Tổng hợp thuật ngữ bảo hiểm nhân thọ cơ bản bạn nên biết
Nội dung bài viết
- Bạn đã hiểu đúng hợp đồng bảo hiểm là gì?
- Bên mua bảo hiểm là cá nhân hay tổ chức?
- Người được bảo hiểm là ai?
- Người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ khác với người được bảo hiểm thế nào?
- Tuổi bảo hiểm là gì?
- Sự kiện bảo hiểm là gì?
- Các loại phí khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
- Thời hạn bảo hiểm là gì?
- Tìm hiểu quyền lợi bảo hiểm là gì?
- Số tiền bảo hiểm là gì?
- Bancassurance là gì?
- Lãi suất của bảo hiểm nhân thọ: Hiểu thế nào mới đúng?
- Ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm là gì?
- Thời gian cân nhắc hợp đồng bảo hiểm
- Ngày kỷ niệm hợp đồng là gì?
Thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ thường khá nhiều và khó nhớ. Điều này gây ra không ít khó khăn cho những người lần đầu tham gia bảo hiểm nhân thọ. Hãy cùng tìm hiểu những thuật ngữ cơ bản để không phải bỡ ngỡ khi tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ nhé.
Bạn đã hiểu đúng hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận hợp pháp giữa bên mua bảo hiểm (cá nhân, tổ chức) và bên bán bảo hiểm (công ty bảo hiểm) dựa trên sự đồng thuận hoàn toàn về quyền lợi, nghĩa vụ (ghi rõ trong hợp đồng mua bán bảo hiểm). Theo đó, bên mua bảo hiểm chấp nhận đóng một khoản tiền nhất định định kỳ (gọi là phí bảo hiểm), nhằm nhận lấy những cam kết của bên bán bảo hiểm về khoản chi trả khi có rủi ro xảy ra (như đã thỏa thuận).
Riêng với bảo hiểm nhân thọ, loại bảo hiểm này hoạt động bằng cách lấy số đông bù cho số ít. Điều này có nghĩa là khoản tiền mà người tham gia đóng cho công ty bảo hiểm sẽ được đưa vào “quỹ chung” và khi có bất kỳ người tham gia bảo hiểm nào xảy ra sự kiện bảo hiểm theo quy định, khoản tiền từ quỹ chung được trích ra để bù đắp cho tổn thất đó.
>> Xem thêm: Dừng hợp đồng bảo hiểm những năm đầu có được không?
Bên mua bảo hiểm là cá nhân hay tổ chức?
Theo luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm vừa là tổ chức, vừa là cá nhân có nguyện vọng tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Nếu chủ thể là một tổ chức thì phải được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Trường hợp là cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ thì bắt buộc phải đủ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại Việt Nam và có năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, cá nhân là người có yêu cầu bảo hiểm, chịu trách nhiệm đóng phí bảo hiểm, cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Người được bảo hiểm là ai?
Người được bảo hiểm là cá nhân hiện đang cư trú tại Việt Nam được công ty bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm theo Quy tắc, Điều khoản của sản phẩm bảo hiểm. Các giới hạn về tuổi tham gia cũng như tuổi tối đa kết thúc hợp đồng bảo hiểm tùy thuộc vào đặc điểm của từng sản phẩm.
>>> Tham khảo thêm: Đối tượng bảo hiểm là gì? Cách xác định như thế nào?
Người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ khác với người được bảo hiểm thế nào?
Nhiều người nghĩ “người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ” và “người được bảo hiểm” là một. Nhưng thực tế, cả hai thuật ngữ có bản chất không hề giống nhau.
Người được bảo hiểm là đối tượng mà các điều khoản trong hợp đồng hướng tới, được ghi nhận trong Trang hợp đồng tương ứng với sản phẩm chính. Trong khi đó, người thụ hưởng là cá nhân hoặc tổ chức được bên mua bảo hiểm chỉ định nhận quyền lợi (theo quy tắc điều khoản sản phẩm quy định), được ghi tên trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và xác nhận thay đổi hợp đồng (nếu có).
Theo đó, người thụ hưởng có thể là bất kỳ ai, bao gồm bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người không có huyết thống trong gia đình. Nếu người được bảo hiểm chính tử vong thì người thụ hưởng được chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm.
Ví dụ: Anh S (40 tuổi, TP HCM) đã ký hợp đồng tham gia bảo hiểm nhân thọ và thực hiện đóng phí định kỳ theo hợp đồng thì anh S là bên mua bảo hiểm. Trong hợp đồng quy định anh S được bảo hiểm cho các rủi ro có thể gặp phải thì anh S cũng được gọi là người được bảo hiểm.
Nếu chẳng may, anh S gặp phải sự kiện bảo hiểm (được quy định trong hợp đồng) và tử vong thì công ty bảo hiểm thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thân của anh S. Như vậy, người thân của anh S là người thụ hưởng.
Tuổi bảo hiểm là gì?
Tuổi bảo hiểm là tuổi của người được bảo hiểm vào ngày hợp đồng có hiệu lực, tính theo ngày sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm hợp đồng vừa qua.
Ví dụ, chị D là người được bảo hiểm. Tính đến ngày hợp đồng có hiệu lực, chị D tròn 25 tuổi, như vậy tuổi bảo hiểm là 25.
Thông thường, bảo hiểm nhân thọ giới hạn độ tuổi tham gia từ 0 - 65 tuổi. Nhiều trường hợp, tuỳ theo quy định của mỗi công ty mà người từ 65 - 80 tuổi có thể mua bảo hiểm.
>> Xem thêm: Độ tuổi nào tham gia bảo hiểm nhân thọ tốt nhất?
Sự kiện bảo hiểm là gì?
Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do người tham gia bảo hiểm và công ty bảo hiểm thỏa thuận, hoặc được quy định bởi cơ quan luật pháp. Khi một sự kiện bảo hiểm xảy ra (tử vong, thương tật, tai nạn, nằm viện, khám chữa bệnh…) thì công ty phải chi trả quyền lợi cho người được bảo hiểm/người thụ hưởng.
Tuy vậy, không phải sự kiện nào đều có thể được bảo hiểm. Chỉ những sự kiện không thể lường trước, ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể và tính mạng của người được bảo hiểm trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì mới được bảo hiểm. Đối với trường hợp mang tính chủ quan, xuất phát từ chủ ý cố tình gây thương tích hoặc tai nạn, nhằm nhận tiền bồi thường thì công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm.
Các loại phí khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua phải đóng cho công ty bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng. Có nhiều loại phí khác nhau khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, chủ yếu là phí bảo hiểm cơ bản, phí bảo hiểm đóng định kỳ, phí quản lý hợp đồng.
Phí bảo hiểm cơ bản là gì?
Đây là khoản phí đóng cho sản phẩm bảo hiểm chính, được ghi nhận trong hợp đồng hoặc xác nhận thay đổi hợp đồng (nếu có). Thông thường, phí cơ bản được phân bổ vào tài khoản của người mua bảo hiểm (sau khi đã trừ đi mức phí tham gia).
Phí bảo hiểm định kỳ phải đóng là bao nhiêu?
Tùy theo sản phẩm bảo hiểm bạn lựa chọn, cũng như có hay không mua sản phẩm bổ trợ, mà công ty bảo hiểm quyết định mức phí định kỳ phải đóng. Mặt khác, người tham gia có quyền lựa chọn thời hạn đóng phí, ví dụ đóng hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc một năm.
Thế nào là phí quản lý hợp đồng?
Đây là khoản phí được khấu trừ mỗi tháng để công ty bảo hiểm thực hiện các công việc liên quan như quản lý, duy trì hợp đồng và cung cấp thông tin thay đổi (nếu có) cho người tham gia.
>> Bài viết liên quan: Mối quan hệ giữa phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm
Thời hạn bảo hiểm là gì?
Thời hạn bảo hiểm là khoảng thời gian hợp đồng có hiệu lực và duy trì quyền lợi cho người tham gia. Tùy theo quy định của mỗi công ty cũng như đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm, thời hạn có thể kéo dài từ 15 năm đến 20 năm, ở tuổi tối đa của ngày đáo hạn là 75 tuổi, hoặc là trọn đời.
Tìm hiểu quyền lợi bảo hiểm là gì?
Quyền lợi bảo hiểm là tổng hợp tất cả lợi ích mà người tham gia bảo hiểm nhận được khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Các loại quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
- Quyền lợi cơ bản: Là mọi quyền lợi người được bảo hiểm nhận được trong suốt quá trình bảo hiểm có hiệu lực, quy định tại Quy tắc điều khoản.
- Quyền lợi bổ sung: Là những quyền lợi được quy định tại Quy tắc điều khoản, do người mua bảo hiểm chọn thêm khi tham gia bảo hiểm và áp dụng cho người được bảo hiểm.
- Quyền lợi đáo hạn: Là các quyền lợi đi kèm với điều kiện áp dụng khi đáo hạn hợp đồng được quy định rõ tại Quy tắc điều khoản.
- Quyền lợi thưởng duy trì hợp đồng: Là quyền lợi và điều kiện áp dụng khi sử dụng hợp đồng liên tiếp nhiều năm, được quy định ở Quy tắc điều khoản.
Người tham gia cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về từng quyền lợi (nhất là nội dung điều kiện áp dụng) để bảo vệ quyền lợi cá nhân khi tham gia bảo hiểm và tránh các sai phạm, ảnh hưởng đến việc nhận trợ cấp từ bảo hiểm về sau. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì bên mua bảo hiểm đừng ngần ngại liên hệ nhân viên tư vấn giải đáp ngay!
>> Xem thêm: 7 quyền lợi nổi bật của bảo hiểm nhân thọ khi nằm viện, khám chữa bệnh.
Số tiền bảo hiểm là gì?
Số tiền bảo hiểm (Sum Insured) là một trong các thuật ngữ bảo hiểm quan trọng mà tất cả những ai dự định tham gia bảo hiểm cần nắm rõ. Khái niệm được sử dụng để chỉ số tiền ghi nhận trên hợp đồng mà bên bán bảo hiểm sẽ chi trả cho người tham gia theo các quyền lợi đã thống nhất.
Có 3 loại số tiền bảo hiểm cơ bản nhất là:
- Số tiền bảo hiểm gốc: Là số tiền ghi nhận tại thời điểm hợp đồng bắt đầu có hiệu lực.
- Số tiền bảo hiểm gia tăng: Là số tiền ghi nhận khi người tham gia bảo hiểm điều chỉnh (tăng) số tiền bảo hiểm gốc vào ngày kỷ niệm hợp đồng (hàng năm hoặc định kỳ 3 năm, 5 năm, 10 năm…), tính từ năm hợp đồng có hiệu lực lần thứ hai trở đi.
- Số tiền bảo hiểm giảm: Là số tiền ghi nhận khi bên mua bảo hiểm điều chỉnh (giảm) số tiền bảo hiểm gốc vào ngày kỷ niệm hợp đồng.
>> Số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm liên quan đến nhau như thế nào? Tìm hiểu ngay tại đây nhé!
Bancassurance là gì?
Bancassurance là thuật ngữ sử dụng để chỉ sự hợp tác chặt chẽ giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Trong đó, bên bán bảo hiểm tận dụng nguồn khách hàng và các kênh phân phối sẵn có của ngân hàng để kinh doanh kèm theo một số dịch vụ khác (như tư vấn, thu phí, hỗ trợ xử lý vấn đề phát sinh…). Mỗi lần ký kết hợp đồng bảo hiểm thành công, ngân hàng sẽ nhận về một khoản hoa hồng theo thống nhất giữa hai bên.
Lãi suất của bảo hiểm nhân thọ: Hiểu thế nào mới đúng?
Một trong các thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ quan trọng là lãi suất. Đây là khái niệm dùng để chỉ mức lãi suất công ty bảo hiểm phân bổ vào giá trị tài khoản hợp đồng của người tham gia bảo hiểm khi vừa kết thúc một năm tài chính (là khoảng thời gian có độ dài tương đương một năm, bắt đầu từ 01/01 đến 31/12 dương lịch).
Hiện nay, có 2 loại lãi suất phổ biến mà các công ty bảo hiểm nhân thọ áp dụng là:
- Lãi suất không đảm bảo: Khi tham gia những hợp đồng bảo hiểm lãi suất không đảm bảo, người tham gia bảo hiểm không chỉ nhận quyền lợi đề cập trên hợp đồng, mà còn có thể có thêm quyền lợi từ kết quả kinh doanh của công ty cung cấp bảo hiểm (hay lãi chia cuối hợp đồng, bảo tức).
- Lãi suất đầu tư: Khi tham gia hợp đồng bảo hiểm lãi suất đầu tư, ngoài quyền lợi cơ bản trên hợp đồng, bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của Quỹ liên kết đầu tư.
>> Mỗi công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ có cách tính lãi suất bảo hiểm khác nhau. Bạn đừng bỏ qua nội dung lãi suất của các công ty bảo hiểm nhân thọ nhé!
Ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hiểu đơn giản, ngày đáo hạn hợp đồng là ngày cuối cùng bảo hiểm còn hiệu lực (ghi rõ trong mỗi hợp đồng bảo hiểm). Lúc này, bên bán bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi đáo hạn, gồm tiền gốc và lãi suất (nếu có), nếu người tham gia không gặp bất kỳ sự kiện bảo hiểm nào.
>> Bạn không thể bỏ qua những yếu tố ảnh hưởng quyền lợi đáo hạn bảo hiểm nhân thọ giúp bảo vệ lợi ích của bản khi tham gia bảo hiểm. Xem ngay nhé!
Thời gian cân nhắc hợp đồng bảo hiểm
Thời gian cân nhắc hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian bên mua bảo hiểm đã nhận thông tin hợp đồng (thường gửi qua Email) nhưng vẫn chưa chính thức ký kết, tham gia bảo hiểm. Trong thời điểm này, bên mua hoàn toàn có thể thay đổi, chỉnh sửa tất cả quyền lợi; tăng/giảm mệnh giá hợp đồng hoặc đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng bảo hiểm hay không.
>> Nên làm gì trong 21 ngày cân nhắc hợp đồng bảo hiểm để tối ưu quyền lợi? Đừng bỏ qua các lời khuyên hữu ích từ Prudential tại đây!
Ngày kỷ niệm hợp đồng là gì?
Ngày kỷ niệm hợp đồng là ngày kỷ niệm tương ứng hàng năm của ngày hiệu lực hợp đồng. Vào thời gian này, bên tham gia bảo hiểm có thể nhận được nhiều quyền lợi hấp dẫn như thưởng tiền, tặng quà tri ân, tăng mức tiền bảo hiểm, miễn phí phí đáo hạn hợp đồng bảo hiểm… Ngày kỷ niệm có thể là mỗi năm hoặc cách 3 năm, 5 năm, 10 năm… một lần tùy theo từng hợp đồng.
>> Có thể bạn chưa biết: 9 mốc thời gian đặc biệt cần nhớ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trên đây là những giải đáp về thuật ngữ bảo hiểm cơ bản mà bạn có thể tham khảo. Ngày nay, tham gia bảo hiểm nhân thọ đã trở thành xu hướng trong đời sống của người Việt. Vì thế, nắm rõ những khái niệm bảo hiểm là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi, biến những điều tưởng chừng phức tạp trở nên đơn giản, đầy ý nghĩa.
>>> Xem thêm: