“Gap year” – Cơ hội để làm mới lại bản thân
Thịnh hành ở phương Tây đã lâu, “gap year” dần lan rộng ra thế giới, và ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ Việt Nam. Đây là cơ hội để những người trẻ trải nghiệm nhiều hơn và thỏa thích làm điều mình mong muốn.
Hình thức “gap year” rất phổ biến ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ hay châu Âu. Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, xu hướng này đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Hiểu nôm na, “gap year” là kỳ nghỉ ngắt quãng một năm sau tốt nghiệp phổ thông hay đại học, hoặc đơn giản là ý muốn “đổi gió” sau những tháng ngày cặm cụi bàn giấy của giới công sở; giúp họ có thời gian khai phá thêm về bản thân, học hỏi kỹ năng mềm và mở rộng kiến thức. Họ thường tận dụng khoảng thời gian này để làm mới bản thân hoặc theo đuổi những sở thích khác, chẳng hạn như đi “phượt” thật nhiều nơi, tham gia tình nguyện, hoặc học thêm một khóa học ngắn hạn nào đó.
Năm 2020 do dịch bệnh bùng phát, không ít người trẻ phải trì hoãn kế hoạch du lịch, du học...; tuy nhiên họ vẫn dành thời gian thích nghi, linh hoạt chuyển đổi, đặt mục tiêu mới và không quên nhắc đến “gap year” như cách để cho bản thân một khởi đầu mới. Nếu bạn đang cân nhắc việc thực hiện “gap year” vào năm 2021 thì đừng quên tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Những kế hoạch thường được chọn khi “gap year”
Có rất nhiều hoạt động thú vị mà chúng ta có thể thực hiện trong 365 ngày “xả hơi” này, tùy theo mục đích “gap year” của bạn. Kế hoạch có thể diễn ra trong ngắn hạn hay dài hạn: vài tuần, vài tháng, xuyên suốt năm. Dưới đây là một vài ý tưởng phổ biến:
Tình nguyện viên
Với mong muốn sở hữu những bản CV ấn tượng, đặc biệt là trong các ngành xã hội, hoặc để thu được kinh nghiệm quý báu từ đời sống, các bạn trẻ thường chọn hoạt động thiện nguyện cho “gap year”. Các bạn có thể tìm hiểu chương trình tình nguyện được tổ chức bởi các nhóm từ thiện hoặc các tổ chức phi chính phủ. Thời gian làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng giao tiếp cộng đồng, mở rộng mối quan hệ, và không chừng sẽ mang đến cho bạn một công việc toàn thời gian lâu dài sau khi kết thúc “gap year” nữa đấy.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cùng con làm từ thiện - Tại sao không?
Học tập
Nếu muốn kiếm thêm thu nhập bằng một nghề mới mình yêu thích, học thêm ngoại ngữ hoặc thăng tiến hơn nữa ở ngành nghề hiện tại, “gap year” học tập cũng là cách “đổi gió” rất hay. Bạn sẽ có thời gian học hỏi thêm những kỹ năng, chứng chỉ cần thiết như kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, các lớp ngôn ngữ, học kỹ năng thực tiễn...Cần lưu ý là bạn cần phải chuẩn bị thêm học phí cho kiểu “gap year” “đi học” này đấy.
>>> Đừng bỏ lỡ: 12 kỹ năng sống mà cha mẹ cần phải giáo dục con từ sớm
Làm thêm
Với các bạn học sinh, sinh viên, “gap year” là năm thử thách nhiều hơn với những việc làm cọ xát thực tế, tham gia các kỳ thực tập hoặc làm bán thời gian ở một lĩnh vực yêu thích - vừa kiếm thêm thu nhập, dần tự lập, mở rộng mối quan hệ, vừa học hỏi thêm các kỹ năng mềm cần thiết về sau.
Du lịch
Matthew Karsten, một nhà thám hiểm đã nói: “Đầu tư vào du lịch là một khoản đầu tư cho bản thân”. Thật vậy, du lịch giúp mở rộng thế giới quan, mang đến những góc nhìn mới, đa chiều, giao lưu và học hỏi thêm những điều hay từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, với một số bạn trẻ, “gap year” là khoảng thời gian quý giá để phát triển kỹ năng sống độc lập, khám phá nhiều nơi, kết bạn nhiều thêm và tăng tính dạn dĩ, phiêu lưu.
Làm việc tự do
Công sở đôi lúc mang đến cảm giác gò bó cho một người đã làm việc quá lâu. Vì vậy, đôi lúc người làm việc văn phòng muốn thoát khỏi chốn cũ, dành thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân và gia đình. “gap year” với họ có thể là làm việc tự do nhưng vẫn có thời gian bếp núc, shopping, gặp gỡ bạn bè, nuôi dưỡng các mối quan hệ...
Những kế hoạch trên có thể không được thực hiện riêng lẻ mà kết hợp cùng nhau tùy theo mục đích của mỗi người, hướng tới trải nghiệm trọn vẹn kỳ “gap year” của bạn.
>>> Bài viết có liên quan: Liệu chúng ta có phải là những tín đồ cuồng công việc?
Vậy, cần chuẩn bị những gì trước khi quyết định “gap year”?
Có nhiều ý kiến khác nhau về những điều cần thực hiện trước khi “gap year”. Trong đó, yếu tố được quan tâm hàng đầu là thời gian thích hợp để “gap year”; bởi khi chưa chín muồi, chưa chuẩn bị tài chính và kế hoạch chi tiết sẽ khiến niềm vui “gap year” của bạn trở thành nỗi lo lắng và bị áp lực bủa vây.
Để trả lời những băn khoăn về thời gian, cách hữu hiệu nhất chính là lên kế hoạch chi tiết. Sau đây là những bước gợi ý:
Bước 1: Lên kế hoạch nghiêm túc: Mục tiêu là gì? Thời hạn thực hiện và hoàn thành khi nào?
Tối thiểu 6 tháng trước khi hoãn việc nhập học đại học hoặc quyết định bỏ việc một thời gian, bạn cần liệt kê mình thực sự muốn làm gì trong kỳ “gap year” để thời gian không trôi qua vô ích.
Cụ thể:
- Bạn cần liệt kê bạn muốn làm gì và đi đâu?
- Viết ra ưu và nhược điểm của những điều này?
- Giá trị của những hạng mục đó? Chúng có giúp bạn gia tăng giá trị bản thân sau khi kết thúc “gap year” hay không?
- Đánh số thứ tự ưu tiên và chọn lọc những điều phù hợp nhất để thực hiện.
- Lên kế hoạch cho những phần việc cụ thể đã được chọn. Ví dụ “gap year” để du lịch: địa điểm nào (nếu đi nước ngoài phải xin thị thực ra sao, trước bao lâu, mua vé máy bay hay vé tàu xe thế nào), thời gian đi, chi phí, đi cùng với ai, chỗ ở, bảo hiểm, rủi ro có thể gặp phải...
>>> Tham khảo ngay cách xác định và lập kế hoạch mục tiêu cá nhân TẠI ĐÂY
Bước 2: Tiết kiệm tiền, tạo lập ngân sách dự phòng
Sau khi đã có ngân sách tổng, dự trù dựa trên bảng kế hoạch, bạn sẽ lên phương án tiết kiệm hoặc kiếm thêm thu nhập. Cụ thể:
- Đặt một chi phí tổng cần thiết và phải tiết kiệm được trong thời gian nhất định. Ví dụ, trong 3 tháng tới bạn phải tiết kiệm được 10 triệu.
- Nếu dự định của bạn cần nhiều chi phí, bạn thiếu hụt thì có thể lấp vào lại từ đâu trong quá trình bạn “gap year”: làm thêm, vay mượn ngân hàng, người thân?
Bước 3: Liệt kê những gì sẵn có, những gì cần bổ sung
Xem xét lại khả năng mình đang có để thực hiện, có cần phải bổ sung điều gì hay cần trợ giúp từ cá nhân, tổ chức nào không. Cụ thể:
- Có đủ sức khỏe không?
- Nếu tài chính chưa đủ thì phải làm gì?
- Có ai sẵn sàng giúp bạn trong 1 năm đó tại những địa điểm cụ thể bạn chọn hay không?
Bạn nên theo dõi trên các diễn đàn để biết thêm kinh nghiệm của những người đi trước. Hãy thận trọng về những gì bạn muốn làm và tìm lời khuyên nếu bạn muốn ý tưởng của mình thành công hơn.
Bước 4: Rủi ro có thể gặp và phương án thích nghi
Mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ và bằng phẳng. Vì vậy, bạn cần có 2-3 kế hoạch dự phòng để linh hoạt thay đổi khi cần thiết. Ví dụ nếu “gap year” để tham gia khóa học nhưng khóa học bị dời ngày, bạn có bị ảnh hưởng chi phí, nơi ở... hay không
Bước 5: Xem lại, suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện
Đọc lại kế hoạch của mình thật kỹ sau khi hoàn thành. Kế hoạch nên được thiết lập trên các thiết bị thông minh như smartphone, laptop và sao lưu cẩn thận; đừng chỉ ghi nhớ trong đầu hoặc chỉ là trên giấy vì có thể khiến bạn quên hoặc làm mất.
Bước 6: Lưu lại nhật ký “gap year” và vẫn giữ kết nối với thế giới
Thông thường một số bạn khi “gap year” sẽ có suy nghĩ tách mình với mọi người, đến khi cần sự giúp đỡ sẽ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, bạn nên liên tục kết nối với người thân, gia đình, bạn bè hoặc cập nhật tất cả thông tin cần thiết vào sổ tay ghi chép riêng và chớ ngần ngại nhờ sự trợ giúp khi cần.
Nếu bạn đã sẵn sàng cho một mục tiêu cụ thể thì đừng chần chừ nữa nhé. Còn nếu tài chính chưa vững vàng, cộng với những lo lắng về sức khỏe, ngăn cách địa lý trong mùa dịch bệnh, bạn cứ tiếp tục thực hiện tốt việc mình đang làm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho kế hoạch “gap year” của mình.
>>> Xem thêm: Cùng tìm lại những giá trị quan trọng sau một năm dài đầy biến động