Nên uống nước ép hay dùng trái cây?
Việc dùng nước trái cây hiện nay không chỉ đơn thuần chỉ là giải khát mà còn là một cách tiện lợi và nhanh chóng giúp bổ sung các chất dinh dưỡng hằng ngày. Rất nhiều người hiện nay có thói quen dùng nước trái cây thay cho trái cây tươi. Thế nhưng, dưới góc độ khoa học thì việc làm này lại là một sai lầm lớn.
Trong bài viết này, hãy cùng Prudential tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: uống nước ép hay dùng trái cây tươi thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn nhé!
Nước trái cây – rất tiện lợi, song có thực sự bổ dưỡng?
Dùng nước ép trái cây là một trong những bí quyết làm đẹp thường được truyền tụng trên mạng với nhiều lý do tưởng chừng rất hợp lý như khi xay trái cây, rau củ thành nước thì bạn sẽ dễ dàng dùng được nhiều hơn, và tiện lợi hơn hẳn việc ăn trực tiếp.
Thử nghĩ xem, thật khó để ăn hết một trái dưa leo, hai trái táo, hai củ cà rốt và một thố rau chân vịt đúng không nào? Nhưng chỉ cần bỏ tất cả vào máy xay là bạn có thể dùng hết trong một lần. Nhờ vậy mà bạn sẽ hưởng được rất nhiều lợi ích từ việc dùng trái cây, rau củ như chống lại quá trình oxy hóa, trẻ lâu hơn, tiêu giảm mỡ thừa… bằng hỗn hợp tất cả các loại rau củ quả trên.
Nghe qua thì việc làm trên xem chừng rất có lý – tiết kiệm thời gian lại tiêu thụ được nhiều trái cây trong một lần. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng và các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng hành động này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu dài. Hay theo giáo sư dinh dưỡng học Popkin thuộc Đại học North Carolina (Hoa Kỳ), nước ép là “mối nguy hại mới”. Đó là bởi vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Nước trái cây không giúp bạn giảm cân
Naini Setavald, chuyên gia tư vấn về phong cách sống và béo phì hàng đầu nhận định rằng nước ép trái cây, dù tươi mới hay đóng hộp, đều không phải là món nên dùng nếu bạn có ý định muốn giảm cân. Nghe thật lạ đúng không? Vì chúng ta thường nghe nói việc trái cây có khả năng giúp giảm cân, vậy tại sao nước trái cây lại không?
Thật ra, trong trái cây tươi chứa rất nhiều chất xơ. Việc ăn nhiều trái cây sẽ tăng cường lượng chất xơ nạp vào cơ thể, mang lại cảm giác mau no. Từ đó, giúp người dùng ăn ít lại, từ đó gián tiếp giảm cân. Trong khi đó, nước ép trái cây tương đương với việc bạn loại bỏ hết hàm lượng chất xơ, chỉ để lại các nước, các vitamin và rất nhiều đường. Và điều này chỉ khiến bạn tăng hấp thụ đường vào cơ thể và vẫn không có cảm giác no.
Cụ thể: bạn khó có thể ăn hết một quả cam 250g chứa 9g đường đúng không nào? Nhưng bạn có thể uống hết một ly nước cam ép 350ml chứa đến 33g đường - kèm theo một bữa ăn hằng ngày – một cách dễ dàng! Vậy, khi uống nước trái cây, bạn hấp thụ đường nhiều hơn so với việc ăn quả tươi. Và chính lượng đường này là thủ phạm khiến bạn tăng cân không ngừng.
Không chỉ vậy, lượng đường nói trên có thể gây ra cơn bùng nổ năng lượng rồi lại tụt giảm nhanh chóng, khiến người uống mệt mỏi, lơ mơ và dễ cáu kỉnh.
Thứ hai: Nước trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Đáng ngại hơn, theo nghiên cứu từ nhóm các nhà khoa học Anh, Singapore và trường Y tế Công Harvard, việc ăn trái cây tươi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng uống nước ép lại làm tăng nguy cơ này. Mặc dù tiện lợi hơn, nhưng nước ép trái cây bị mất nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt là chất xơ sau khi qua quá trình chế biến. Chất xơ có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá và làm chậm quá trình hấp thu đường trong trái cây. Do đó, các nhà khoa học cho rằng đây là lí do nước ép làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cũng như có sự liên quan giữa lượng tiêu thụ nước ép lớn và bệnh béo phì ở trẻ em.
Chính bởi vì 2 lý do quan trọng đó, bạn nên nói không với ly nước ép chứa đầy đường nhưng hoàn toàn không có chất xơ. Trong trường hợp cần phải ép trái cây để uống, bạn không nên bỏ phần xơ mà nên dùng nó để chế biến các món ăn khác như làm bánh chẳng hạn. Ngoài ra, bạn nên dùng nước ép trong 24 giờ sau khi ép; hạn chế ép trái cây, nên ép rau củ để đạt được hiệu quả dinh dưỡng tốt nhất.
Prudential chúc bạn luôn khoẻ đẹp nhờ lựa chọn sáng suốt từ trái cây tươi!
>>> Xem thêm: