Hạnh phúc bằng cách an trú trong hiện tại
Nội dung bài viết
Hai năm đại dịch Covid-19 qua đi với thật nhiều khó khăn. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy không thoải mái do những mất mát trong quá khứ cũng như mông lung trước tương lai không xác định.
Như một biện pháp chữa lành quá khứ, sẵn sàng khởi đầu cho tương lai, Blog Nhịp Sống Khỏe xin giới thiệu phương pháp an trú trong hiện tại nhằm giúp bạn hạnh phúc hơn trong từng phút giây. Từ một phép thiền tập có cội rễ trong Phật giáo, nhờ công của thiền sư Thích Nhất Hạnh, liệu pháp này đã được nâng lên thành lối sống đem lại hạnh phúc, bình an cho mọi người.
Thế nào là an trú trong hiện tại?
An trú trong hiện tại là có mặt hoàn toàn trong phút giây hiện tại để nhận ra niềm vui của sự ung dung tự tại và niềm an lạc sâu thẳm. Niềm an lạc này từ lâu đã có sẵn trong ta, nhưng sự mất kết nối giữa bản chất chân thật và phút giây hiện tại làm cho ta bị tách rời khỏi cái toàn thể. Đây là lý do khiến ta không thấy hạnh phúc. Vì hạnh phúc có liên quan mật thiết đến sự hiện hữu trong phút giây hiện tại.
An trú trong hiện tại bằng cách nào?
An trú bằng sự có mặt hoàn toàn với phút giây hiện tại
Bạn không thể hiện hữu bên ngoài phút giây hiện tại. Đánh mất phút giây hiện tại, đánh mất sự hiện hữu, bạn còn lại gì? Cản trở duy nhất ngăn bạn kết nối với niềm an bình nội tại là tự đồng hoá mình với dòng suy tưởng miên man, không có chủ đích trong đầu.
Hãy nghĩ về thời khắc hiện tại tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn để tâm, bạn sẽ nhìn thấy chúng. Cảm nhận trạng thái ung dung tự tại trong từng phút, từng giây, sự rung cảm sống động trong mỗi tế bào, đó là lúc bạn đang an trú hạnh phúc trong hiện tại.
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không thể biết trước được tương lai. Thế nhưng, mọi sự thay đổi đều bắt nguồn từ khoảnh khắc hiện tại. Cuộc sống chỉ hiện hữu ở giây phút thực tại này mà thôi. Hãy sống thật trọn vẹn và hết mình trong từng khoảnh khắc, bởi những gì bạn thực hiện ở hiện tại chính là hạt giống sẽ nảy nở ở tương lai.
An trú bằng hơi thở và chánh niệm
Bài tập 1: Hơi thở ý thức, hơi thở nhiệm màu
Bạn có thể áp dụng bài tập hơi thở nhiệm màu vô cùng đơn giản sau đây để kéo tâm trí về phút giây hiện tại:
Khi thở vào, bạn tự nhủ: “Tôi biết là tôi đang thở vào”. Khi thở ra, bạn tự nhủ “Tôi biết rằng tôi đang thở ra”. Chỉ cần thế thôi. Phương pháp này giúp bạn định tâm vào hơi thở. Càng thực tập, bạn càng cảm thấy hơi thở bạn trở nên êm dịu, và thân tâm bạn trở nên thanh thản, nhẹ nhàng. Hơi thở như cây cầu nối liền thân tâm – đôi khi bị tách rời vì tâm nghĩ một việc trong khi thân đang làm một việc khác. Nhờ hơi thở ý thức, bạn khôi phục lại con người trọn vẹn của bạn và tiếp xúc được với đời sống thực tại nhiệm màu.
Thiền sư còn gợi mở, mỗi gia đình nên có một “phòng thở” để thực tập chánh niệm, để khôi phục lại tâm hồn bằng nụ cười và hơi thở. Phòng thở có thể bố trí bằng một chiếc chuông với âm thật trong, không quá nhiều ánh sáng, có đệm ngồi và một bình hoa tươi, nhắc nhớ ta về cảm xúc tươi đẹp trong ngày.
Về chánh niệm, thiền sư nhấn mạnh đó là nền tảng của hạnh phúc. “Trong ánh sáng của chánh niệm, mọi tư tưởng hành động đều trở nên thiêng liêng”. Thiền tập trong chánh niệm là trở về với giây phút hiện tại, nhận biết những gì đang diễn ra và tìm được an nhiên tự tại trong giây phút ấy. Sự an lạc đi cùng chánh niệm khi ấy sẽ tuôn chảy cùng bạn suốt 24 giờ tinh khôi, chứ không chỉ riêng trong giây phút ấy.
Bài tập 2: Phép lạ là bước đi trên mặt đất
Bạn có thể kết hợp chánh niệm trong mọi hoạt động thường ngày, từ việc chào đón ngày mới bằng nụ cười tỉnh thức, đến việc lái xe, nghe điện thoại hay làm việc nhà. Trong đó, thiền hành khi đi bộ là phép an trú dễ thực hiện và đem lại nhiều ích lợi cho thân tâm chúng ta.
Chọn một con đường bằng phẳng, nơi có không gian ngoài trời và nhiều cây xanh để thực hành. Đi không cần để tới, đi chỉ là đi thôi, vừa đi vừa theo dõi hơi thở và ý thức từng bước chân. Không nghĩ đến tương lai hay quá khứ, không để ưu tư phiền muộn vây quanh, ta chỉ sống cho giây phút hiện tại mà thôi. Bạn hãy thử đồng điệu giữa hai – ba nhịp bước chân với một hơi thở vào – ra để cảm nhận năng lượng sống căng tràn buồng phổi, để bước chân in nét thảnh thơi và sự mãn nguyện trong tâm trí.
An trú bằng cách chuyển hoá và trị liệu trong cảm xúc
Trong cuốn sách “An lạc từng bước chân”, thiền sư Thích Nhất Hạnh mở rộng phép thực hành thiền định từ việc có mặt trong phút giây hiện tại thành việc hiện diện với cảm xúc để tự chữa lành cho bản thân. Theo tác giả, cần trải qua 5 bước chuyển hoá và trị liệu để giải thoát nỗi khổ đau.
Bước 1: Nhận diện cảm xúc khó chịu, giận dữ khi nó xuất hiện. Thoạt trông, có vẻ năng lượng tiêu cực này được khơi lên bởi một đối tượng, một sự việc bên ngoài. Kỳ thực, chúng xuất hiện từ tâm thức của chính chúng ta. Tuy nhiên, vì bạn đã biết chánh niệm cũng xuất phát từ tâm nên việc nhận diện giờ đây sẽ cởi mở hơn nhiều.
Bước 2: “Trở thành một” với chính cảm xúc khó chịu này. Đừng sợ, bạn đã biết nỗi sợ và chánh niệm đều trong tâm thức chúng ta, nên hãy nuôi dưỡng chánh niệm bằng hơi thở có ý thức. Luôn cho giữ chánh niệm thật mạnh mẽ để chuyển hoá cảm xúc tiêu cực của mình.
Bước 3: Làm êm dịu cảm xúc khó chịu, ôm trọn và vỗ về chúng. Dùng chánh niệm để chăm sóc cho những khổ đau. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết, hãy xem khổ đau như em bé đang quấy khóc mà dỗ dành chứ đừng xua đuổi.
Bước 4: Buông bỏ. Đây là để cảm xúc khó chịu trôi đi. Vì khi biết rằng bạn đủ khả năng chăm sóc nỗi sợ của mình, bạn đã giảm thiểu tổn thương đến mức tối thiểu. Để lúc này đây, bạn có thể mỉm cười và nói lời tạm biệt với chúng.
Bước 5: Nhìn sâu vào bên trong để thấy rõ nguyên nhân nào đã tạo ra nỗi bất an. Cần tập soi xét tận gốc rễ để thấy được bản chất của nỗi đau, nỗi sợ. Lúc đó, ta mới biết được mình cần làm gì và không làm gì để chuyển hoá cảm xúc này. Khi ấy, niềm an lạc thực sự mới đến.
“Chánh niệm như Mặt trời rọi ánh sáng lên mọi thứ. Mặt Trời có vẻ như không làm gì nhiều, thế mà cây cối được ánh sáng mặt trời chiếu soi là chuyển đổi không ngừng”. Chánh niệm của ta cũng vậy, nếu được nuôi dưỡng thường xuyên, sẽ soi thấu vào tổn thương ẩn sâu, khiến chúng phải mở tung ra, để ta chữa lành, từ đó tìm được niềm an lạc trong từng phút giây.
>>> Bài viết liên quan: