Sự hiện diện của cha trong gia đình tạo sự quân bình cho con cái
Do áp lực công việc, tài chính và ảnh hưởng từ quan niệm về sự phân công truyền thống giữa người cha và người mẹ như “đàn ông xây nhà – đàn bà xây tổ ấm” mà nhiều người cha hiện đại gần như thiếu vắng sự hiện diện và ảnh hưởng cần thiết trong cuộc sống của con cái. Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Sigmund Freud: “Nhu cầu mạnh mẽ nhất của mọi đứa trẻ trong suốt thời kì thơ ấu là được che chở và bảo vệ bởi người cha”. Trong đó, người cha đóng góp vai trò rất quan trọng trong sự phát của con ở mọi khía cạnh cuộc sống.
Vai trò của người cha đối với con cái
Vai trò của người cha trong cuộc đời một đứa trẻ là không thể thay thế hay lấp đầy bởi bất kỳ ai khác. Không chỉ là người đứng thứ hai hay chỉ là người hỗ trợ chăm sóc con cái, người cha chính là một trong những nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
a) Phát triển sức khỏe thể chất
Sự hiện diện của người cha ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất của con. Người cha có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích con tham gia vào hoạt động thể chất và chăm sóc sức khỏe. Tham gia cùng cha trong các hoạt động này không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn tăng cường tình cảm gia đình và xây dựng mối quan hệ gắn kết. Các hoạt động thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng xã hội và tinh thần đoàn kết của trẻ.
Theo nghiên cứu, việc cha tham gia vào hoạt động thể chất, thể thao cùng con giúp con năng động và yêu thích thể thao hơn, từ đó cải thiện sức mạnh cơ bắp, sự linh hoạt và khả năng chịu đựng. Chơi thể thao thường xuyên còn giúp con giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện giấc ngủ. Gia đình ổn định và mối quan hệ tốt với cha mẹ cũng có tác động lớn đến hành vi ăn uống, hoạt động và giấc ngủ của con. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối quan hệ cha - con đóng vai trò quan trọng hơn mối quan hệ mẹ - con trong việc dự đoán nguy cơ thừa cân hoặc béo phì ở nam thanh niên.
b) Nâng cao sức khoẻ tâm lý, tình cảm
Trẻ cũng thường tìm đến cha để cảm thấy an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần bởi cha có thể thúc đẩy sự phát triển của những cảm xúc tích cực và nội lực của trẻ một cách rất tự nhiên và hiệu quả. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự âu yếm, ân cần và hỗ trợ của người cha dành cho trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhận thức và xã hội của chúng. Nó đồng thời cũng mang lại cảm giác hạnh phúc trọn vẹn và sự tự tin của bản thân đứa trẻ.
Nếu người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha lại kích thích trẻ theo một cách khác. Người cha thường tạo ra nhiều thử thách hơn trong các trò chơi, dẫn dắt định hướng trong các trò chơi khiến trẻ hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này giúp chúng giảm lo âu, tạo cho chúng sự hưng phấn vui vẻ, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo. Con cái có cha hiện diện thường có khả năng giải quyết xung đột và khó khăn tốt hơn trong cuộc sống. Những đứa trẻ này có ít khả năng gặp các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm và hành vi tự tổn thương.
c) Góp phần dạy con về vai trò giới
Ngay từ nhỏ, đứa con đã chịu sự giáo dục của cha rất sâu sắc. Khi có một tình huống xảy ra, đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau tùy theo sự có mặt của cha hay mẹ. Nếu có mẹ ở bên, đứa trẻ sẽ òa khóc, tỏ ra sợ hãi và chờ đợi được dỗ dành. Còn nếu bên cạnh là người cha, nó sẽ tỏ ra can đảm hơn bởi ảnh hưởng từ phản ứng bình tĩnh, sự mạnh mẽ của cha.
Những đứa trẻ có được sự chăm sóc, giáo dục của cả cha và mẹ thường được kích thích sự phát triển và có khuynh hướng thích ứng xã hội tốt hơn so với những đứa trẻ chỉ gắn bó với cha hoặc mẹ. Trong đó, con trai thiếu tình thương của cha thường thể hiện nam tính ít hơn trong các mối quan hệ cũng như thường thể hiện cảm xúc ít hơn so với những trẻ trai gắn bó bên cha.
d) Đại diện cho lý trí và phép tắc trong gia đình
Một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, sự tồn tại của người cha có lợi cho việc ngăn chặn "mối quan hệ khép kín" được hình thành giữa mẹ và con, đồng thời giúp chuyển sang "mối quan hệ ba chiều mở". Trong một gia đình, tình cảm của mẹ thường vô điều kiện, đem lại cho trẻ niềm tin, giá trị của sự nhân ái trong cuộc sống. Trong khi đó, tình cảm của người cha là có điều kiện, thể hiện thông qua kỷ luật, sức mạnh.
Khi hành vi của trẻ không đáp ứng được yêu cầu của các quy tắc chung, người cha sẽ uốn nắn, răn dạy con, đưa trẻ vào khuôn khổ. Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2021 tiến hành một cuộc điều tra về trẻ em qua các giai đoạn và nhận thấy, trẻ từ 5-9 tuổi đáp ứng tốt với lời mẹ dạy dỗ hơn so với cha. Tuy nhiên, khi học lớp 3 trở đi, trẻ đáp ứng tốt với lời cha dạy dỗ hơn mẹ. Do đó, nếu trong giai đoạn này, vai trò của người cha không được khẳng định, trẻ dễ bỏ qua các quy tắc cốt yếu.
e) Giúp con phát triển tình yêu và lòng biết ơn
Sự hiện diện của người cha trong gia đình tạo ra một môi trường ấm cúng và gắn kết. Khi người cha dành thời gian và tạo cơ hội để tương tác với con cái, mối quan hệ gia đình trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này tạo ra cảm giác an toàn, yêu thương và sự ủng hộ cho con cái.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của người cha là một dạng tình yêu và quan tâm đặc biệt. Con cái có thể phát triển tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc đối với người cha khi thấy cha luôn ở bên và quan tâm đến cuộc sống của mình.
f) Giúp con định hướng sự nghiệp và hình thành tư duy tài chính
Người cha có thể trở thành người thầy, người cố vấn và hướng dẫn cho con cái trong việc lựa chọn và phát triển sự nghiệp. Sự hiện diện và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cũng như hỗ trợ con cái trong việc xây dựng kế hoạch và định hướng sự nghiệp giúp trẻ em có cơ hội phát triển và đạt được thành công trong tương lai.
Hơn thế nữa, người cha có thể tạo cơ hội cho con cái tiếp cận với các kiến thức về quản lý, tiết kiệm, đầu tư, kinh doanh và tài chính thông qua việc thảo luận, chia sẻ thông tin và khuyến khích con cái đưa ra quyết định tài chính đúng đắn. Sự hiện diện của người cha trong việc truyền đạt tư duy tài chính giúp trẻ em phát triển khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định thông minh về tài chính.
g) Cùng con phát triển kỹ năng xã hội
Sự hiện diện và tương tác của người cha giúp con cái phát triển kỹ năng xã hội. Khi có người cha tham gia vào các hoạt động xã hội, như chơi đùa, thể thao hay các hoạt động nhóm khác, con cái có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác và xây dựng quan hệ với người khác.
Điều đáng chú ý hơn cả là người cha không chỉ ảnh hưởng đến việc trẻ định hình con người bên trong của chúng, mà còn tác động đến xu hướng lựa chọn và gây dựng các mối quan hệ với mọi người khi trẻ lớn lên. Cách người cha đối xử với con mình sẽ thiết lập các chuẩn mực mà trẻ tìm kiếm ở người khác hay trong các mối quan hệ gắn bó với trẻ sau này như bạn bè, người yêu, bạn đời,…
6 cách giúp cha có thời gian chất lượng bên con
Dưới đây là những cách thức giúp cha có thể gia tăng sự hiện diện của mình trong cuộc sống và dành thời gian chất lượng bên con cái.
-
Hãy thiết lập lịch trình hợp lý cho công việc và gia đình: Người làm cha hãy xem xét và quản lý thời gian của mình một cách cẩn thận để tạo ra khoảng thời gian riêng biệt để hiện diện bên con trẻ. Đặt lịch trình cho các hoạt động chung và cam kết tuân thủ chúng.
-
Hãy thiết lập thói quen ăn tối cùng nhau hàng ngày: Bất kể cuộc sống có bận rộn thế nào, hãy cố gắng dành thời gian để ngồi lại và tận hưởng bữa ăn chung. Đây là cơ hội để chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc và những điều xảy ra trong ngày của mỗi thành viên trong gia đình.
-
Tận hưởng kỳ nghỉ và thời gian nghỉ ngơi cùng nhau: Sắp xếp thời gian cho kỳ nghỉ và thời gian nghỉ ngơi cùng nhau là một cách tuyệt vời để tăng cường sự hiện diện của cha và con cái. Hãy lên kế hoạch cho các chuyến đi du lịch, nghỉ mát hoặc thậm chí một ngày cuối tuần dành riêng cho gia đình. Đây là cơ hội để tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và cùng nhau khám phá thế giới xung quanh.
-
Hãy tham gia vào sở thích của con cái: Dành thời gian để tìm hiểu về sở thích và niềm đam mê của con cái, và tham gia vào đó. Có thể là thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, hoặc bất kỳ hoạt động nào mà con cái yêu thích. Bằng cách tham gia và hỗ trợ sở thích của con, cha sẽ không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn tạo ra cơ hội để gắn kết và xây dựng sự tự tin cho con cái.
-
Tận dụng công nghệ thông tin: Sử dụng công nghệ để giữ liên lạc với con cái khi bạn không ở bên nhau. Gửi tin nhắn, gọi điện thoại video hoặc chia sẻ ảnh để giữ kết nối và chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng.
-
Chia sẻ và ghi lại kỷ niệm: Hãy dành thời gian để chia sẻ và ghi lại những kỷ niệm quan trọng trong cuộc sống của con cái. Tạo album ảnh, viết nhật ký gia đình hoặc quay video để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ. Khi cùng nhau nhìn lại những kỷ niệm này, sẽ tạo ra sự gắn kết và tiếp thêm năng lượng tích cực trong gia đình.
Lời kết
Sự hiện diện của người cha không chỉ đảm bảo sự phát triển toàn diện về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm của con cái, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội và năng lực tài chính của con, góp phần quan trọng vào việc trẻ định hình bản thân trong tương lai. Do đó, dù có bận rộn đến mấy, người cha hãy ưu tiên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc và quan tâm con trẻ. Sự hiện diện của cha trong mọi khoảnh khắc quan trọng của đời con chính là món quá vô giá, mở ra cho con một cuộc đời quân bình và hạnh phúc.
>>> Xem thêm: