Liệu chúng ta có mắc phải “hội chứng hang động” khi dịch bệnh đi qua?
Sau khoảng thời gian dài ở nhà và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn về phòng, chống dịch bệnh, chúng ta đang dần quen với việc ở nhà và xoay quanh “hang động” an toàn của chính mình. Đối với một số người, họ thậm chí cảm thấy áp lực khi phải bước ra khỏi nhà và tái hòa nhập cộng đồng sau khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ. Tiến sĩ tâm thần học Arthur Bregman gọi tình trạng này là "hội chứng hang động" (cave syndrome) - một thuật ngữ phi y tế ông đặt ra. Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho thấy, 48% người đã được tiêm ngừa Covid-19 cảm thấy không thoải mái khi quay lại tương tác trực tiếp với mọi người sau đại dịch. Vậy là thế nào để chúng ta thoát khỏi “hang động” của chính mình?
Hội chứng hang động là gì? Vì sao lại có hội chứng này?
Tiến sĩ tâm thần học Arthur Bregman định nghĩa hội chứng hang động là “hội chứng một người lo ngại về việc ra ngoài vì sợ sẽ nhiễm bệnh”. Theo ông, “việc các quan chức y tế Chính phủ liên tục thay đổi những thông tin về Covid-19 và các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cũng làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi từ mọi người. Chính vì thế, họ lựa chọn ở nhà ngay cả khi kết thúc giãn cách xã hội”.
Ông bắt đầu sử dụng thuật ngữ này vào đầu năm 2021, sau khi một số bệnh nhân của ông bày tỏ họ cảm thấy lo lắng khi phải ra khỏi nhà dù đã được tiêm chủng đầy đủ. Tiến sĩ Bregman cho biết, hội chứng hang động có nhiều mức độ khác nhau, từ những người ít tham gia vào các tương tác xã hội đến những người chọn hoàn toàn không ra ngoài.
Alan Teo, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho rằng, hội chứng hang động xuất hiện là do 3 yếu tố: thói quen, nhận thức rủi ro và kết nối xã hội. “Khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta phải học thói quen đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc hoặc giãn cách xã hội. Và rất khó để phá bỏ một thói quen một khi chúng ta đã hình thành nó”. Đặc biệt, mọi người thường tập trung vào nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong hơn là sự cô đơn và mất kết nối xã hội. Đây cũng là lý do hội chứng hang động ngày càng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Tìm can đảm để rời khỏi “hang động”
Khi nhận thấy bệnh nhân sợ hãi khi rời khỏi nhà, tiến sĩ Bregman đã hướng dẫn họ thực hành hệ thống MAV - chánh niệm (mindfulness), thái độ (attitude) và tầm nhìn (vision) mà ông đã phát triển trong năm 2021.
Theo tiến sĩ Bregman, để rời khỏi “hang động”, bước đầu tiên là lưu tâm đến những gì đang cản trở chúng ta ra ngoài và tập trung thu hẹp chúng. Sau khi xác định được điều đang khiến chúng ta lo lắng, hãy phát triển một thái độ, suy nghĩ tích cực và tin rằng những điều tốt đẹp có thể xảy ra khi chúng ta ra khỏi nhà. Tiến sĩ Bregman lưu ý rằng, một cách tuyệt vời để phát triển sự tích cực là tưởng tượng tất cả các hoạt động tuyệt vời mà chúng ta đã tham gia trước khi đại dịch xảy ra, chẳng hạn như ăn uống với bạn bè hoặc đi mua sắm.
Bước cuối cùng là hình dung mục tiêu của chúng ta và những gì chúng ta có thể hoàn thành sau khi rời khỏi “hang động” của mình. Tiến sĩ Bregman khuyên mọi người nên thực hành hệ thống này càng sớm thì càng tốt, bởi “những người ở trong hang càng lâu thì càng khó ra khỏi hang”.
Bước đầu có thể có đôi chút miễn cưỡng: Hành trình tập quen lại từ đầu
Phó giáo sư Alan Teo chia sẻ: “Cảm giác lo sợ khi trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian giãn cách xã hội là bình thường và không cần quá lo lắng về nó”. Tuy nhiên, vì hội chứng này hình thành do thói quen, nhiều người sẽ cần thời gian để thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những cách thích nghi với cuộc sống "bình thường mới"
Theo NBC News, chúng ta không cần ép bản thân trở lại ngay với các hoạt động có sự tiếp xúc với nhiều người, hãy chọn cho mình một việc làm yêu thích và tự làm một mình hoặc với một vài người quen. Chẳng hạn như đi bộ đường dài, uống cà phê với một người bạn và lặp lại các hoạt động này vài lần cho đến khi chúng ta cảm thấy thoải mái.
Hội chứng hang động không phải là một chẩn đoán chính thức và cần phải trải qua một quy trình phê duyệt chính thức trước khi được đưa vào Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần (DSM). Nhưng vẫn có những trường hợp hội chứng này trở nên nghiêm trọng về mặt lâm sàng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Vì vậy, nếu không thể rời khỏi nhà và tiếp tục cuộc sống bình thường, tiến sĩ Bregman khuyên chúng ta nên tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.
Chiến lược đối mặt với nỗi sợ hãi
Theo phó giáo sư Alan Teo, một phương pháp có thể giúp chúng ta thoát khỏi “hang động” của mình là so sánh dưới thay vì so sánh trên. Chúng ta có thể so sánh bản thân với những người ít giao tiếp xã hội hơn vì “sự so sánh dưới sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân”, Alan Teo cho biết.
Một số so sánh dưới có ảnh hưởng tích cực lên cảm xúc, tinh thần và khuyến khích chúng ta giao tiếp xã hội nhiều hơn. Ngược lại, khi chúng ta bắt đầu so sánh với những người đã ra ngoài và đi chơi hàng đêm, chúng ta có thể cảm thấy tồi tệ về bản thân. Phó giáo sư Teo khuyên chúng ta “không nên để bản thân áp lực về nhịp sống của ai khác”. Một số người sống nội tâm và cảm thấy kiệt sức sau một thời gian dài tiếp xúc với xã hội, điều này theo ông là hoàn toàn bình thường.
Ông cũng gợi ý mọi người nên thử một cách tiếp cận dựa trên hành vi được gọi là phòng ngừa phơi nhiễm và tiếp xúc (ERP). Đây là một chiến lược lâm sàng, giúp chúng ta dần dần bộc lộ bản thân với nỗi sợ hãi, trong trường hợp này là tương tác xã hội. Một cách dễ dàng để thực hành phương pháp này là tưởng tượng chúng ta đang leo lên một cái thang. Đối với “nấc thang” đầu tiên, chúng ta có thể thử đi dạo với một người bạn; đối với “nấc thang” cao hơn, chúng ta có thể cùng đi xem phim với một nhóm bạn đông người hơn hoặc đi dự tiệc. Tương tự như việc dành nhiều thời gian ở nhà, việc ra ngoài và tái hòa nhập xã hội cũng cần thời gian để thích nghi và luyện tập.
Dẫu biết dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, song việc ở nhà quá lâu không chỉ khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tinh thần và thể chất. Hãy cùng luyện tập các gợi ý trên để thoát khỏi “hang động” của chính mình nhé!
>>> Tham khảo thêm: