Đối thoại hay cách tìm lối ra cho những cảm xúc dồn nén
Đối thoại là một trong hai kiểu giao tiếp ngôn từ cơ bản của loài người, bên cạnh độc thoại. Vậy nhưng, với một số người, việc cất lên tiếng nói từ nội tâm không hề dễ dàng. Những tâm sự dồn nén không được giải bày trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một người, thậm chí dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ khoảng 40 giây lại có một người chết vì tự tử trên thế giới. Trong hai năm qua, tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng đến 3 - 5 lần. Đặc biệt, nhóm người trong độ tuổi 11 - 17 có tỉ lệ tự tử cao nhất[1]. Theo kết quả điều tra mới nhất do Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện vào năm 2020 trên 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17, có 11% em cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua.[2]
Dịch COVID-19 đã góp phần làm trầm trọng thêm những xung đột nội tại và khiến tình hình xấu đi hơn bao giờ hết. Phần lớn những người đi đến quyết định dại dột đã trải qua một thời gian dài vật lộn với những cảm xúc dồn nén trong cô đơn. Chúng ta có thể góp phần giảm bớt những sự “ra đi” đầy đáng tiếc này bằng phương pháp đối thoại.
Nếu im lặng khiến người với người hiểu lầm và xa cách, thì đối thoại lại giúp chúng ta hiểu nhau hơn và cùng tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, đối thoại thì không dễ dàng như giữ im lặng. Để có thể cất lên “tiếng lòng” dễ dàng hơn, hãy thử những cách sau.
Chọn một người có thể tin tưởng
Việc đầu tiên cần làm khi chuẩn bị thổ lộ những tâm sự chất chứa bấy lâu chính là tìm kiếm đối tượng mà ta tin tưởng nhất. Đó chính là người mà chúng ta có cảm giác an toàn khi ở bên. Người đó có thể lặng im, chăm chú nghe ta tâm sự mà không phán xét gì hết. Điều này sẽ tạo nên không gian thoải mái để ta dễ bộc bạch nỗi lòng, cũng như thúc đẩy sự tự tin để tâm sự nhiều hơn những điều ta vốn định nói.
Bối cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến nội dung của buổi đối thoại. Vì vậy, hãy sắp xếp địa điểm sao cho bản thân cảm thấy quen thuộc, thoải mái, an toàn và ít bị xao nhãng. Đó có thể là phòng ngủ, một quán café riêng tư hay một góc yên tĩnh trong công viên gần nhà. Đừng quên tắt các thiết bị điện tử để cuộc đối thoại mà chúng ta cố công chuẩn bị không bị gián đoạn đột ngột.
Học cách gạt bỏ sự ngại ngần khi cần giúp đỡ
Một người dù mạnh mẽ đến đâu chăng nữa cũng cần những sự giúp đỡ để có thể bước đi vững chãi trên suốt hành trình của cuộc đời. Vì vậy, không có gì đáng xấu hổ khi chúng ta có nhu cầu cầu cần được giúp đỡ trước những khó khăn. Hãy dũng cảm gạt qua sự tự ti, ngại ngần và liên hệ với người có thể hỗ trợ chúng ta theo cách mà ta cần họ.
Tận dụng ngôn ngữ phi ngôn ngữ
Trong suốt buổi đối thoại, chúng ta có thể tận dụng những cách giao tiếp không cần lời nói như ngôn ngữ cơ thể, giảm khoảng cách giữa các cá nhân khi giao tiếp, sự lên xuống của giọng nói hay những cái ôm, nắm tay… Thông qua những hoạt động này, chúng ta có thể truyền tải chính xác cảm xúc của mình đến người đối diện, từ đó dễ dàng tìm được sự đồng cảm hơn nữa.
Viết hoặc bày tỏ qua các hình thức nghệ thuật
Nếu vẫn còn ngại ngần vì không tự tin về khả năng diễn đạt qua lời nói của mình, chúng ta có thể thử bày tỏ qua những bức thư hay một bài hát, một bức tranh... Điều này giúp ta có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung và tình cảm muốn truyền đạt. Dù là viết, vẽ, hát, nhảy hay đàn… hãy mạnh dạn bày tỏ thay vì để những cảm xúc dồn nén vào trong và gặm nhấm bản thân ta qua từng ngày.
Những gợi ý trên đây không chỉ hữu ích cho chính bạn mà còn có thể là điều mà người thân yêu của bạn đang tìm kiếm. Vì vậy, hãy chia sẻ bài viết này đến những người thân yêu để giúp họ dễ dàng thổ lộ nỗi lòng hơn. Hãy đối thoại khi còn có thể, vì mình và vì những người thâ
[1] https://tuoitre.vn/dung-chi-danh-gia-kha-nang-tu-tu-cua-nguoi-tre-20220504194520589.htm
[2] https://baotintuc.vn/xa-hoi/ty-le-tu-sat-trong-thanh-thieu-nien-ngay-cang-gia-tang-20220426105726598.htm
>>> Xem thêm: