ thời trang “đu trend” hay những lời mời gọi ăn chơi của hội bạn bè… Hãy giữ cho mình một “cái đầu lạnh”, tỉnh táo trước những cám dỗ và tránh xa hết mức có thể nhé
Có rất nhiều lý do để tiêu tiền, nhưng chỉ có một lý do để bạn có động lực tiết kiệm: tương lai. Bạn có nhu cầu mua nhà, mua xe, đầu tư cho con cái, hay chỉ đơn giản là sẽ chủ động tài chính trong trường hợp rủi ro, đau ốm hoặc những biến động của cuộc sống. Những điều đó sẽ giúp bạn có thêm động lực để tiết kiệm. Hãy thay đổi thói quen chi tiêu, suy nghĩ về tiết kiệm đồng thời thực hiện ngay bây giờ. “Góp gió thành bão”, đến một thời gian nhìn lại, bạn sẽ có một số tiền không nhỏ trong tài khoản để dành cho những hoạch định tương lai đấy!