Kiểm soát cơn giận thông minh và những bài học từ cơn thịnh nộ
Từ nhỏ, chúng ta được học cách để kiểm soát những cảm xúc thịnh nộ, những cơn nóng giận bất ngờ ập đến. Nhưng giữa cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, đôi khi việc giải phóng những năng lượng tiêu cực còn cần thiết hơn là kiểm soát chúng. Vậy bạn đã biết đến “tuyệt chiêu” để nổi giận đúng cách chưa?
Những điều chúng ta cần biết về cơn giận
Trước tiên, ta cần hiểu cảm xúc tiêu cực dẫn đến sự tức giận là gì. Cảm xúc tiêu cực có nhiều loại – trong đó có sự tức giận – một phản ứng tự nhiên mang tính bản năng của con người đối với các mối đe dọa hoặc các tình huống không như ý… Sự tức giận là một cách để ta bộc lộ cảm xúc tiêu cực ra ngoài, thế nhưng trong một số trường hợp, những cơn tức giận thiếu kiểm soát sẽ đem đến tác hại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, đồng thời có nguy cơ dẫn đến sự bất hòa trong mối quan hệ cùng những người thân xung quanh.
Để đánh giá một sự tức giận là tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố - trong đó quan trọng nhất là cách ta thể hiện và xử lý “hậu trường” sự nóng giận. Nếu nổi giận đúng cách, ta có thể vừa giải quyết được những cảm xúc tiêu cực tồn đọng, vừa giải quyết được vấn đề. Và đó là lý do mà chúng ta cần có “cẩm nang thịnh nộ” để nổi giận đúng cách.
Khi nhìn nhận về những cơn giận, các nhà tâm lý học xã hội và các chuyên gia sức khỏe tâm thần nhận thấy rằng sự tức giận cũng mang những phẩm chất có lợi, chẳng hạn như mang lại lợi ích tích cực cho việc cải thiện bản thân, giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Khi được trải nghiệm và chấp nhận ở mức độ nhẹ đến trung bình, sự tức giận có thể giúp chúng ta tiến về phía trước một cách tích cực.
Liệu pháp nổi giận là gì?
Mặc dù các nghiên cứu về liệu pháp thịnh nộ còn cần phải được tìm hiểu thêm, song ngày càng có nhiều biện pháp can thiệp tập trung vào việc giải tỏa những sự tức giận của chúng ta. Tiến sĩ Sheri Jacobson, giám đốc lâm sàng và người sáng lập Harley Therapy cho biết rằng: “Nhiều tình trạng sức khỏe tinh thần bắt nguồn từ những cảm xúc không được thể hiện. Nếu chúng ta không dành không gian cho những cảm xúc này, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn về tâm lý. Trong khi ngược lại, nếu chúng ta có thể giải phóng những cảm xúc đó theo những cách an toàn, thì chúng ta có thể xoa dịu chúng, giống như cách làm dịu đi những vết ngứa để ngăn chúng trở nên khó chịu hơn”.
Tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng những sự thay đổi liên tục khiến chúng ta – dù có bình tĩnh đến mấy – cũng dễ dàng cảm thấy tức giận bởi các yếu tố từ ngoại cảnh đến tự thân. Đó là lý do mà vì sao giờ đây ta cần nghiêm túc tìm ra một liệu pháp nổi giận an toàn – hiệu quả và đúng cách.
>>> Có thể bạn quan tâm: 4 bước đánh tan cơn giận hiệu quả mà không phải ai cũng biết
Gói gọn sự thịnh nộ bên trong một căn phòng
Ông bà ta vẫn thường dặn “giận quá mất khôn”. Để tránh “mất khôn”, khi giận quá – hãy gói gọn sự thịnh nộ ấy trong một căn phòng thay vì trút lên ai khác. Hít thở sâu, la hét trong căn phòng, ném gối, đi tắm dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng thư giãn… Những cách giải tỏa tức thời này này sẽ giúp chúng ta bình tĩnh được trong một thời gian ngắn. Hãy hiểu rằng cơn giận chỉ mang tính bộc phát và thời điểm.
Tập đếm
Tưởng rằng tập đếm chỉ là trò chơi cho trẻ con, nhưng đây lại là cách kiềm chế hiệu quả. Đếm ngược từ 10 đến 1 rồi lại đếm xuôi từ 1 đến 10. Nếu chúng ta thực sự tức giận, hãy bắt đầu với con số 100. Trong thời gian cần thiết để đếm, nhịp tim của ta sẽ chậm lại và cơn tức giận có thể sẽ giảm dần. Một phương pháp “đánh lừa” cơn giận để tìm đến sự bình tĩnh nhanh chóng.
>>> Đừng bỏ lỡ: Vì sao nói kỹ năng quản lý cảm xúc là vô cùng quan trọng?
Quản lý nhịp thở
Hơi thở của chúng ta trở nên nông hơn và tăng tốc khi ta tức giận. Đảo ngược xu hướng đó (và sự tức giận của bản thân) bằng cách hít thở chậm, sâu từ mũi và thở ra bằng miệng trong vài phút. Chỉ sau vài phút hít thở, chúng ta sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
>>> Xem ngay: Bạn đã biết cách hít thở đúng hay chưa?
Đi dạo và vận động
Việc vận động có thể giúp làm dịu thần kinh của chúng ta và làm giảm sự tức giận. Đi dạo hoặc đạp xe không chỉ đốt calo mà còn “đốt cháy” cả cơn bốc hỏa của ta. Bất cứ thứ gì giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu huyết và nhịp thở đều tốt cho tinh thần và thể chất.
Thư giãn thể chất lẫn tinh thần
Những lúc này, việc ngồi xuống hít thở, vươn vai, xoay cổ, giãn cơ lại đem đến hiệu quả bất ngờ. Luyện tập thư giãn từng nhóm cơ một. Khi chúng ta căng cơ rồi lại thả lỏng, hãy thở chậm và điều chỉnh nhịp thở một cách có chủ đích.
Lặp đi lặp lại câu “thần chú” cho cơn giận
Tìm một từ hoặc cụm từ giúp bản thân bình tĩnh và tập trung lại. Hãy lặp đi lặp lại từ đó với bản thân khi cơn giận đang ở mức báo động ví dụ như: “Hãy bình tĩnh”, “hít thở nào”, “cơn giận rồi sẽ qua nhanh thôi”.
Ta học thêm được điều gì qua những cơn giận?
Việc giải tỏa năng lượng tiêu cực của cơn giận đem lại một số lợi ích nhất định. Sự tức giận có thể xuất phát từ cảm giác bất lực và thiếu kiểm soát tình huống. Tìm cách xoa dịu cơn tức giận, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể giúp chúng ta cảm thấy như đang tìm lại cảm xúc của mình. Kết quả là ta có thể cảm thấy được trút đi gánh nặng và sự phiền não từ những cơn giận nhiều hơn, cũng như sẵn sàng giải quyết tình huống này một lần nữa trong tâm trí bình tĩnh và hoàn toàn tỉnh táo. Thêm vào đó, xã hội không phải lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận những cơn nóng giận từ chúng ta, việc tự trút bỏ cơn giận một cách kín đáo cũng giúp ta xả đi năng lượng tiêu cực một cách chủ động an toàn thay vì trút giận lên ai đó hoặc châm ngòi cho một cuộc bất hòa lớn hơn sắp đến.
Giận dữ là một cảm xúc bình thường mà mọi người đều có thể trải qua trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu thấy cơn tức giận của mình chuyển sang những biểu hiện tiêu cực như gây hấn hoặc bộc phát, bạn cần tìm những cách lành mạnh để giải quyết cơn giận. Nếu những mẹo này không hữu ích và ta cần những phương pháp mạnh hơn để giải tỏa cơn giận, hoặc khi ta cảm thấy khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc… đây là dấu hiệu cảnh báo cho việc cần tìm đến chuyên gia để có một hướng giải quyết phù hợp. Bởi lẽ, các yếu tố tiềm ẩn từ những cơn giận có thể là cảnh báo cho những vấn đề khác nghiêm trọng hơn về sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
>>> Xem thêm: