Làm gì khi giáo viên gọi điện phàn nàn về con?
Hãy nhớ lại cảm giác không mấy dễ chịu khi biết được thầy cô đang gọi điện cho bố mẹ lúc bạn còn đi học. Và giờ đây, bạn đã được đổi vai là phụ huynh thì cảm giác ấy vẫn không mấy dễ chịu hơn chút nào, khi thầy cô gọi điện phàn nàn trẻ không thuộc bài, cãi nhau với bạn hoặc thậm chí và cuộc ẩu đả nho nhỏ.
Cùng Prudential xem qua những gợi ý giúp bạn giữ bình tĩnh với giáo viên và thái độ ôn hoà với cả con trẻ để xử lý những cuộc gọi này nhé!
Bình tĩnh với giáo viên
Hãy bình tĩnh và đừng bảo thủ với những phàn nàn từ giáo viên
Bản năng làm bố mẹ sẽ khiến bạn có tâm lý khó chấp nhận việc ai đó đang khiển trách con mình. Từ đó, bạn sẽ có khuynh hướng ra sức phản bác để bảo vệ con, cũng chính là bảo vệ quan điểm của bạn. Tuy nhiên, việc mất bình tĩnh đáp trả sẽ khiến mối quan hệ với thầy cô xấu đi và còn tác động tiêu cực đến tính cách, hành vi của con nếu thực sự trẻ là người có lỗi.
Hãy nhớ rằng thầy cô kể cho bạn nghe việc con phạm lỗi ở trường không phải là để lên án cách dạy con của bạn mà để cung cấp thông tin. Vì vậy, hãy bình tĩnh lắng nghe và làm rõ vấn đề cùng thầy cô để có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Nếu bạn thấy khó kiềm chế cảm xúc nóng giận, hãy hít thở sâu, im lặng khoảng 5 giây suy nghĩ trước khi đáp lời thầy cô; hoặc đơn giản chỉ là báo với họ bạn đã ghi nhận thông tin và sẽ phản hồi sau khi nói chuyện với con.
Dành thời gian để phân tích vấn đề và tìm hiểu nguyên nhân thật sự
Hãy kiên nhẫn dành thời gian để lắng nghe và cùng phân tích với thầy cô những vấn đề của con trước khi nghĩ đến giải pháp. Việc hiểu rõ tình huống khiến con phạm lỗi không chỉ giúp bạn tìm hiểu đúng nguyên nhân mà còn giúp bạn có thời gian để kiểm soát cảm xúc, từ đó giải quyết vấn đề tốt hơn.
Hãy suy nghĩ tất cả các lý do về phía gia đình có thể ảnh hưởng cách hành xử của con, chẳng hạn như vì gia đình bạn vừa thay đổi nơi ở mới, hoặc do vợ chồng bạn gần đây thỉnh thoảng có hơi “lục đục”, hoặc thậm chí là bạn vừa thay đổi chế độ dinh dưỡng của trẻ... Dù lý do là gì, hãy cố gắng đối mặt với chúng. Nếu được, bạn có thể chia sẻ cùng nhà trường có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ.
Ngoài ra, đừng chỉ lắng nghe một chiều. Hãy hỏi rõ thầy cô về biểu hiện và hành vi của con tại trường để bạn có cơ sở quan sát con tại nhà. Đừng quên trao đổi thẳng thắn với con để chắc rằng không có hiểu lầm nào giữa các bên.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phương pháp giúp con vượt qua những khó khăn đầu đời mà cha mẹ cần phải biết
Cùng thầy cô tìm ra giải pháp và theo dõi tình trạng của con
Khi đã có đủ thông tin và phân tích tình hình kỹ càng, hãy trao đổi với giáo viên của con để hợp tác cùng giải quyết vấn đề. Đừng ngại đưa ra những gợi ý phù hợp để thầy cô cùng phối hợp quản lý con tại trường, đồng thời hãy cởi mở lắng nghe lời khuyên từ giáo viên về cách tiếp xúc với con ở nhà.
Nếu có thể, bạn hãy cố gắng sắp xếp thời gian cho những buổi trao đổi trực tiếp cùng giáo viên hoặc chuyên viên phụ trách tâm lý của trường để luôn nắm rõ tình hình của con. Việc kết nối cùng nhau giữa gia đình và nhà trường sẽ giúp cả hai phía chủ động hơn trong việc nuôi dạy trẻ và giúp tăng hiệu quả cho việc giải quyết những vấn đề của trẻ trong tương lai.
Ôn hòa với con trẻ
Lắng nghe và chia sẻ cùng con
Hãy kiên nhẫn dành thời gian lắng nghe câu chuyện từ con bạn. Nếu lỗi thực sự nằm ở trẻ, hãy hỏi rõ suy nghĩ và cách nhìn nhận của con về sự việc đã xảy ra. Tình huống này đòi hỏi sự nhẹ nhàng nhưng vẫn rất kiên quyết từ bạn. Qua cuộc nói chuyện này bạn sẽ nhận ra lý do nào thật sự khiến con bạn có hành vi chưa đúng để tìm cách xử lý.
>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để trở thành người đồng hành thân thiết với con?
Đôi khi, trẻ hành động theo bản năng mà không biết đó là việc làm sai. Trong trường hợp này, bạn cần kiên nhẫn giải thích cho trẻ biết tại sao hành động đó là không phù hợp. Sau đó, hãy để con biết rằng con sẽ được tha lỗi vì chưa ý thức được vấn đề này, và bạn sẽ không đồng ý nếu bé cố ý tái phạm trên trường lớp lần nữa.
Nhận lỗi và hình phạt
Nếu trẻ đã nhận ra hành động của mình là không đúng, hãy khuyến khích trẻ sửa sai bằng cách nói lời xin lỗi và phải chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình. Một số gợi ý để con chịu trách nhiệm trước sai phạm là không được đi chơi hoặc không được xem TV trong một tuần.
Mặt khác, đừng quên dành lời khen và cảm ơn vì con đã thành thật nhận lỗi. Điều này sẽ giúp trẻ có động lực sửa sai, đồng thời hình thành tính cách thật thà và can đảm chấp nhận sai phạm của mình sau này.
Nhìn chung, cuộc gọi từ giáo viên chủ nhiệm không hẳn là điều gì quá tồi tệ nếu bạn xử lý đúng cách. Mặt khác, những cuộc gọi còn là giúp bạn nhận ra và giúp con giải quyết những vấn đề trẻ đang phải đối mặt tại trường. Thế nên, mỗi khi có cuộc gọi từ thầy cô của con, hãy thực sự lắng nghe và phối hợp cùng nhà trường để giúp con phát triển một cách tốt nhất nhé!
>>> Xem thêm: