Làm gì khi một năm qua chưa làm được gì
Blog Nhịp Sống Khỏe

Làm gì khi một năm qua “chưa làm được gì”?

Một năm trôi qua nhanh như cái chớp mắt. Sau bao nhiêu guồng quay tất bật, những ngày cuối năm cũng là lúc để chúng ta chậm lại và nhìn xem một năm qua đã làm gì. Từ công việc đến tình cảm, từ vật chất đến tinh thần, từ gia đình đến bạn bè và các mối quan hệ xã hội, có mấy khi ta được dịp nhìn lại toàn diện mọi ngóc ngách của cuộc sống như lúc này. Để rồi từ đó giật mình nhận ra, mình vẫn là một chú “báo”...đời, chưa làm được gì tới nơi tới chốn.

 

Chưa làm được gì đã hết năm - Mẫu số chung cho việc nhìn lại một năm

Nếu dành câu hỏi “Năm qua bạn đã làm được gì?” cho 10 người bất kỳ xung quanh, chắc sẽ có đến 9 người trả lời rằng “Năm qua chưa làm được gì!”. Nhìn nhận thực tế thì chính ta có thể cũng đang mắc kẹt trong suy nghĩ “Mình cũng có làm được gì đâu...”.

 

Vì nhìn đi nhìn lại, công việc cũng chưa có gì “ra dẻ”. Thăng tiến chưa có, ta vẫn đang xoay xở với đồng lương hàng tháng thậm chí có thêm một khoản tín dụng đang chờ thanh toán. Mục tiêu GIÀU chỉ thực hiện được ¾ nhưng GIÀ thì năm nào cũng đạt KPI. Lời thề năm nay có bồ đến cuối năm vẫn còn dang dở. Cuộc sống thì quẩn quanh một vòng lặp: sáng đi làm - tối về nhà mà chẳng thấy bước đột phá. Mối quan hệ cũng chỉ bấy nhiêu gương mặt thân quen mà không có một sự kết nối mới mẻ. Ta vẫn là con người ấy, cơ thể đó, không múi không cơ, chỉ có “bé mỡ” lớn khôn từng ngày. Và rồi khi đến cuối năm chỉ còn biết cảm thán: “Sao hết năm nhanh thế!”

Thế nhưng, có thực sự ta “chưa làm được gì”?. Ta đang dựa trên tiêu chí nào để khẳng định rằng bản thân chưa làm được gì trong năm qua? Có chăng chính ta, hay giới trẻ ngày nay nói chung có xu hướng coi nhẹ những cố gắng của bản thân? Hay vì tiêu chuẩn của cộng đồng dành cho thứ gọi là thành tựu đang được nâng cao?

 

“Chưa làm được gì” không hẳn là “chưa làm được gì”

Dẫu biết rằng một năm trôi qua rất nhanh với thật nhiều biến động, nhưng ít nhiều ai trong chúng ta cũng đều có một “thành tựu” đáng được kể tên. Có chăng chúng ta không kịp nhận ra vì mãi bận rộn so sánh, dùng hệ quy chiếu của người khác mà áp đặt lên chính mình.

So sánh - Nguồn gốc của những đánh giá “chưa làm được gì”

Rõ ràng và điển hình nhất chính là áp lực đồng trang lứa. Khi nhìn thấy bạn bè, những người đồng trang lứa với mình thành công với mức lương nghìn đô, lên chức trong khi bản thân dậm chân tại chỗ. Khi ta chợt nhận ra, chị hàng xóm, em bà con, anh trai mưa nay đều trở thành hoa có chủ, chỉ riêng ta vẫn đi về lẻ bóng. Chị A, cô B, em C người thì trắng trẻo thon gọn, người mặt V-line, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, chỉ riêng ta vẫn như vậy, vẫn “trung thành” với nhân dạng trước giờ của mình.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, chỉ cần mở mắt ta đã có thể cập nhật tức khắc cuộc sống của người khác trong gam màu hạnh phúc sung túc nhất, nhưng cũng là lúc ta dễ dàng cảm thấy bản thân thua kém và chẳng làm được gì.

 

Thế nhưng ở khoảnh khắc chúng ta bắt đầu so sánh, đó đã là một sự bất công dành cho chính mình. Vì ta đang lấy thành công của người khác đặt lên nguồn lực của bản thân mà quên mất rằng mỗi người đều đã được thiết lập các lộ trình khác nhau, với các khả năng khác nhau để có thể đạt được những mục tiêu riêng. 

Quá khắt khe với bản thân nên cảm thấy “chưa làm được gì”

Bên cạnh những áp lực từ bên ngoài, những kỳ vọng từ bên trong cũng chính là một trong những lý do khiến ta cảm thấy một năm trôi qua không có gì đọng lại. Vì mục tiêu quá cao nên khi nhìn lại, ta cảm thấy mình chưa làm được gì, trong khi đó ta lại quên rằng hành trình một năm được ghi dấu bằng cố gắng của mỗi một ngày cộng lại, quên rằng mỗi một việc ta làm dù nhỏ bé cũng đã là một thành tựu. 

Ví như thể chất, dù còn “bé mỡ” nhưng số bước chân ta đi nhiều hơn, số nơi ta đến nhiều hơn năm trước, mỗi ngày lại nhiều thêm vài phút vận động, ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc. Tinh thần ta mỗi ngày vẫn hăng hái, trong ta có những thay đổi khi nhìn nhận vấn đề tường tận, thấu đáo hơn. Hay như năm qua, ta đã có thời gian về nhà nhiều hơn, trò chuyện với ba mẹ cũng sâu sắc hơn. Hoặc đó cũng có thể là khi ta đã gạt bỏ đi một thói quen xấu để nhường chỗ cho thói quen tốt. Chẳng hạn thay vì thức khuya, sáng ngủ nướng cho thật đã, ta dậy sớm dành ra vài phút để thiền, hít thở không khí trong lành, tập thói quen ăn sáng đúng giờ,...

 

Khi cuộc sống càng bày ra thật nhiều tiêu chuẩn để đánh giá ta có làm được gì hay chưa, thì đây cũng là lúc ta cần tập trung đầu tư thời gian để hiểu rõ bản thân, công nhận những kết quả và nỗ lực cá nhân, dù cho kết quả ấy có nhỏ bé đến đâu đều xứng đáng được ghi nhận. Cuối năm là lúc để ta chiêm nghiệm những trải nghiệm đã trải qua. Có như vậy, ta mới nhận ra mình đã “lớn” đến thế nào.

 

Biết rõ mình chưa làm được gì để hoạch định kế hoạch tương lai

Thay vì liên tục thở dài “hết năm rồi mà vẫn chưa làm được gì”, hãy đổi lại thành “năm nay ta đã làm được kha khá, năm sau tiếp tục cố gắng hơn”. Thay vì phủ nhận chính mình, hãy công nhận những điều đã làm được ngay cả khi nó là những việc nhỏ nhất. Nhìn lại năm cũ, sau khi ghi nhận những cố gắng của bản thân cũng là lúc để ta lên dây cót và dùng những kinh nghiệm của năm cũ để lên kế hoạch cho một năm mới khởi sắc và hứa hẹn hơn.

Bên cạnh đó, hãy đặt cho mình những mục tiêu vừa đủ - vừa đủ sức thực hiện, vừa đủ thời gian hoàn thành. Bạn có thể tham khảo 5 câu hỏi trong công thức SMART  sau để có thể kiểm soát công việc, định hướng tốt những việc cần làm và lập ra checklist thích hợp cho mình trong năm mới:

  • Specific - Cụ thể: Mục tiêu là gì và cần làm gì? Mục tiêu của bạn càng cụ thể thì bạn càng dễ thực hiện chúng.

  • Measurable - Có thể đo lường được: Dựa vào các con số nào để ta có thể theo dõi tiến độ thực hiện mục tiêu? Bạn nên nhớ rằng mọi mục tiêu đo lường được luôn có con số cụ thể để bạn dễ dàng theo dõi hiệu quả làm việc của mình.

  • Achievable - Tính khả thi: Ta có đủ nguồn lực và khả năng thực hiện mục tiêu đó không? Đây là quy trình bạn tự đánh giá năng lực, nhận biết bản thân mình đang ở đâu.

  • Relevant - Tính thực tế: Nhìn nhận một cách thực tế, ta có thể đạt được mục tiêu này không? Tính thực tế ở đây chính là mục tiêu nằm trong tầm kiểm soát của bản thân, các yếu tố tác động đến mục tiêu khi bạn thực hiện,...

  • Time bound - Giới hạn thời gian: Bạn muốn hoàn thành mục tiêu này khi nào? Một mục tiêu hiệu quả cần có chính xác ngày bắt đầu và ngày kết thúc.

 

 

Lời kết

Chưa làm được gì” trong năm cũ không chỉ còn là câu chuyện của mỗi cá nhân, mà bất cứ ai cũng đều có thể cảm thấy thế trong thời điểm người người nhà nhà thi nhau làm “tổng kết cuối năm”. Thay vì ủ dột lo lắng, hãy nhường chỗ cho việc chuẩn bị kế hoạch, sẵn sàng khác đi trong năm mới.

Giống như câu hát:

“Dù là như thế nào dù mọi điều đã có ra sao

Chỉ cần ngoảnh lại một nụ cười vẫn nở trên môi

Thành công thất bại chỉ là chuyện năm cũ thôi

Đón chào năm mới”

(Năm qua đã làm gì? - Bùi Công Khanh)

>>> Bài viết cùng chủ đề:

Sản phẩm tham khảo