Rau sạch là gì và cách để phân biệt với rau bẩn
Bữa ăn của người Việt thường đi kèm với nhiều loại rau được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Vì thế, khi có những vụ việc làm rau bẩn làm giả rau sạch, người tiêu dùng rất bức xúc và hoang mang. Trong bài viết này, Prudential sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về rau sạch và rau bẩn cũng như đưa ra các mẹo để phân biệt rau.
Rau sạch, hay rau an toàn, là gì?
Thực tế, nhiều người chọn mua rau sạch nhưng vẫn còn mơ hồ khái niệm về nó. Rau sạch (hay rau an toàn) là một thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm rau xanh, củ, hoa quả an toàn cho sức khỏe con người và lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tồn đọng trong quá trình sản xuất phải dưới mức tiêu chuẩn cho phép.
Để kiểm soát và quản lý nguồn rau sạch, khái niệm VietGAP được ra đời. Tiêu chuẩn VietGAP là viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices, được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản phẩm được chứng nhận chuẩn VietGAP sẽ được dán tem lên bao bì, giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ.
Ăn phải rau bẩn, nguy hại ra sao?
Rau bẩn là rau nhiễm các hóa chất độc hại do quá trình trồng trọt và canh tác không tuân thủ theo các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Do đó khi ăn phải rau bẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Một trong số những tình trạng phổ biến hiện nay đó là ăn phải rau bẩn có dư lượng thuốc trừ sâu cao. Điều này rất dễ dẫn đến các bệnh về thần kinh. Các chất hóa học có trong các loại thuốc này ảnh hưởng lớn hoặc thậm chí gây mất dần chức năng của não bộ.
Rau nhiễm chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học có thể khiến người ăn bị ngộ độc cấp tính cho cơ thể. Nếu phát hiện muộn và không chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó việc tưới rau trong quá trình vận chuyển bằng nguồn nước ô nhiễm cũng là nguyên nhân lớn gây nên các bệnh về vi sinh vật có hại như giun sán, ký sinh trùng,...
Ngoài ra, người ăn phải rau trồng từ nguồn đất bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng, dễ dàng dung nạp những kim loại này và cơ thể. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Tình trạng “rau bẩn” đội lốt “rau sạch VietGAP”
Gần đây, có một khối lượng lớn “rau bẩn” không rõ nguồn gốc được các Công ty chuyên phân phối nông sản tuồn vào các siêu thị và cửa hàng tiện lợi sau khi đã “phù phép” thành “rau sạch VietGAP” bằng tem nhãn mác giả. Từ đó rau bẩn ngang nhiên đủ tiêu chuẩn để trở thành rau sạch và phân phối cho người tiêu dùng.
Một vài mẹo nhỏ phân biệt rau sạch và rau bẩn
Để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng rau bẩn hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức vững vàng trong việc phân biệt rau sạch và rau bẩn. Prudential sẽ mách nhỏ một vài mẹo “nhỏ nhưng có võ” để các mẹ nội trợ có thể tự tin hơn trong việc chọn mua và chế biến thực phẩm cho gia đình nhé.
-
Về màu sắc, rau sạch sẽ có màu xanh hơi ngả vàng tự nhiên, còn rau bẩn sẽ có màu xanh đậm do sự biến chất từ các loại hóa chất tác động.
-
Về hình dáng, rau sạch có thân giòn, lá nhỏ chắc. Ngược lại rau bẩn có thân và lá to nhiều trông rất xum xuê, bởi vì rau được bơm thuốc kích thích tăng trưởng. Ngoài ra trên lá rau sạch còn có những lỗ nhỏ ti li cho sâu bọ để lại do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
-
Về mùi vị, rau sạch có hương vị đậm đà, ngọt giòn tự nhiên. Trong khi đó, rau bẩn nếu để ý kỹ sẽ có vị nhạt, hơi chát, khi chế biến trở nên héo úa.
-
Ngoài ra, rau sạch sẽ bảo quản được lâu hơn rất nhiều so với rau bẩn. Cụ thể bạn có thể giữ được 5-7 ngày so với rau sạch nếu để trong tủ lạnh, còn đối với rau bẩn chỉ là 2-3 ngày.
Ngoài ra, sơ chế, chế biến rau như thế nào để giữ được chất dinh dưỡng cũng là điều các mẹ nên lưu ý thật kỹ. Các mẹ nên rửa rau trực tiếp dưới vòi nước sạch hoặc có thể ngâm trong nước muối và sục rau bằng hoạt chất ozone.
Tổng kết
Trước tình hình rau sạch bẩn lẫn lộn trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng cần bình tĩnh và tỉnh táo lựa chọn những nguồn thực phẩm thực sự uy tín và chất lượng. Ngoài ra, các mẹ nội trợ nên nắm rõ cách thức phân biệt rau sạch, rau bẩn cũng như quy trình sơ chế rau an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
>>> Tham khảo thêm: