Để không còn khó xử khi cho vay tiền
Shakespeare đã viết: “For loan oft loses both itself and friend” (Cho vay mất cả tiền lẫn bạn). Dẫu biết rõ điều đó, tình huống một người thân hay bạn bè hỏi vay tiền vẫn xuất hiện ít nhất một lần trong đời chúng ta. Bên cạnh những người hỏi vay với lý do không chính đáng, vẫn có những người vay tiền vì gặp khó khăn thật sự và thật khó để chúng ta nói lời từ chối họ. Tuy nhiên, cảm giác không thoải mái khi cho vay vẫn luôn thường trực.
Chúng ta cần làm gì để “giải phóng” mình khỏi những cảm giác lúng túng, khó xử khi bị hỏi vay tiền? Làm thế nào để trở thành một người cho vay “thông minh”? Hãy cùng tìm hiểu qua những gợi ý từ bài viết dưới đây.
“Vùng cấm” trong những mối quan hệ
Theo một khảo sát vào năm 2019 được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, với những khoản chi tầm 400 đô la Mỹ mà không có sẵn tiền ngay lập tức, đa phần người tham gia khảo sát sẽ chọn quẹt thẻ tín dụng, tiếp theo là hỏi vay bạn bè hoặc người thân. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có thể thấy tình hình dịch bệnh phức tạp khiến tài chính cá nhân eo hẹp trong hai năm qua càng thúc đẩy số người muốn vay tiền người thân tăng nhiều hơn so với trước đây.
Dĩ nhiên, người được chúng ta đồng ý cho vay phải là những người có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hỏi vay tiền đã đụng chạm đến “vùng cấm” trong các mối quan hệ. “Khi bạn cho ai đó vay tiền, họ sẽ mắc nợ bạn dù có muốn thừa nhận hay không. Và đột nhiên, bạn trở thành người ở “chiếu trên”.” – Maggie Baker, nhà tâm lý học và trị liệu tài chính tại Pennsylvania, cho biết. Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong một mối quan hệ vốn đã từng thân thiết, tin cậy và bình đẳng trước đó. Từ đó, dẫn tới những cảm xúc phức tạp như xấu hổ, bối rối, khó xử hay thậm chí là tức giận ngấm ngầm cho cả hai phía.
>>> Tham khảo thêm: Cải thiện mối quan hệ chỉ với những hành động cực đơn giản
Người cho vay còn có những mối bận tâm khác như thời gian được hoàn trả khoản vay, băn khoăn liệu quyết định cho vay có ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính cá nhân cũng như lo lắng mối quan hệ “chủ nợ - con nợ” sẽ tạo nên khoảng cách với người thân… Chính vì vậy, để vượt qua tình huống khó xử này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách trao đổi rõ ràng và xác định những kỳ vọng từ trước khi cho vay sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những khó chịu không đáng có khi hỗ trợ người thân trong chuyện tiền bạc.
Trở thành người cho vay thông minh
Minh bạch lý do vay tiền
Để tránh cảm giác như mình đang bị lợi dụng, việc đầu tiên trước khi quyết định cho vay là chúng ta cần biết rõ lý do vay tiền của người thân hay bạn bè. Việc quyết định cho vay ngay khi được hỏi mà không cần biết lý do có thể biến ta thành những người thiếu nguyên tắc trước những quyết định tài chính; hoặc dẫn đến việc người vay nghĩ rằng ta có nhiều tiền đến nỗi không cần bận tâm về khoản cho vay, từ đó họ có thể thiếu trách nhiệm hơn trong việc trả nợ.
Việc minh bạch hoàn cảnh cần vay tiền cũng phần nào gia tăng sự tin cậy ở người hỏi vay. Về phần lý do đó có chính đáng hay không thì sự suy xét nằm ở phía chúng ta. Nhưng hãy đảm bảo rằng chúng ta biết lý do là gì để từ đó xác định các bước tiếp theo trong quá trình cho vay.
Thỏa thuận mức cho vay phù hợp
Thực tế cho thấy, số tiền mà người vay đề xuất thường không phù hợp với điều kiện cho phép của chúng ta. Để xác định con số phù hợp, chúng ta cần cân nhắc nếu trong trường hợp không may mà khoản vay này không được hoàn trả, thì những ảnh hưởng mà nó gây ra có nằm trong mức ta có thể chấp nhận được hay không.
Một cô gái từng kể trên mạng xã hội Zhihu (Trung Quốc) câu chuyện của mình như sau: “Tôi vừa gặp lại đồng nghiệp cũ, cô ấy bị sẩy thai do phải chen chúc trên tàu điện ngầm mỗi ngày. Người này ngỏ ý vay tiền để mua ô tô. Bởi vì đã làm việc cùng nhau ba năm, quan hệ rất tốt nên tôi không nỡ từ chối. Cô ấy muốn vay 5.000 tệ nhưng tôi chỉ cho mượn 2.000 với suy nghĩ nếu người kia trả đúng hạn, đó coi như khoản tiết kiệm; còn nếu không trả lại như cam kết, tôi xem như đó là số tiền để mua một bài học.”
Cô gái trên cũng tiết lộ: “Tôi đã nói bản thân không có nhiều, chỉ có bấy nhiêu, nếu muốn thì hãy cầm lấy. Bằng cách này, tôi không những không làm tổn thương tình cảm mà còn giảm thiểu rủi ro. Đó là một cách tốt để đặt quyền lựa chọn vào tay đối phương để họ quyết định có tiếp tục vay hay không."
Cùng thống nhất kế hoạch trả nợ rõ ràng
Thông thường, khi cho người thân vay nợ, chúng ta không có những ràng buộc rõ ràng trong kế hoạch trả nợ. Và điều này có thể dẫn đến những lúng túng về sau cũng như ta dễ thất vọng nếu không được trả theo đúng kỳ vọng. Vì vậy, việc thống nhất kế hoạch trả nợ rõ ràng ngay từ đầu là rất cần thiết.
Theo J. Micheal Collins, giáo sư và giám đốc Trung tâm An toàn Tài chính tại Đại học Wiconsin, ngay cả khi không có hợp đồng vay nợ dạng văn bản, chúng ta vẫn nên đề ra kế hoạch trả nợ với các mốc thời gian cụ thể. Người hỏi vay cần biết chính xác thời gian để họ thanh toán dứt điểm số tiền vay. Hoặc nếu trong tình hình tài chính khó khăn hơn, đôi bên có thể thỏa thuận để trả theo từng tháng. Điều này sẽ giúp ta và đối phương tránh những suy nghĩ tiêu cực không đáng có.
Ví dụ, với khoảng vay 500 đô la Mỹ, Collins đề xuất chúng ta nói thẳng với người vay rằng: “Tôi biết bạn nhận lương vào ngày 15, nên bạn có thể trả lại tôi 500 đô vào ngày 17 được không? Hoặc nếu bạn muốn chia thành hai lần, bạn có thể trả tôi 250 đô vào ngày 15 và 250 đô còn lại vào ngày 30.”
Xác định kỳ vọng được trả nợ từ đầu để tránh thất vọng
Các chuyên gia tài chính nhấn mạnh rằng chúng ta cần xác định rõ mỗi trường hợp cho vay tiền là rất khác biệt, vì các mối quan hệ thân sơ khác nhau cũng như hoàn cảnh cá nhân của mỗi người là độc nhất. Nếu có những khoản vay mà ta rất tin tưởng sẽ được hoàn trả cuối cùng lại thành khoản “cho luôn” một cách bất đắc dĩ, thì lại có những trường hợp mà khoản tiền cho vay nên được xem như là món quà và không trông đợi gì thêm.
Ví dụ cho việc này, Baker chia sẻ, nếu người vay tiền là một người có “chỉ số uy tín” cao cũng như có nguồn thu nhập ổn định nhưng lại thình lình đối mặt với một tình huống bất trắc như tai nạn và họ cần giúp đỡ, thì chúng ta nên cho vay mà không kỳ vọng họ sẽ hoàn trả. Việc giúp đỡ một người thân đang gặp khó khăn sẽ mang lại sự thanh thản trong tâm hồn chúng ta cũng như không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ mà ta muốn duy trì.
Từ chối khéo những người vay có "lịch sử" nợ xấu
Dù thân thiết đến mức nào, các chuyên gia cho biết hãy tránh xa nếu người thân từng gặp rắc rối tài chính hỏi vay tiền. Chúng ta cần thận trọng trong những trường hợp này để bản thân không trở thành nơi mà ai cũng trông chờ hỗ trợ tài chính bất cứ khi nào họ cần – Brad Klontz, nhà tâm lý học tài chính và phó giáo sư tại Đại học Creighton, Nebraska cho biết.
Với những người có thói quen quản lý tài chính không khoa học và thiếu uy tín trong việc thanh toán những khoản nợ, chúng ta có thể từ chối khéo bằng những câu như: “Mình cũng đang kẹt tiền”, “Mình đang phải trả nợ mua nhà”, “Dạo này mình đầu tư nhiều quá nên không còn tiền rảnh rỗi nữa”… Hoặc chúng ta có thể nói rằng bản thân cũng đang khó khăn, nhưng chúng ta có thể “vay hộ” họ một ít từ người khác. Việc tạo ra những khó khăn này sẽ giúp tiền của chúng ta an toàn hơn, cũng như khiến đối phương không tiếp tục hỏi vay nữa nhưng vẫn sẽ dành cho ta sự biết ơn nhất định.
Tình huống người thân hỏi vay tiền thì muôn hình vạn trạng. Do đó, chúng ta cần dựa trên sự tỉnh táo và suy xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Để tìm ra “kim chỉ nam” trong tình huống cho người thân vay tiền, hãy thử tham khảo ý kiến của Collins: “Hãy thành thật khi tiền bạc chen vào một mối quan hệ thân thiết. Bạn cần phải vượt qua được điều cấm kỵ đó.”
>>> Tham khảo thêm: