Hiệu ứng yoyo: cơn ác mộng của những người giảm cân
Nội dung bài viết:
Có thể bạn đều đã biết: Việc giảm cân trong một thời gian ngắn chỉ giúp cho cơ thể bạn đẹp tạm thời, chứ chưa bao giờ mang lại kết quả lâu dài, bởi lẽ sau đó cân nặng sẽ “thần tốc" quay trở lại. Đây chính là một phần của hiệu ứng yoyo.
1. Hiệu ứng yoyo là gì?
Hiệu ứng yoyo (Yo-yo dieting) là quá trình ăn kiêng hay nhịn ăn không đúng cách để giảm cân, sau đó tăng cân và rồi lại ăn kiêng thêm lần nữa, nhưng rồi lại tiếp tục tăng cân như một vòng lặp đều đặn. Sự tăng giảm của cân nặng giống như chuyển động lên xuống của con quay yoyo vậy.
Quá trình dao động cân nặng diễn ra liên tục không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn tác động không tốt đến sức khỏe tinh thần.
2. Tác hại của hiệu ứng yoyo
-
Thèm ăn hơn
Khi bạn giảm mỡ, lượng leptin (hormone cảm giác no) giảm và điều này làm bạn thèm ăn hơn do cơ thể cố gắng lấy lại nguồn dự trữ năng lượng vừa mất. Ngoài ra, khi khối lượng cơ mất quá nhanh và nhiều trong quá trình ăn kiêng cũng sẽ khiến cơ thể bạn càng muốn bù đắp năng lượng.
-
Tăng mỡ và giảm cơ bắp
Khi bạn giảm cân, bạn sẽ giảm lượng mỡ và cơ cùng lúc. Tuy nhiên, khi bạn tăng cân, mỡ sẽ tăng nhanh và nhiều hơn cơ. Chính vì vậy, khi cân nặng bạn lên xuống quá nhanh, tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể sẽ tăng cao.
Đã có 11 trong số 19 nghiên cứu đã cho thấy những ai trải qua hiệu ứng yoyo sẽ có tỷ lệ mỡ khá cao trên toàn cơ thể, đặc biệt là và ở vùng bụng cao.
-
Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường
Nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn kiêng yo-yo có thể làm tăng tình trạng kháng insulin. Khi tế bào không đáp ứng với insuline, glucose trong máu sẽ cao hơn bình thường. Quá trình này diễn ra chậm và sẽ dấn đến bệnh tiểu đường tuýp II.
-
Tăng nguy cơ mắc tim mạch và tăng huyết áp
Tuy khoa học chưa tìm được mối liên kết cụ thể giữa hiệu ứng yoyo và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy khi câng nặng thay đổi liên tục, nguy cơ mắc bệnh tim của một người sẽ cao hơn. Ngoài những nguy cơ về tim mạch, hiệu ứng yoyo cũng có thể gây tăng huyết áp. Thực tế, những người trong nhóm này thường có chỉ số huyết áp cao hơn người bình thường.
>>> Đọc thêm: Những biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả
-
Tác động tiêu cực đến tâm lý
Giảm cân chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì thế, mỗi khi cân nặng cơ thể giảm rồi tăng, bản thân chúng ta sẽ không được vui. Trên thực tế, nhiều minh chứng cho thấy, nhiều người từng trải qua hiệu ứng yoyo đều cảm thấy không hài lòng với cuộc sống và sức khỏe của mình. Theo đó, việc cứ giảm rồi lại tăng cân nhiều lần như vậy khiến không ít người sinh ra tâm lý chán nản, không còn quan tâm đến cân nặng nên cứ tiếp tục ăn uống buông thả.
3. Cách thoát khỏi hiệu ứng yoyo
Để duy trì thành quả giảm cân, bạn cần xây dựng lối sống lành mạnh thay vì chỉ dựa vào một chế độ ăn kiêng tạm thời. Dưới đây là một số gợi ý về thói quen tốt có thể giúp duy trì cân nặng mà bạn có thể tham khảo và xây dựng:
-
Ăn thực phẩm lành mạnh: Bạn nên bổ sung những thực phẩm tốt cho cơ thể như sữa chua, trái cây, rau củ và các loại hạt như óc chó, hạnh nhân,…
-
Tránh đồ ăn vặt: chẳng hạn như bim bim, kẹo, thức uống có đường,…
-
Ăn uống khoa học: Đúng giờ, đủ bữa. Ăn chậm nhai kĩ vì khi bạn đã ăn được 10-15 phút, cơ thể mới tiết ra hormone chống đói, gửi tín hiệu đến não bộ để não xác nhận rằng bạn không còn thấy đói nữa.
-
Tập luyện thể chất: Bạn có thể lựa chọn hình thức tập luyện thể chất mình thích như bơi lội, chạy bộ, cardio,… hoặc hình thức tập luyện/bài tập nào phù hợp với thể trạng (nếu có tiền sử bệnh đặc biệt như bệnh tim mạch, béo phì,...) theo hướng dẫn của PT, bác sĩ.
-
Ngủ đủ giấc: Bạn cần ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi đêm.
4. Lời kết
Nhìn chung, bạn nên kiên trì xây dựng cho mình một lối sống và chế độ ăn lành mạnh để tránh vòng lặp tăng và giảm cân nhé!
>>> Bài viết cùng chủ đề: