Đôi khi, bạn sẽ hối tiếc nếu không tính đến chi phí cơ hội
Nội dung bài viết
Chi phí cơ hội là một khái niệm quan trọng trong kinh tế học, nhưng cũng rất đỗi phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Theo định nghĩa, chi phí cơ hội là vô hình, nên chúng ta dễ dàng bỏ qua nó mà không suy xét cẩn thận, dẫn đến bỏ lỡ hoặc lựa chọn sai trong nhiều việc quan trọng.
Chi phí cơ hội là gì?
Khi một phương án được chọn từ các phương án thay thế khác nhau, chi phí cơ hội chính là chi phí phát sinh do không lựa chọn phương án thay thế tốt nhất. Hoặc hiểu một cách đơn giản, chi phí cơ hội là lợi ích không nhận được do không chọn phương án tốt nhất tiếp theo.
Về công thức tính, chúng ta có thể tính theo cách đơn giản nhất bằng cách lấy lợi nhuận của phương án thay thế tốt nhất trừ cho lợi nhuận của phương án mình đã chọn. Chi tiết như sau:
Chi phí cơ hội = Lợi nhuận phương án thay thế tốt nhất (F0) – Lợi nhuận phương án đã được chọn (CO).
Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể ứng dụng thực tế như sau: chúng ta có một số tiền nhất định, thay vì gửi tiết kiệm thì ta đang phân vân giữa việc mua chứng khoán hay mua đất. Giả sử việc đầu tư chứng khoán sẽ tạo ra lợi nhuận 20%/năm, còn mua đất là 15%/năm. Nếu chọn mua đất, bỏ qua phương án đầu tư chứng khoán, thì chi phí cơ hội của ta sẽ là:
Chi phí cơ hội = 20% - 15% = 5%
Tức là ta đã mất đi 5% lợi nhuận bằng việc chọn mua đất chứ không chọn đầu tư chứng khoán.
Ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống
Việc mất 5% kia có khiến chúng ta ân hận hay tiếc nuối? Câu trả lời còn phụ thuộc vào mức kỳ vọng lợi nhuận hay tỉ lệ rủi ro chấp nhận được của mỗi cá nhân. Phương án đầu tư chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng đi kèm với rủi ro cũng cao hơn. Phương án mua đất tuy tạo ra mức lợi nhuận thấp hơn, nhưng tỉ lệ rủi ro cũng giảm nhẹ. Vì thế, việc xem xét, tính toán chi phí cơ hội cũng là cách để chúng ta xem kỳ vọng vào lợi nhuận của chúng ta như thế nào hay chúng ta có khả năng chịu rủi ro đến đâu.
Ưu điểm của việc tính toán chi phí cơ hội chính là giúp chúng ta nhận thức rõ về những lợi ích bị mất đi khi quyết định bỏ qua một phương án hay lựa chọn nào đó. Nhờ vậy, chúng ta sẽ cẩn thận hơn, cân nhắc hơn. Các quyết định được đưa ra sáng suốt, hợp lý hơn, tối đa hoá nguồn lực của mình. Đồng thời, khi cân nhắc về chi phí cơ hội, chúng ta cũng đang đưa các phương án lên bàn cân so sánh. Từ đó, chúng ta có cái nhìn tổng quan về giá trị hay lợi ích của từng phương án. Lúc này, việc lựa chọn phương án nào sẽ dễ dàng hơn dựa vào nhu cầu của bản thân chúng ta.
Tuy nhiên, để có con số chi phí cơ hội, chúng ta lại mất thời gian để tính toán. Điều này làm chậm khả năng ra quyết định của chúng ta trong những tình huống gấp. Đôi khi sẽ khiến chúng ta vuột mất nhiều cơ hội hấp dẫn trong cuộc sống. Hạn chế thứ hai là chúng ta thường khó định lượng được chính xác giá trị hay lợi nhuận của từng phương án, đòi hỏi chúng ta phải biết cách ước lượng. Nếu chúng ta ước lượng quá sai lệch cũng dẫn đến kết quả tính toán bị sai, và nhiều khả năng cũng dẫn đến việc ra quyết định sai lầm.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng thường đối mặt với nhiều tình huống khiến bản thân phải cân nhắc trước các cơ hội. Chẳng hạn, một ví dụ đơn giản như ta quyết định ở nhà đọc sách thay vì tham gia cắm trại cùng nhóm bạn vào dịp cuối tuần. Điều ta có được lúc này là nạp thêm kiến thức hữu ích cho bản thân, và tiết kiệm một khoản chi phí nếu không đi chơi cùng bạn bè. Đổi lại, ta sẽ không có cơ hội trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên cũng như kết nối với bạn bè. Trong trường hợp này, chi phí cơ hội sẽ do chính ta cân nhắc dựa trên điều bản thân thực sự mong muốn.
Nhìn chung, việc hiểu và nắm bắt được cách tính toán chi phí cơ hội sẽ tạo cho bản thân chúng ta thói quen suy nghĩ thật kỹ trước những thời điểm quyết định quan trọng. Chúng ta hãy luôn xem xét chi phí cơ hội và đánh giá rủi ro của các quyết định, nhưng một khi đã đưa ra sự lựa chọn, hãy luôn tin vào quyết định của bản thân.
>>> Tham khảo thêm: