4 bí quyết để luôn được yêu mến
Đã bao giờ bạn thắc mắc: sao lại có những người luôn nhận được thiện cảm và sự yêu mến? Việc đó hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên, mà đều chứa đựng bí quyết cả đấy!
Ai cũng muốn được những người xung quanh yêu mến và dành sự tin tưởng. Nhưng để đạt được điều đó cần rất nhiều cố gắng, chứ không phải chỉ dựa vào sức hút tự nhiên của bản thân. Trong bài viết hôm nay, Prudential sẽ chia sẻ cùng bạn 4 bí quyết hiệu quả để trở thành người luôn dành được thiện cảm trong mắt người khác.
Bí quyết 1: Tự tin nhưng không tỏ ra “ta đây giỏi nhất”
Những người tự tin thường rất giỏi giao tiếp, nhờ đó mà việc mở rộng các mối quan hệ cũng trở nên rất dễ dàng. Khi đã có sự tự tin trong bản thân, bạn sẽ biết cách truyền đạt những hiểu biết của mình đến người đối diện một cách thu hút và hấp dẫn.
Vậy phải làm sao để có thể học được bí quyết tự tin trong mọi tình huống? Đầu tiên, bạn hãy thường xuyên luyện tập kỹ năng hùng biện. Tự luyện nói trước gương hay tham gia các trường lớp, câu lạc bộ hùng biện là cách hiệu quả để bạn xua tan đi nỗi sợ đám đông và dám thể hiện mình. Ngoài ra, hãy cố gắng chủ động trong mọi việc và thể hiện quan điểm rõ ràng. Ban đầu có thể sẽ hơi khó khăn, nhưng sự tự tin sẽ dần hình thành trong bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là ranh giới giữa tự tin và kiêu ngạo rất mong manh. Đi kèm với sự tự tin phải là thái độ cầu thị, biết lắng nghe người khác, luôn tạo cho họ cơ hội lên tiếng, thể hiện bản thân. Đừng cố chứng tỏ mình giỏi hay chiếm phần ưu thế ở mọi lúc mọi nơi, bởi điều đó sẽ dẫn bạn đến sự đơn độc về sau. Tự tin có thể khiến mọi người yêu mến và muốn ở lại bên bạn, nhưng sự kiêu ngạo sẽ khiến họ thấy bạn là loại người cần phải tránh né.
Bí quyết 2: Kiên nhẫn, biết cảm thông và trân trọng mọi mối quan hệ
“Kiên nhẫn, biết cảm thông” nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng sở hữu được hai phẩm chất này. Bởi lẽ sự bao dung cần được xây dựng bằng lòng yêu thương đích thực của bạn, cùng thái độ biết trân trọng mọi mối quan hệ xung quanh mình.
Để rèn luyện cho mình những phẩm chất quý giá nói trên, hãy tập thói quen đặt bản thân vào vị trí người khác và thấu hiểu cho các tâm tư, nỗi niềm của họ. Việc chỉ trích những sơ suất nhỏ như trễ giờ, quên đồ đạc... theo kiểu “chuyện bé xé ra to” chỉ tạo thêm mâu thuẫn, làm người khác khó chịu với bạn hơn thôi.
Trong mọi tình huống, thái độ cảm thông là rất cần thiết. Chỉ cần bạn thêm một vài câu hỏi như: “Sao hôm nay em đi làm trễ thế? Có chuyện gì không?” thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn, và người khác cũng ý thức được lỗi sai của mình. Thái độ lạc quan và “biết người biết ta” ấy sẽ kéo bạn gần lại với mọi người hơn. Từ đó, mọi người sẽ thêm phần yêu mến bạn và dễ dàng thông cảm khi bạn là người mắc lỗi, vì họ biết bạn cũng sẽ đối xử theo cách tương tự với họ nếu có chuyện xảy ra. Hãy trân trọng mọi mối quan hệ từ những điều tiểu tiết như thế, và bạn sẽ giữ được những tình thân đích thực bên mình.
>>> Bài viết có liên quan: 12 bí quyết giúp bạn cải thiện mối quan hệ vô cùng hiệu quả
Bí quyết 3: Biết cách khen ngợi và động viên
Hãy thử tưởng tượng tình huống này: bạn nhận được báo cáo cuối năm của nhân viên, tổng thể thì ổn nhưng bên trong vẫn còn thiếu vài chi tiết quan trọng. Lúc đó, bạn sẽ làm gì? Chỉ ra những thiếu sót và quát mắng để người ấy chú ý hơn vào những lần sau, hay sẽ khen ngợi những điểm đã phân tích khá tốt và gợi ý cho nhân viên đó bổ sung thêm vài mục để báo cáo chặt chẽ và thuyết phục hơn?
Thông thường, khi đưa ra những lời phê bình là lúc bạn mong muốn người khác phải nỗ lực nhiều hơn nhằm mang đến kết quả tốt hơn cho họ. Tuy nhiên, bao nhiêu người sẽ hiểu được thành ý của bạn chỉ qua những phản hồi chỉ chú trọng vào thiếu sót mà không ghi nhận những gì họ đã làm được? Vì vậy, bạn hãy ghi nhận, khen ngợi những gì người khác làm được và động viên để họ có động lực tiếp tục cố gắng mang đến thành quả tốt hơn. Sau đó, hãy giúp họ nhìn thấy những điểm họ có thể làm tốt hơn nữa để cải thiện kết quả đạt được. Việc khích lệ đúng lúc còn giúp lan tỏa năng lượng tích cực đến tất cả mọi người.
>>> Có thể bạn quan tâm: Tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc mà bạn không ngờ tới
Tuy nhiên, cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Hãy để lời khen được xuất hiện đúng lúc và tự nhiên. Bạn không nên ban phát quá nhiều lời khen để chúng trở thành những lời hoa mỹ sáo rỗng. Hãy nói lời khen đúng lúc và vừa đủ bằng tất cả sự chân thành, hành động đó sẽ “ghi điểm” rất lớn trong mắt những người xung quanh bạn.
Bí quyết 4: Không xen vào chuyện người khác
Ai trong chúng ta cũng có những tâm sự thầm kín, chỉ giữ cho riêng mình. Người lịch thiệp phải biết đâu là ranh giới để không xâm phạm đến thế giới riêng tư của người khác. Hãy biết giữ khoảng cách an toàn trong các cuộc hội thoại để tránh làm người khác khó chịu vì sự tò mò quá đáng hay câu hỏi quá tế nhị nào đó.
Không chỉ vậy, bạn cũng nên lưu ý đừng tự tiện đánh giá, bình phẩm về vấn đề người khác gặp phải khi họ không hề hỏi ý kiến của mình. Dù bạn có hiểu biết và lo lắng cho đối phương đến đâu, cũng đừng bao giờ cố gắng tra hỏi thông tin khi người đó đã tỏ thái độ không muốn chia sẻ và đề cập đến.
Có nhiều người quan niệm: Chúng ta chỉ cần sống cho bản thân mình là đủ, không cần chiều lòng ai đó khác. Nhưng bạn biết không, khi mọi người cảm thấy hài lòng và yêu mến bạn, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng và hạnh phúc hơn rất nhiều đấy! Cuộc sống của mỗi người là một hệ sinh thái mở với nhiều mối tương quan khác nhau giữa người với người. Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, bạn hãy đi cùng người khác. Chúc bạn sớm giành đươc thiện cảm từ những người xung quanh!
>>> Xem thêm: