rụng tóc, nguyên nhân rụng tóc, trị rụng tóc
Blog Nhịp Sống Khỏe

Khắc phục nỗi ám ảnh mang tên “tóc rụng thành từng mảng”

Đối với người trưởng thành, rụng tóc là hiện tượng bình thường của cơ thể khi tóc đến giai đoạn thoái triển và rụng để bắt đầu một chu kỳ mới. Tuy nhiên, tóc rụng quá nhiều sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho bạn, gây nên sự căng thẳng, tự ti không nhỏ. Cùng Prudential tìm hiểu về bệnh lý rụng tóc và cách cải thiện tình trạng này.

Rụng tóc như thế nào gọi là nhiều?

Bình thường, tóc bạn sẽ trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn anagen - hay còn gọi là giai đoạn tăng trưởng, thường kéo dài khoảng vài năm; giai đoạn catagen (biến đổi); và giai đoạn telogen (nghỉ ngơi), thường kéo dài 2-3 tháng.

Ở giai đoạn telogen, tóc bắt đầu thoái triển và rụng để bắt đầu một chu kỳ mới. Vì có giai đoạn telogen, tóc bạn có thể rụng hàng ngày, và đây cũng là hiện tượng bình thường của cơ thể. Theo các chuyên gia, mỗi ngày cơ thể bạn có thể rụng 100-150 sợi, và tóc mới sẽ mọc trở lại theo đúng quy luật nên bạn không cần phải quá lo lắng khi nhìn thấy tóc rụng.

Tuy nhiên, nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn mức 100-150 sợi mỗi ngày và không có dấu hiệu mọc trở lại (như da đầu xuất hiện những mảng hói, không thấy tóc con mọc lại, hoặc tóc trở nên mỏng và ít đi) thì có thể bạn đang gặp bệnh lý về tóc và cần được điều trị.

Nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc

Để cải thiện bệnh lý rụng tóc, bạn cần lắng nghe cơ thể để tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng tóc rụng quá nhiều. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

Di truyền

Nghiên cứu chỉ ra rằng 80% khuynh hướng rụng tóc có nguyên nhân từ di truyền. Thông thường, nam giới bắt đầu nhận thấy chứng rụng tóc do di truyền từ độ tuổi 20-30, còn nữ giới sẽ không bị triệu chứng này cho đến giai đoạn mãn kinh. Song song sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể điều trị rụng tóc gây hói đầu do di truyền bằng cách cấy tế bào mầm tóc. Trong trường hợp muốn cải thiện rụng tóc do di truyền, bạn nên đến cơ sở y tế để được các bác sỹ có chuyên môn tư vấn cách điều trị tốt nhất.

Áp lực, căng thẳng

Yếu tố tâm lý là một trong những nguyên nhân thường gặp gây rụng tóc. Hiện tượng rụng tóc do căng thẳng được gọi là telogen effluvium. Cường độ áp lực lớn làm thay đổi tỷ lệ phần trăm của tóc trong giai đoạn sinh trưởng và chuyển chúng đến thẳng giai đoạn ngừng phát triển. Khi đó, tóc bắt đầu rụng nhiều và ít mọc tóc con, thậm chí một số khu vực như đỉnh đầu có thể bị trọc. Tin tốt là telogen effluvium không phải lúc nào cũng gây hói đầu vĩnh viễn. Tuy nhiên, vì quá trình này diễn ra âm thầm nên bạn thường không nhận ra cho đến khi rụng tóc gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian dài.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Vitamin H (Biotin) và vitamin B5 (axit pantothenic) là hai yếu tố không thể thiếu giúp tóc phát triển chắc khỏe. Thực tế cho thấy, những người áp dụng chế độ ăn kiêng, ăn chay, hay vừa trải qua một trận ốm nặng,… dễ bị rụng tóc hơn. Do vậy, để cải thiện tình trạng rụng tóc, bạn nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, cystein, sắt,… từ thực phẩm sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp thêm dưỡng chất cho tóc bằng viên uống bổ sung vitamin.

Một số bệnh tiềm ẩn

Một số bệnh như tiểu đường, tuyến giáp,… sẽ gây ra hiện tượng rụng tóc. Khi mắc bệnh tiểu đường, mạch máu dễ bị tổn thương do lượng đường trong máu tăng cao. Lúc đó, lượng oxy đến các nang tóc bị ức chế, kìm hãm sự phát triển của nang tóc dẫn đến tình trạng tóc rụng. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến hơn là bệnh tuyến giáp vì các hormone tuyến giáp có tác động trực tiếp đến các nang tóc. Sự mất cân bằng hormone tuyến giáp là nguyên nhân chính gây ra rụng tóc.

Các biện pháp cải thiện tóc rụng

Để khắc phục tình trạng tóc rụng, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Để có mái tóc chắc khỏe thì không thể bỏ qua việc chăm sóc cơ thể từ bên trong: ăn uống cân đối các chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Do chứa dồi dào biotin, silicas, vitamin B… nên các loại ngũ cốc, cá hồi, lòng đỏ trứng, xoài, dâu tây,… là những thực phẩm rất có lợi cho sự phát triển của tóc.

Luyện tập các thói quen lành mạnh
  • Không nên quá lo lắng, căng thẳng: Stress có thể làm tăng nồng độ cortisol, là một trong những “thủ phạm” chính gây rụng tóc. Vì thế, hãy cố gắng kiểm soát căng thẳng bằng các bài tập thể dục như yogathiền hoặc những hoạt động giải trí mà bạn thích.

  • Không gội đầu quá nhiều: Gội đầu quá nhiều sẽ khiến lượng dầu tự nhiên trên da đầu mất đi, khiến cho tóc khô, xơ và rụng nhiều hơn. Theo khuyến cáo của chuyên gia, bạn chỉ nên gội đầu cách ngày, tối đa 3 lần/tuần.

  • Hạn chế hút thuốc và sử dụng chất kích thích: Thuốc lá và chất kích thích làm giảm lượng máu nuôi dưỡng nang tóc của bạn, dẫn đến gián đoạn quá trình sản xuất protein và collagen cho tóc. Do đó, để giữ cho mái tóc óng mượt, bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc và hạn chế rượu bia.

  • Tránh thức khuya: Thức khuya, ngủ không đủ giấc gây tăng sinh các gốc tự do có hại và rối loạn nội tiết tố, làm cản trở nguồn dinh dưỡng đến tóc, khiến tóc yếu và rụng dần. Hãy cố gắng đi ngủ trước 11 giờ tối và ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm bạn nhé.

 

Rụng tóc hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bạn tìm ra nguyên nhân và có phương pháp chăm sóc tóc phù hợp. Hy vọng với những gợi ý trên đây, bạn đã hiểu hơn về mái tóc của mình, từ đó xây dựng thói quen chăm sóc tóc hợp lý.

>>> Xem thêm: