Không phải tất cả “millennials” đều giống nhau
Nội dung bài viết
Millennials – từ chỉ những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000, chiếm khoảng 1.8 tỷ dân số thế giới, là lực lượng lao động chủ chốt của hiện tại và tương lai. Dù khoảng cách tuổi tác khá xa (18 – 35 tuổi) nhưng tất cả đều được gọi chung dưới cái tên “Millennials”. Điều này vô hình chung khiến chúng ta ngộ nhận rằng họ thường có cùng nhận thức, cùng sở thích mà bỏ quên mất những điều làm nên sự khác biệt của từng cá thể.
Theo thống kê, các nước châu Á có số lượng Millenials chiếm phần lớn dân số, đặc biệt là tại Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Brazil. Điểm chung của họ là thích sống ở những thành phố sầm uất, đam mê công nghệ, lớn lên vào thời kì bùng nổ các phương tiện kỹ thuật số như Forum, Blog, Facebook…, và đặc biệt là có sở thích mua sắm xuyên biên giới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các Millennials không có bản sắc riêng. Tùy thuộc vào môi trường và điều kiện sinh sống, họ sẽ có tư duy và hành vi khác nhau:
1. Xu hướng mua sắm
Ở những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, các bạn Millennials có thể tự tạo ra tài sản cho riêng mình bằng việc đi làm văn phòng, tự kinh doanh riêng. Chính vì có cuộc sống “dư dả” hơn thế hệ trước nên họ thường có xu hướng “đòi hỏi hơn” những gì mà thế hệ cha mẹ, ông bà chưa có được. Nhiều nghiên cứu cho thấy thế hệ Millennials châu Á thích chi tiền vào những món xa xỉ phẩm, chẳng hạn như iPhone đời mới hay những thương hiệu mỹ phẩm, quần áo đắt tiền.
Trong khi đó, Millennials tại Mỹ và các nước phát triển lại có khuynh hướng tiết kiệm hơn. Khi quyết định mua hàng, ưu tiên hàng đầu của họ là giá trị thực tế và mức độ thân thiên với môi trường của món hàng chứ không phải do thương hiệu đó nổi tiếng thế nào.
2. Dự định tương lai
Thế hệ Millennials tại các nước đang phát triển dường như có cái nhìn về tương lai lạc quan hơn so với các bạn trẻ tại các nước phát triển (châu Âu, châu Mỹ). Bạn biết tại sao không? Vì họ nhìn thấy được những tiềm năng tiếp tục phát triển của đất nước mình. Họ trông đợi vào những cơ hội mới, những sản phẩm công nghệ được cập nhật thường xuyên, hay thực tế hơn là nhiều cơ hội việc làm đang mở ra và chờ họ khám phá từ sự phát triển kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Nền kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa với việc những công dân của thế hệ Y sẽ có nhiều của cải hơn và hạnh phúc hơn thế hệ cha mẹ, ông bà họ.
Hy vọng những thông tin bổ ích từ bài viết này đã phần nào xóa bỏ những ngộ nhận của bạn về thế hệ Millennials. Nếu bạn là một nhà đầu tư và “thượng đế” của bạn là các Millennials thì việc đọc - hiểu tư duy của những công dân trẻ này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc xác định mô hình, chiến lược kinh doanh dài hạn.
Bài viết cùng chủ đề: Thế hệ gen Y, tự tin nhưng vẫn thận trọng
(Bài viết sưu tầm từ Eastspring Investments, công ty Quản lý quỹ quốc tế trụ sở tại Châu Á)