Nói dối và hành trình phát triển nhận thức của trẻ
Nội dung bài viết
Là các bậc phụ huynh, hẳn đã có những lần bạn vô cùng giận dữ khi biết con đang nói dối bố mẹ. Chúng ta luôn dạy con rằng nói dối là xấu và con không bao giờ được nói dối với người lớn. Vậy bạn có biết nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ lại nói dối với mình không? Và, quan trọng hơn, bạn đã biết cách để ứng xử để tránh để lại những tổn thương không đáng có và chấm dứt việc nói dối của con hay chưa? Hãy cùng Prudential đi tìm câu trả lời cho vấn đề này nhé!
Trẻ nói dối – nguyên nhân do đâu?
Có một sự thật phũ phàng mà người lớn nên chấp nhận: đó là đa phần nguyên nhân trẻ em nói dối đều xuất phát từ người lớn.
Nguyên nhân lớn nhất trong hành vi nói dối của trẻ chính là sợ bố mẹ thất vọng, hoặc tệ hơn là phạt mình. Do bố mẹ quá kì vọng vào thành tích của trẻ về điểm số, về vị trí trong lớp, ... nên khi không đạt được, trẻ có phản ứng nói dối để bào chữa cho kết quả của mình. Chính bố mẹ đã tạo cho con áp lực tâm lý dẫn đến hành vi nói dối không mong muốn.
Ngoài ra, con trẻ học việc nói dối từ chính người lớn đấy bạn biết không? Những lời nói dối vô hại của bố mẹ và người thân như: Chích nhẹ lắm, không đau con ơi!; Thuốc ngọt lắm!; Con làm tốt, bố mẹ sẽ thưởng (nhưng lại không thưởng)!; ... đã tạo nên tiềm thức về việc nói dối cho trẻ. Bạn nói dối và nói với chính con mình là điều rất không nên. Bé sẽ nghĩ rằng việc nói dối là bình thường, bố mẹ nói dối vẫn không sao, mình cũng thế! Trẻ em ở độ tuổi bắt chước nên mọi hành vi từ người lớn cần được chú ý. Đừng nghĩ sách vở, máy móc, công nghệ làm trẻ hư hỏng, chính hành vi thiếu kiểm soát của người lớn mới tạo tiền lệ xấu cho trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ em thường có tâm lý muốn được quan tâm nhiều hơn. Thế nên, trẻ chọn cách nói dối để thu hút sự chú ý của mọi người. Những câu nói mang tính chất mè nheo như “Hôm nay con đau bụng lắm!”; “Đầu con như búa đánh vào ấy mẹ ơi!”,… thường được các bé sử dụng để tránh phải làm điều bé không thích hoặc để được cả nhà quan tâm nhiều hơn.
Và có khi, việc nói dối đơn giản là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi. Nguyên nhân của việc này là do các nơ-ron thần kinh phát triển mạnh mẽ ở độ tuổi 3-6 tuổi, cộng với việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với nhiều câu chuyện hư cấu và viễn tưởng qua phim ảnh, sách báo,... dẫn đến việc tưởng tượng mình là nhân vật hay nghĩ ra những câu chuyện tưởng tượng của riêng mình. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển trong tư duy và suy nghĩ của trẻ. Điều này có cả mặt lợi và mặt hại của nó. Việc trẻ bịa chuyện mình là hoàng tử, nhà ở Sao Hỏa, bố mẹ là thần tiên… có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của bé sau này. Thế nhưng, phụ huynh cần quan tâm, định hướng trẻ để có thể tự nhận thức chuẩn xác hơn ranh giới của sự thật và các câu chuyện hư cấu. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc trẻ em thường xuyên nghĩ ra các câu chuyện tưởng tượng sẽ gây ra hoang tưởng, nhưng việc liên tục tưởng tượng kéo dài kèm với không phân biệt đâu là thật-ảo sẽ dễ dẫn đến thói quen nói dối có ý thức nơi trẻ về sau.
Khi trẻ nói dối, bạn sẽ làm gì?
Trước khi yêu cầu trẻ trung thực, bạn nên làm gương về điều đó! Tuyệt đối không nói dối khi ở trước mặt con trẻ dù là những lời nói vô thưởng vô phạt.
Quan trọng hơn, bạn nên có hình phạt cho việc nói dối của trẻ vì đó là một lỗi sai và cần có hình thức phù hợp để con ghi nhớ để không lặp lại. Vài hình phạt nhẹ nhàng như: yêu cầu trẻ khoanh tay đứng yên trong góc nhà 15 phút, yêu cầu trẻ chép phạt về lời hứa không được nói dối khoảng 1, 2 trang giấy. Cần xác định rõ hình phạt giúp trẻ nhớ và không tái phạt, không phải hù dọa để trẻ sợ. Bạn cũng đừng quên, hình phạt phải đi kèm với sự giải thích rõ ràng để trẻ thật sự hiểu rõ vấn đề.
Tiếp theo, hãy giả vờ “quên” việc nói dối của trẻ, bố mẹ hay nhắc đến các lỗi sai của trẻ ở những lúc không thích hợp. Với hành vi nói dối, hãy tạm “quên” đi và tuyệt đối không nhắc lại dù bất kì dịp nào. Đừng làm trẻ cảm thấy hành vi của mình là đáng xấu hổ. Trẻ sẽ có cảm giác mình bị chỉ trích. Bạn chỉ nên nhắc đến lỗi lầm của trẻ nếu như trẻ nói dối lần 2. Bạn nên khuyến khích hành vi trung thực của bé bằng cách kể bé nghe nhiều câu chuyện nhỏ về lòng trung thực. Ví dụ như: câu chuyện cậu bé chăn cừu, 3 lần nói dối và bị chó sói ăn thịt hết cừu hay nói dối sẽ không ai chơi với con. Đồng thời, hãy để bé cảm thấy mình được tôn trọng bằng việc thỏa thuận với con hình phạt lần sau nếu như con nói dối. Hãy tập cho bé thói quen chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Cuối cùng, đừng tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Cha mẹ có quá nhiều kì vọng lên con trẻ vô hình chung gây ra áp lực đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ muốn bố mẹ vui lòng sẽ có thói quen nói dối. Hãy thật sự thoải mái và để con làm những điều mình muốn. Hãy trò chuyện cùng con dưới vai trò định hướng hơn là ép buộc con phải theo những mong muốn của mình.
Bất kì đứa trẻ nào đều sẽ nói dối ít nhất một lần trong quá trình lớn lên của mình, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ kĩ năng để cùng con đối mặt với điều đó và giúp con vượt qua thói quen xấu này. Nếu con nói dối quá nhiều lần, việc gặp gỡ bác sĩ tâm lý để hiểu hơn về trẻ là chuyện rất nên làm.
>>> Xem thêm: