Sống xanh bền vững như người Nhật cùng triết lý Mottainai
Nội dung bài viết
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến chúng ta – những con người đi qua đại dịch – phải nhìn nhận lại các giá trị về cuộc sống. COVID-19 là dịp để nhắc nhở chúng ta tại sao cần phải theo đuổi một lối sống xanh, bền vững và khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo Báo cáo về Biến đổi Khí hậu và Sức khoẻ trước thềm Hội Nghị Thượng Đỉnh Biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26), có mối liên hệ không thể tách rời giữa môi trường, khí hậu và sức khoẻ. Để duy trì một lối sống khỏe mạnh và bền vững, đã đến lúc chúng ta cần tìm hiểu về xu hướng sống xanh được người Nhật ưa chuộng. Có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo, thuật ngữ ‘Mottainai’ thể hiện sự nuối tiếc trước một đồ vật bị lãng phí. Thuật ngữ này nhấn mạnh niềm tin của người Nhật rằng mỗi đồ vật đều mang một câu chuyện riêng, một giá trị riêng, chính vì thế chúng ta cần nâng niu, gìn giữ và không để phí hoài những món đồ vật trong cuộc sống thường nhật. Hãy cũng tìm hiểu vì sao lối sống Mottainai lại “gây thương nhớ” cho người Nhật nhé.
Nếu như mô hình “3R” (Reduce, Reuse, Recycle) – hay còn được biết đến với phiên bản Việt hóa “3T” (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế), đã và đang là phương châm phổ biến trong việc bảo vệ môi trường; thì Mottainai chính là chìa khóa mở ra một cánh cổng mới. Lối sống này chú trọng việc thêm vào chữ “R” thứ tư (Respect: Tôn trọng), tạo ra mô hình “4R”.
Để có thể mang đến cho thế hệ trẻ một chương trình giáo dục mang tính toàn diện hơn, trong đó bao gồm việc phát triển nhận thức về môi trường và thế giới chúng ta đang sống, người Nhật đã đưa “Mottainai” vào chương trình học của trẻ em tại Nhật Bản. Lối sống này cũng xuất hiện trong Tập truyện tranh nổi tiếng “Mottainai Grandma” (Tạm dịch: Bà phí quá).
Điểm giá trị của mô hình Mottainai chính là giáo dục về sự trân trọng đối với những món đồ mà chúng ta đang sở hữu, giúp chúng ta sử dụng đồ vật một cách sáng tạo và trách nhiệm với nguyên lý cốt lõi: Thúc đẩy tiêu dùng hợp lý và hạn chế rác thải.
Vậy, chúng ta nên làm thế nào để áp dụng Mottainai vào cuộc sống hằng ngày?
Tận dụng những phần nguyên liệu tưởng chừng bị lãng quên trong bữa ăn thường nhật
“Food scrap” chính là những phần thức ăn thường không được sử dụng để chế biến, chẳng hạn như vỏ trái cây, vỏ trứng, hạt/bã cà phê hoặc thức ăn thừa còn sót lại trong những bữa ăn hằng ngày của chúng ta. Phương pháp nấu ăn này giúp ta tận dụng thức ăn thừa và chế biến chúng thành những món ăn mới thuần chay dựa trên cơ chế ưu tiên thực vật và thuận địa phương với nguyên tắc mùa nào thức nấy, chẳng hạn như luộc chín vỏ thanh long để tạo ra món thạch rau câu thanh long độc đáo hoặc biến tấu vỏ khoai lang chiên trở thành món bánh Nacho giòn tan. Hơn hết, giảm lượng thức ăn thừa cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải carbon, giảm thiểu sự tác động đến biến đổi khí hậu.
>>> Tham khảo thêm: Những lợi ích tuyệt vời của việc ăn chay đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
Thời trang bền vững – Giải pháp tối giản hóa lối sống
Với sự tăng trưởng vượt bậc của các thương hiệu thời trang, xu hướng fast-fashion (thời trang nhanh) dễ dàng chinh phục người tiêu dùng bởi các ưu điểm như: mẫu mã mới lạ với tần suất ra mới liên tục, cập nhật xu hướng, giá thành thấp (do sản xuất hàng loạt). Dễ mua – chính vì vậy – người tiêu dùng cũng dễ chán, những trang phục chỉ mới được mặc vài lần nhanh chóng bị lãng quên chỉ vì qua xu hướng.
Với “Mottainai”, chúng ta cần nhận thức rõ hơn về tính bền vững trong thời trang, bắt đầu bằng cách chọn mua ở những thương hiệu tiên phong sản xuất quần áo với chất liệu thân thiện với môi trường. Đó có thể là chất liệu vải sợi tự nhiên có thể phân hủy hoặc các chất liệu thủ công, làm bằng tay.
Xu hướng “Thrifting” (tạm dịch: mua quần áo đã qua sử dụng) ở giới trẻ hiện nay giúp cân bằng ngân sách, biến hóa phong cách đa dạng mà lại tiết kiệm một khoản chi phí. Điều này không chỉ giúp lan tỏa thông điệp “cũ người mới ta” mà còn đóng góp phần nhiều trong quá trình giảm thiểu rác thải hằng năm, từ đó làm giảm tác động đến môi trường.
Mô hình tiêu dùng tuần hoàn – Giải pháp bền vững cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), những năm gần đây, các doanh nghiệp đã ứng dụng chu trình sản xuất khép kín, sử dụng chất thải làm nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường. Một ví dụ đơn cử cho mô hình này chính là việc Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã tận dụng kim loại thu được từ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng, từ smartphone, máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi game và máy tính… để sản xuất ra những tấm huy chương quý giá trao cho các vận động viên.
Phong cách sống tối giản – Tinh giản trong lối sống, nhẹ nhõm trong tâm hồn
Lối sống tối giản không phải chỉ đề cập đến việc vứt bỏ hết tất cả đồ đạc, mà tập trung vào việc tinh chỉnh ngôi nhà, nơi làm việc, không gian sống trở nên gọn gàng hơn. Chỉ sử dụng những món đồ vật thật sự cần thiết và cho đi những món đồ vật mà khi nhìn thấy chúng ta không còn cảm thấy lấp lánh niềm vui nữa. Lối sống này giúp cân đối chi tiêu, tìm lại sự cân bằng của bản thân, thanh lọc đời sống tinh thần. Khi tạo ra không gian sống thoáng đãng, chúng ta đã có thể giảm bớt thời gian dọn dẹp, mua sắm, từ đó tìm ra được nhiều “khoảng không” cho việc phát triển bản thân.
Mottainai không chỉ là triết lý sống, mà nó còn giúp xây dựng tư duy hướng đến lối sống bền vững từ những điều nhỏ nhất. Dù vậy, đây chỉ mới là tiền đề cho kế hoạch sống bền vững. Phần còn lại vẫn phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi người. Mong rằng, chúng ta có thể chọn lựa được một phương thức phù hợp từ triết lý Mottainai để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
>>> Bài viết cùng chủ đề: