Tư thế ngủ hé lộ gì về sức khoẻ của bạn?
Nội dung bài viết
Chu kỳ ngày và đêm của chúng ta được “bật – tắt” bằng một giấc ngủ dài, theo cơ chế đồng bộ với nhịp sinh học từ khi ta còn là một đứa trẻ. Chúng ta thường quan tâm thời gian ngủ và cách thiết lập thói quen để dễ đi vào giấc ngủ mà quên rằng còn một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, đó là tư thế ngủ. Theo các chuyên gia, tư thế ngủ không chỉ liên quan đến chất lượng giấc ngủ mà còn có những tác động nhất định lên sức khoẻ.
Tư thế ngủ thường diễn ra tự nhiên đến nỗi chúng ta thường không hề có ý thức về nó, được hình thành theo thói quen từ thời thơ bé. Nếu bạn vẫn ngủ ngon và thức dậy khoẻ khoắn, tràn đầy năng lượng, thì xin chúc mừng bạn! Còn nếu bạn hay trằn trọc, xoay trở, tỉnh giấc giữa đêm hoặc cảm thấy cơ thể đau nhức, tinh thần uể oải vào sáng hôm sau… thì bạn nhiều khả năng tư thế ngủ mà bạn cảm thấy thoải mái lại không hẳn phải là tư thế ngủ mà cơ thể bạn “yêu thích”. Các phản ứng trên là cách cơ thể nhắn gửi thông điệp đến bạn về hiện trạng sức khoẻ. Theo đó, bạn có thể cân nhắc thay đổi tư thế ngủ tốt cho sức khoẻ hơn. Hiệp hội Giấc ngủ Better Spleeping Council (SBC) đưa ra 3 kiểu ngủ cơ bản với 6 tư thế điển hình, cùng những ưu nhược điểm được gợi ý theo nhu cầu thể chất của mỗi người.
Kiểu nằm ngửa
Theo các chuyên gia, đây là tư thế ngủ rất tốt cho sức khoẻ. Ngủ trong tư thế nằm ngửa giúp ngăn ngừa nguy cơ tăng nhãn áp, đồng thời làm cải thiện đau nhức cơ xương và chứng trào ngược dạ dày, do áp lực cột sống được giảm tải và trọng lượng cơ thể được phân bổ đồng đều. Hơn nữa, tư thế ngủ không áp mặt vào gối giúp hạn chế việc hình thành nếp nhăn và mẩn ngứa đối với làn da nhạy cảm.
Một chiếc gối kê dưới đầu gối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Nếu bạn có chứng ngủ ngáy hoặc trào ngược dạ dày, hãy kê cao đầu hoặc luồn một chiếc gối nhỏ quanh cổ. Hai tư thế ngủ phổ biến của kiểu ngủ ngửa là tư thế “chiến binh” và tư thế “sao biển”.
Tư thế “Chiến binh”
Đây là tư thế nằm ngửa với hai tay duỗi thẳng. Tư thế ngủ này tốt cho cột sống vì giữ lưng thẳng, giảm áp lực lên đĩa đệm, do đó ngăn ngừa chứng đau cổ và lưng.
Tư thế “Sao biển”
Nếu bạn nằm ngửa khi ngủ với hai tay kéo cao lên và chân hơi dạng ra, bạn thuộc kiểu “sao biển”. Kiểu ngủ này tốt cho cột sống và vùng cổ, tuy nhiên tay đặt cao hơn đầu dễ dẫn đến tình trạng tê bì. Khả năng mộng du khi ngủ cũng có thể xảy ra ở tư thế này.
Kiểu nằm nghiêng
Ngủ nghiêng được các chuyên gia khuyến khích vì tư thế này hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hoá, giảm ngáy khi ngủ, ngăn ngừa chứng ợ nóng và tốt cho sức khỏe não bộ. Để có chức năng nhận thức khỏe mạnh, não của bạn cần được “thanh lọc” thường xuyên. Khi chúng ta ngủ, cũng là lúc não bộ trải qua quá trình giải độc, những chất béo dư thừa được đào thải ra ngoài để tăng cường trí nhớ, sự tỉnh táo và sức khoẻ dài lâu. Và kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình này hiệu quả nhất khi ngủ nằm nghiêng.
Ngủ nghiêng giúp giảm đau lưng, nhưng vì gây áp lực lên vai có thể dẫn đến căng cơ và đau đầu. Bạn nên lựa chọn một tấm nệm tốt và sử dụng gối ôm để nâng đỡ, duy trì đường cong sinh lý của cột sống. Ba tư thế điển hình của kiểu ngủ nằm nghiêng là tư thế “khúc gỗ”, tư thế “thai nhi” và tư thế “hy vọng”.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những lợi ích của việc nằm nghiêng bên trái khi ngủ
Tư thế “Khúc gỗ”
Là tư thế nằm nghiêng một bên, chân duỗi thẳng và hai tay để lên người. Tư thế này được cho là giúp ngăn ngừa chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, vì chân không có điểm tựa sẽ dễ gây đau hông và vùng lưng, chiếc gối ôm sẽ hữu ích trong trường hợp này, tạo điểm tưạ cho cơ thể bạn.
Tư thế “Thai nhi”
Tư thế nằm nghiêng, cuộn người, đầu gối co lên phía ngực và cằm cúi xuống khá phổ biến, khi có đến 47% người tham gia khảo sát của Hiệp hội Better Sleeping Council chọn kiểu ngủ này. Đặc biệt, tư thế này rất phù hợp với phụ nữ mang thai.
Để thực sự tận hưởng giấc ngủ thoải mái như một đứa trẻ, hãy thả lỏng cằm và giữ tay chân trong tư thế thả lỏng nhất. Tránh cuộn người hoặc gập cổ tay sẽ khiến tay bị tê, tốt nhất bạn nên đặt một tay dưới gối khi ngủ.
Tư thế “Khát vọng”
Là kiểu nằm nghiêng một bên với hai tay đưa về phía trước như thể đang rướn đến, níu lấy gì đó. Tư thế này có thể ngăn chặn áp lực lên cổ tay của bạn, do đó có thể giảm chứng tê tay sau khi thức dậy. Đây là lựa chọn thay thế mà người có thói quen ngủ ở tư thế “thai nhi” có thể cân nhắc, trong trường hợp bạn cuộn người quá chặt, dẫn đến bị căng cơ, ê ẩm vào sáng hôm sau.
Kiểu nằm sấp
Tư thế này không được các chuyên gia khuyến khích vì nó tạo ra nhiều áp lực cho cột sống, dễ gây đau lưng và cổ. Tuy nhiên, nếu bạn đã thử hết mà không cảm thấy thoải mái và không thể ngủ ngon ở bất kỳ tư thế nào khác thì nằm sấp có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất với bạn. Nếu ngủ theo tư thế này, bạn nhớ thường xuyên thay đổi hướng nghiêng đầu, không nên nằm hoài theo một hướng nhé.
Chọn một chiếc gối mỏng nhẹ (hoặc bỏ gối hoàn toàn) sẽ giúp ngăn ngừa đau cổ. Kê thêm một chiếc gối dưới khung xương chậu cũng có thể giảm thiểu đau lưng. Ngoài ra, hãy cân nhắc chất lượng nệm của bạn. Nệm có độ đàn hồi tốt giúp giữ cột sống ổn định, ngăn ngừa căng cơ và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Tư thế “rơi tự do” là điển hình của kiểu ngủ sấp.
Tư thế “Rơi tự do”
Là tư thế nằm sấp với một tay dưới gối, cánh tay ôm gối, đầu nghiêng một bên. “Rơi tự do” có thể là lựa chọn không tồi cho những ai bị đau hông và thắt lưng. Để tránh tê cứng tay, hãy thử mở rộng cánh tay của bạn sang hai bên. Và thay vì gập đầu gối, hãy giữ cho cả hai chân thẳng và hơi dạng ra.
Tư thế ngủ tốt nhất chính là tư thế mang lại cho bạn sự thoải mái nhất. Bất cứ tư thế nào bạn chọn, hãy chắc rằng đó “công tắc” tuyệt vời nhất để có một giấc ngủ thật ngon, đón chào ngày mới khoẻ khoắn, tràn đầy năng lượng và hứng khởi, bạn nhé.
>>> Xem thêm: