Dọn dẹp tâm trí để an vui mà sống
Trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là ở giai đoạn hậu giãn cách của đại dịch COVID-19, mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với hàng loạt áp lực, khó khăn trong công việc và cuộc sống. Nếu không giải phóng kịp thời, những cảm xúc tiêu cực này sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng bế tắc, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Cùng Prudential tìm hiểu những cách thức để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực để cân bằng cơ thể - tâm trí hiệu quả!
Tác động trực tiếp vào cơ thể
Cơ thể và tâm trí có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, những năng lượng tiêu cực khi tồn đọng trong tâm trí sẽ khiến chúng ta luôn cảm thấy thấy uể oải và nặng nề.
Một trong những phương pháp để giải phóng năng lượng tiêu cực là tác động trực tiếp vào cơ thể. Những hoạt động như tập thể thao, chạy bộ, vận động nhẹ,... sẽ khiến hormone endorphin - một trong những hormone hạnh phúc được tiết ra, giúp giảm căng thẳng và tăng cảm giác tích cực. Song song đó, các chất độc và hormone căng thẳng (ví dụ như cortisol) cũng sẽ thoát ra theo mồ hôi sau khi tập luyện.
Giải phóng cảm xúc tiêu cực
Để giải phóng cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể tìm đến một người bạn đáng tin cậy để chia sẻ những suy nghĩ và vấn đề của mình. Những cuộc trò chuyện riêng tư, gần gũi sẽ giúp chúng ta thông suốt phần nào và giảm bớt những cảm xúc tiêu cực.
Bên cạnh đó, viết ra những suy nghĩ của bản thân vốn được xem là phương pháp điều trị tinh thần rất hiệu quả. Viết lách giúp chúng ta sắp xếp lại suy nghĩ, hiểu được cảm xúc của mình và quan sát những điều trước đây chúng ta chưa nhận thức được. Ngoài ra, để cảm xúc được bộc lộ ra bên ngoài, chúng ta cũng cần cho phép bản thân được khóc và nghỉ ngơi khi cần thiết.
>>> Có thể bạn quan tâm: Đối thoại để tìm thấy lối ra cho những cảm xúc bị dồn nén
Gia tăng cảm xúc tích cực
Nếu muốn cuộc sống nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn, chúng ta cần hòa mình với những cảm xúc tích cực. Chúng ta có thể gia tăng cảm xúc tích cực bằng nhiều cách như: đi du lịch, chơi với thú cưng, kết nối với mọi người,... Ngoài ra, để trau dồi sức khỏe tâm lý và cải thiện cảm xúc, chúng ta cần học chăm sóc bản thân bằng cách rèn luyện thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động và làm việc khoa học.
Chấp nhận cảm xúc
Những cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, đau khổ, chán nản,... thường không cho chúng ta cảm giác tốt và thoải mái, vì vậy nhiều người thường có xu hướng né tránh chúng. Tuy nhiên, cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Thay vì né tránh hoặc chối bỏ cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể dành thời gian làm bạn, học cách sống chung, chấp nhận và hiểu lấy giá trị của cảm xúc này. Việc chấp nhận cảm xúc đang có và quan sát chính mình giúp những cảm xúc tiêu cực dần qua đi và không còn tác động nhiều đến tâm trí chúng ta.
>>> Thông tin thêm: 7 sự thật về cảm xúc của con người sẽ khiến bạn bất ngờ
Một trong những cách hiệu quả để chấp nhận cảm xúc là thực hành chánh niệm (mindfulness). Chánh niệm cho phép chúng ta kết nối với bản thân và nhận thức được trạng thái cảm xúc hiện tại của mình, sau đó điều chỉnh cảm xúc cân bằng trở lại.
Thay đổi góc nhìn
Luôn có nhiều hơn một góc nhìn cho mỗi hoàn cảnh và luôn có nhiều hơn một điều tốt đẹp trong mọi vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Những lúc khó khăn, hãy tự hỏi bản thân có thể học được điều gì từ kinh nghiệm này hoặc chúng ta có thể làm gì để thay đổi mọi việc tốt hơn. Khi nhìn nhận mọi việc với lăng kính đa chiều, chúng ta sẽ luôn tràn đầy năng lượng tích cực.
Một trong những cách thay đổi tư duy là thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những lời khẳng định tích cực. Mỗi lần nhận thấy bản thân suy nghĩ thiếu lạc quan, hãy cố gắng sửa lại cho tích cực. Điều này có thể khó khăn lúc đầu, nhưng sẽ mang lại kết quả nếu chúng ta liên tục rèn luyện.
>>> Bài viết có liên quan: Bỏ túi những quy luật vàng thay đổi cuộc sống mà bạn không nên bỏ lỡ
Tạm gác cảm xúc qua một bên
Nếu cảm xúc tiêu cực đang ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, cuộc sống và những mối quan hệ, chúng ta có thể viết mọi cảm xúc ra giấy và tạm gác chúng qua một bên. Sau đó, tập trung chăm sóc cảm xúc của mình bằng cách dành 20 – 60 phút tham gia các hoạt động lành mạnh như: yoga, đi bộ, thiền định, thể thao, viết nhật ký, đọc sách, nấu ăn,… hoặc bất kỳ hoạt động nào khiến chúng ta yêu thích.
Trên đây là những cách chuyển hóa cảm xúc để cơ thể và tâm trí chúng ta được cân bằng hiệu quả. Prudential tin rằng, việc thực hành chuyển hoá cảm xúc đều đặn sẽ giúp cuộc sống của chúng ta chất lượng, khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn.