6 quy tắc vàng xử lý gọn gàng mọi mâu thuẫn
Mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, xử lý mâu thuẫn không tốt có thể mang lại rất nhiều phiền toái cho bạn và khiến các mối quan hệ xung quanh đảo lộn. Không chỉ vậy, mâu thuẫn kéo dài còn khiến bạn dễ căng thẳng và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy nên, bạn cần phải nắm rõ sáu nguyên tắc vàng sau đây để giải quyết gọn gàng mọi mâu thuẫn.
Luôn giữ thái độ tôn trọng đối phương
Một cuộc mâu thuẫn có khi leo thang liên tục dẫn đến giai đoạn cao trào nhưng cũng có lúc âm thầm gặm nhấm các mối quan hệ của bạn. Dù cuộc tranh cãi có đang ở mức độ nào đi chăng nữa, bạn cũng phải duy trì thái độ tôn trọng với người đối diện. Để làm được điều này, bạn cần đặt ra cho mình những “điểm giới hạn” và hãy luôn tuân thủ những quy tắc này khi có mâu thuẫn xảy ra. Một vài “ranh giới” mà bạn có thể đặt ra ngay từ đầu và thống nhất với đối phương như: không dùng ngôn từ xúc phạm, không nói tục hoặc không tác động vật lý trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Việc tôn trọng các quy tắc này sẽ hỗ trợ bạn kiểm soát cảm xúc và lời nói tốt hơn. Điều này cũng giúp cho mọi việc không bị đẩy đi quá xa và tránh biến mâu thuẫn trở thành một cuộc “hỗn chiến” vô phương cứu chữa. Hơn thế nữa, đây còn là quy tắc để thể hiện thái độ tôn trọng với người khác dù cho đôi bên có đang bất đồng quan điểm.
Đừng bắt lỗi hay tìm cách chì chiết người đối diện
Những câu nói vô tình trong lúc xảy ra mâu thuẫn như “Anh chẳng làm được việc gì cả”, “Sao anh chẳng bao giờ quan tâm đến cảm xúc của em vậy?”,... thường có sức “sát thương” rất lớn với người đối diện. Có thể bạn chỉ mong muốn họ thay đổi nhưng cách nói này chỉ khiến mâu thuẫn ngày càng sâu đậm hơn mà thôi.
Để giải quyết tình trạng này, bạn cần học cách thay đổi ngôn từ và cách diễn đạt của mình. Đừng chỉ tập trung vào hành động của đối phương, hãy chia sẻ với họ cảm xúc của mình kèm theo đó là hướng giải quyết mà bạn mong muốn. Thay vì nói những câu như chỉ tập trung vào hành động như "Anh lúc nào cũng đi làm về trễ" hay "Anh không bao giờ giúp em làm việc nhà"..., bạn có thể thay bằng những câu tập trung vào cảm xúc cá nhân như "Em cảm thấy buồn vì anh không thường xuyên dành thời gian với em" hoặc "Em sẽ rất vui nếu anh có thể giúp em làm việc nhà".
Luyện tập kỹ năng “lắng nghe chủ động”
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã dùng cụm từ “lắng nghe chủ động” để chỉ việc bạn tập trung 100% tâm sức lắng nghe ý kiến của đối phương. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi để làm rõ ý mà họ muốn truyền đạt. Nhờ vậy mà bạn có thể tập trung, thấu hiểu cả nội dung và cảm xúc trong từng câu nói của người đối diện, thay vì cứ tập trung vào từng suy nghĩ bảo vệ quan điểm trong đầu mình. Hai yếu tố này rất quan trọng để giúp bạn xử lý mọi mâu thuẫn giữa mình với những người xung quanh.
Để rèn luyện khả năng lắng nghe chủ động này, đừng cố gắng phản biện ngay khi nghe quan điểm của đối phương. Hãy giữ cho bản thân bình tĩnh hơn, suy nghĩ chậm lại và thực sự thấu cảm với những lời mà họ vừa chia sẻ. Luyện tập thiền chánh niệm (mindfulness meditation) là một cách hữu dụng mà bạn có thể lựa chọn để giúp não bộ tập trung vào những gì đang diễn ra ở thực tại và các nhiệm vụ cần phải quan tâm ở hiện tại.
>>> Tham khảo thêm: Học cách điều khiển tâm trí và giữ bình tĩnh cùng con
Không “chuyện nọ xọ chuyện kia”
Khi giải quyết mâu thuẫn, một nguyên tắc mà bạn cần ghi nhớ là chỉ tập trung giải quyết vấn đề đang xảy ra tại thời điểm đó. Bởi việc gợi nhắc lại các vấn đề đã xảy ra trong quá khứ chỉ khiến cho mâu thuẫn chồng chéo lên nhau và khiến mọi việc trở nên rối rắm hơn mà thôi. Chưa kể, việc “lục lọi” lại quá khứ cũng có thể vô tình chạm vào những “vết thương chưa lành” của cả bạn và người đối diện. Điều này sẽ khiến cho cả hai dễ bị mất kiểm soát về mặt cảm xúc và lại tiếp tục làm tổn thương nhau trong khi đang tranh cãi.
Vậy nên, bạn cần thống nhất ngay từ đầu với đối phương rằng đôi bên sẽ chỉ tìm hướng giải quyết cho mâu thuẫn hiện tại. Trong lúc đó, nếu một trong hai có vô tình nhắc đến mâu thuẫn cũ thì người còn lại cần phải nhắc nhở.
Sẵn sàng hạ “cái tôi” và xin lỗi
Quá để tâm vào việc hơn thua có thể khiến bạn bỏ qua mất “thời điểm vàng” để nói lời xin lỗi. Chính vì vậy, ngay khi mâu thuẫn chuẩn bị đi đến hồi kết thì bạn và đối phương hãy cho nhau một khoảng thời gian để làm hòa. Nếu bạn nhận thấy mình là người sai thì hãy chủ động xin lỗi đối phương một cách thật chân thành. Điều này sẽ giúp loại bỏ những cảm xúc độc hại khỏi các mối quan hệ của bạn.
Điều cần lưu ý là bạn hoặc đối phương phải nhận lỗi một cách thẳng thắn và đưa ra giải pháp rõ ràng để không tái diễn lại vấn đề này. Bên cạnh đó, bạn đừng nên tìm cách để cố gắng biện hộ sau khi đã nhận phần sai với mẫu câu như “Mình xin lỗi nhưng…”.
Đừng kết thúc mâu thuẫn bằng “chiến tranh lạnh”
Sự im lặng là thứ sẽ âm thầm tàn phá mối quan hệ của bạn sau mỗi lần mâu thuẫn. Cho dù hai bên đang giận nhau hay chưa có thời gian để giải quyết vấn đề, thì một trong hai phải luôn tỉnh táo để không làm câu chuyện chìm vào dĩ vãng. Bởi nếu không giải quyết triệt để, mâu thuẫn này sẽ không hề mất đi mà vẫn tiếp tục tồn tại, âm ỉ bên trong.
Chính vì vậy, khi bạn và đối phương đã bắt đầu nguôi giận, hãy tìm ngay một cơ hội để cả hai có thể chia sẻ suy nghĩ với nhau một cách thật bình tĩnh. Từ đó, đôi bên sẽ cùng tìm ra hướng giải quyết dứt điểm cho mọi khúc mắc.
Tổng kết
Chìa khóa để giải quyết mọi mâu thuẫn là mỗi người cần phải tự kiểm soát suy nghĩ và lời nói của bản thân thật tốt. Mâu thuẫn càng căng thẳng bao nhiêu, chúng ta càng cần phải vị tha hơn bấy nhiêu để thấu hiểu và không làm tổn thương đối phương. Trong trường hợp mâu thuẫn đạt tới đỉnh điểm, bạn cần tìm cách xử lý mọi việc thật khéo léo, gọn gàng để tránh đánh mất những mối quan hệ quý giá và khiến bạn hối hận mãi về sau.
>>> Bài viết cùng chủ đề: