Nhà bừa bộn khiến tâm lý bất ổn. Bạn tin không?
Nếu không gian nhà ở của bạn thường xuyên trong tình trạng bừa bộn, hỗn loạn, chắc chắn trầm cảm sẽ tìm đến bạn một ngày không xa. Theo một nghiên cứu khoa học, không gian sống bừa bộn có liên quan trực tiếp đến tâm lý căng thẳng, tệ hơn là những cuộc xung đột trong mối quan hệ gia đình.
Hãy cùng Prudential tìm hiểu kỹ hơn việc thiếu ngăn nắp sẽ ảnh hưởng đến chúng ta thế nào và làm sao để gìn giữ một không gian sống tinh tươm nhé!
Nhà bừa bộn – tâm bất ổn
Đây là kết luận nằm trong báo cáo “Cuộc sống trong căn nhà thế kỷ XXI” của Viện Đại học California, Los Angeles (UCLA) sau hơn 4 năm nghiên cứu trên 32 gia đình trung lưu.
Điều đáng ngạc nhiên là không gia đình nào nhận ra nhà mình đang thật sự bừa bộn và số lượng đồ đạc của họ chỉ ở mức trung bình. Các gia đình dường như cứ để mọi thứ chất chồng ở mọi căn phòng, đồ chơi em bé lẫn vào sách vở, vật dụng trang trí cạnh quần áo, đồ gia dụng. Hơn thế, hầu hết chủ của các căn nhà đều có thói quen “tích trữ” và biến gara thành nhà kho. Có đến ¾ các gia đình tham gia có gara bị quá tải vì dồn ứ vô vàn vật dụng “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Cũng không quá ngạc nhiên khi nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng nhà bừa bộn. Mức độ stress của họ tỷ lệ thuận với mức độ hỗn độn trong nhà. Không chỉ phụ nữ, trẻ em cũng chịu những tác động tâm lý tiêu cực khi sống trong không gian lộn xộn. Trẻ hiếm khi ra ngoài vui chơi vì đã quá “bận rộn” với mớ đồ chơi ngổn ngang xung quanh chúng. Và đây cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng.
Nhiều gia đình nhận biết được điều đó, nhưng họ không biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Thế là căn nhà vốn bừa bộn càng trở nên hỗn loạn. Và từ đó, tâm trạng căng thẳng, bồn chồn, thậm chí chán nản ngày càng tăng.
Nếu thấy tâm trạng không thoải mái, hãy thử bắt đầu dọn dẹp trong nhà, bạn sẽ nhận ra tâm trạng mình trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa tâm hồn
Hãy cùng tham khảo những “chiêu” giúp bạn có thể dọn nhà hiệu quả nhất
1. Tập trung “dọn mỗi lần một phòng”
Khi bắt đầu dọn dẹp, hãy chọn một căn phòng và ước lượng thời gian cần thiết để dọn xong nó, sau đó tập trung hoàn tất công việc thay vì “gặp đâu dọn đó”. Việc loay hoay vừa dọn nơi này chưa xong thì nơi khác đã ngổn ngang sẽ khiến bạn thêm mất thời gian và công sức. Chưa kể nhìn khắp căn nhà trong tình trạng “đang dọn dẹp” sẽ khiến bạn càng khó chịu hơn.
Ví dụ, nếu muốn dọn dẹp gian bếp thì hãy tập trung sắp xếp mọi vật dụng nhà bếp một cách ngăn nắp, từng chiếc cốc nhỏ, chén, tô và đừng quên lau dọn cả những món trong tủ lạnh. Hãy ưu tiên đặt những món dùng thường xuyên ở nơi thuận tiện nhất và đừng ngại cho đi những món bạn không chạm đến từ nhiều tháng nay, thậm chí cả năm. Đối với những món không thuộc phạm vi nhà bếp, như sách vở, hãy gom lại và sẽ đặt vào đúng chỗ sau khi đã dọn xong.
2. Hãy phân biệt “rác vô dụng” và “đồ vô giá”
Trong suốt thời gian dọn dẹp, sẽ có những lúc bạn cảm thấy tiếc khi bỏ đi một món gì đó. Tất nhiên, bạn có thể giữ lại những kỷ vật thân thương, nhưng cũng cần phân biệt những món bạn trân quý thật sự và những món không cần thiết.
Cách để có hạ quyết tâm nói lời chia tay đồ vật là trả lời câu hỏi này: “giữ lại món đồ này để làm gì?”.
Chẳng hạn quyển báo/tạp chí 3 năm trước không giúp ích nhiều cho việc giải trí hiện tại của bạn, trừ khi sưu tập tạp chí chuyên ngành là một phần công việc của bạn nếu không hãy mạnh dạn vứt, cho đi hoặc tái chế (nếu bạn có kế hoạch và khả năng tái chế rõ ràng).
3. Tránh xa nhà kho
Nhà kho ban đầu được xem là không gian tiện dụng để lưu giữ vật dụng trong nhà. Nhưng đừng lạm dụng nhà kho để dồn hết những món mà chúng ta không có nhu cầu sử dụng và để chúng bị đóng bụi qua năm tháng.
Thay vì cứ “trữ” những món không dùng, như nội thất, quần áo cũ, sách báo, thùng hộp, “vật dụng còn xài được”, bạn hãy mang chúng đến hội chợ bán hàng cũ, quyên góp, hoặc đem đến các cửa hàng thanh lý.
4. Mua sắm thông minh
Mua sắm không chỉ là niềm vui mà còn là một trong những nguyên nhân khến căn nhà thêm bề bộn, nhất là khi mua những món đồ không cần thiết, hoặc mua vì “đang sale mà”.
Trước khi chọn mua một món đồ, bạn hãy tìm hiểu công năng sử dụng của nó thế nào, thời gian sử dụng hiệu quả của món đồ đó trong bao lâu. Ngoài ra, hãy bán hoặc cho đi những món đồ gia dụng lớn như sofa, tủ kệ, vật dụng trang trí, quần áo,… trước khi thay mới.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ biết cách giữ cho không gian sống của gia đình gọn gàng, sạch mát và giúp tâm lý thoải mái hơn. Hãy bắt tay dọn dẹp từ những góc nhỏ nhất để không thấy “quá tải” vào mỗi lần dọn dẹp.
Chúc bạn luôn cảm thấy vui vẻ và thư thái trong mái nhà của mình!
>>> Xem thêm: