Phòng chống sốc nhiệt trong mùa hè
Sốc nhiệt do nắng nóng thường thấy trong mùa hè, nhất là thời điểm nhiệt độ tăng cao vào giữa trưa (12 giờ) đến giữa chiều (15 giờ). Nếu không được xử lý kịp thời, sốc nhiệt có thể để lại những di chứng về thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong.
Sốc nhiệt và những dấu hiệu thường thấy
Vào mùa hè, nắng nóng thường khắc nghiệt và kéo dài hơn, khiến trung tâm điều nhiệt của cơ thể mất cân bằng, nhiệt độ dễ tăng nhanh, có thể tăng cao từ 39 đến 41 độ C. Khi đó, nhiều người dễ sốc nhiệt do làm việc, di chuyển ngoài trời.
Sốc nhiệt có thể xảy ra do tình trạng sức khoẻ, độ tuổi khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao liên tục một giờ đến vài ngày; hoặc sốc nhiệt do sự sinh nhiệt lúc tập thể dục, gắng sức. Các nhóm đối tượng dễ bị sốc nhiệt gồm: người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh về tim mạch, thần kinh, cơ thể suy nhược.
Nếu phát hiện kịp thời, các triệu chứng của sốc nhiệt có thể giảm nhanh, còn nếu để kéo dài trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, sốc nhiệt có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng.
Tiến sĩ Robert Glatter, bác sĩ y học cấp cứu tại Bệnh viện Lenox Hill – New York cho biết: “Sốc nhiệt phát triển khi cơ thể không thể tiết mồ hôi hiệu quả để hạ nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, da trở nên khô và nhịp tim bắt đầu tăng. Mơ hồ, mất nhận thức là một triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị sốc nhiệt. Điều này thậm chí có thể tương tự một cơn đột quỵ”.
Các dấu hiệu thường gặp do kiệt sức dưới nắng nóng hoặc trong khu vực nhiệt độ cao, bao gồm: chuột rút cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, đau đầu chóng mặt, cảm giác buồn nôn. Nghiêm trọng hơn, sốc nhiệt sẽ có các triệu chứng: da nhợt nhạt, khó khăn khi đi bộ, đồng tử giãn ra, có hành vi khác thường, nhịp tim nhanh hoặc đang co giật, bất tỉnh. Nếu gặp phải một người có những triệu chứng tương tự, chúng ta nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập để cứu nguy cho họ.
Cách phòng tránh và xử lý khi gặp người sốc nhiệt
Tiến sĩ Christopher Sampson, bác sĩ cấp cứu tại Đại học Missouri Health Care ở Columbia, Missouri khuyên rằng: “Hãy di chuyển người sốc nhiệt do nắng nóng đến một nơi mát mẻ hoặc râm mát, tránh ánh nắng mặt trời. Sau đó, vừa quạt vừa làm ướt da của họ bằng cách thấm nước hoặc đắp khăn ướt. Nếu có sẵn túi nước đá, hãy chườm chúng lên những vùng quan trọng như bẹn, nách, lưng và cổ (Khăn mát, giẻ lau hoặc mảnh quần áo cũng sẽ có tác dụng)”. Trong trường hợp họ bất tỉnh hoặc ngưng thở, chúng ta nên gọi ngay cấp cứu”.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn sốc nhiệt hoặc say nắng, quá trình hồi phục có thể mất vài ngày. Các chuyên gia cho biết, nếu không được điều trị, sốc nhiệt có thể gây tổn thương lâu dài cho não, cơ, thận và các cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, tốt nhất nên ngăn ngừa sốc nhiệt mùa nắng nóng bằng cách nhận biết không chỉ nhiệt độ bên ngoài mà còn cả những điều chúng ta cần tự trang bị cho mình.
Cụ thể:
-
Người lớn lẫn trẻ em nên uống nhiều nước khi trời nóng ngay cả khi không có cảm giác khát.
-
Với người tập thể thao hoặc người làm việc dưới nắng nóng, cần chuẩn bị sẵn uống đồ uống thể thao ít đường vì những thức uống này có thể thay thế các chất điện giải bị mất khi đổ mồ hôi quá nhiều.
-
Nếu cần tập thể dục, hãy chọn thời gian vào sáng sớm hoặc chiều tối khi ánh nắng mặt trời không mạnh, hoặc chọn địa điểm nhiều bóng râm hơn.
-
Không nên uống rượu hoặc đồ uống có đường thường xuyên vì điều này dẫn đến khát nước và mất nước quá nhiều.
-
Trẻ em không tự điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể như người trưởng thành. Vì vậy, hạn chế cho trẻ chạy nhảy vận động ngoài trời. Lưu ý, cũng không nên cho trẻ ở trên xe hơi trong thời tiết nóng bức một mình.
-
Đối với người cao tuổi, nơi ở nên được trang bị đầy đủ quạt hoặc máy điều hoà thích hợp.
-
Tương tự trẻ nhỏ, cơ thể người già cũng giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong, họ còn có thể mang nhiều bệnh lý khác. Việc uống một số loại thuốc khiến họ đi tiểu nhiều hơn, đứng trước nguy cơ mất nước, thường đổ mồ hôi, nên họ cần được chăm sóc kỹ hơn trong môi trường mát mẻ.
-
Nếu phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, chúng ta cần bảo vệ da bằng kem chống nắng phổ rộng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mang theo chai nước.
-
Tình trạng da nổi mẩn ngứa, phát ban nhiệt sẽ gia tăng nếu ra nắng mùa hè. Vì vậy, các lứa tuổi đều nên mặc quần áo rộng rãi, sáng màu, chất vải thoáng khí giúp thấm hút mồ hôi tốt.
Trên đây là những thông tin về sốc nhiệt cũng như những cách hữu hiệu để phòng chống, trong đó quan trọng nhất là cung cấp đủ nước cho cơ thể và tránh nhiệt độ quá cao. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích để bảo vệ sức khỏe của chúng ta và gia đình trong thời điểm nắng nóng kéo dài.
>>> Tìm hiểu thêm: