4 mặt trái không ngờ đến của những người có EQ cao
Trong thời đại này, trí tuệ cảm xúc (EQ) dần trở thành yếu tố lý tưởng để giúp một người thành công. Theo một khảo sát cho thấy rằng, 90% những người làm việc hiệu quả đều có EQ cao, với thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có rất nhiều người EQ cao mà vẫn chưa tiến xa được trong công việc.
Thật vậy, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc có EQ cao đôi khi cũng có thể cản trở chúng ta và bài viết sau đây sẽ giải đáp cho lý do đó.
1. Ít sáng tạo và khá khuôn khổ
Theo tiến sĩ tâm lý Tomas Chamorro-Premuzic ở Đại học London, những người có chỉ số EQ cao sẽ ít có khả năng tư duy sáng tạo, thường gặp hạn chế trong khả năng cải tiến, đổi mới cũng như đột phá. Điều này xuất phát từ đặc tính của một người có EQ cao, đó là dễ hòa nhập, bình tĩnh và thích nghi trước mọi tình huống.
Ngược lại, các cá nhân có tính đột phá trong suy nghĩ thường là những người có chút bốc đồng, có chút nghệ sĩ cũng như có những nguồn cảm hứng hay cảm xúc “lúc thăng lúc trầm” bất chợt. Theo đó, khi đặt người có EQ cao vào một tình huống nào đó, họ dễ dàng chấp nhận nó, còn đối với nhóm người sáng tạo thì không, họ buộc phải thay đổi nó bằng một cái mới mẻ hơn.
2. Khó đưa ra những phản hồi tiêu cực hay phàn nàn đổ lỗi
Người EQ cao là những người rất rắn rỏi về mặt cảm xúc, có xu hướng giữ bình tĩnh trước những áp lực và căng thẳng, biết cách giải quyết xung đột một cách khéo léo, luôn đưa ra các phản hồi tích cực trước những lời góp ý mang tính xây dựng và làm việc khá tốt với người khác. Có thể thấy, tưởng chừng như đây là một ưu điểm tuyệt vời nhưng thực ra lại là một bất lợi to đùng của những người có EQ cao.
Tại sao lại như vậy nhỉ? Bởi vì bản chất của người sở hữu EQ cao chính là rất dễ đồng cảm, họ sẽ tự kiểm soát bản thân cũng như làm “mềm mỏng” lời nói của mình hơn để tránh gây “sát thương” đến người khác. Song, điều này lại gián tiếp làm giảm đi phần nào việc xây dựng nên một lời góp ý hay đánh giá có giá trị cho người khác hơn.
3. Dễ bỏ lỡ những cơ hội mới
Người EQ cao luôn biết kiềm chế bản thân, không bấu víu vào những trải nghiệm tiêu cực hay gây ra sự bất an cho mình. Họ luôn biết tiết chế bản thân để từ chối những cuộc vui tự phát hay lời mời táo bạo nào đó nếu chúng ảnh hưởng đến những dự định cũng như mục tiêu mà họ đã đề ra từ trước. Chính vì việc luôn trung thành trong vùng an toàn của bản thân như vậy đã khiến họ bỏ qua vô vàn cơ hội và thử thách mới trong công việc hay cuộc sống.
>>> Tìm hiểu thêm: FOMO là gì và những điều bạn cần biết
4. Có xu hướng thao túng tâm lý người khác
Những người sở hữu chỉ số EQ cao không chỉ rất giỏi “nhìn thấu” cảm xúc của người khác, mà còn có thể giao tiếp tốt và truyền đạt mọi thông tin một cách hiệu quả - đây thường là một điểm tốt. Thế nhưng, nếu vượt quá giới hạn, người có EQ cao cũng có thể dễ dàng lôi kéo cảm xúc của đối phương, đỉnh điểm chính là việc thao túng tâm lý. Theo đó, rủi ro của việc lạm dụng hành vi này đó chính là phớt lờ hay phủ nhận các tranh luận mang tính logic và trao đổi.
Dựa vào những điểm này, chúng ta sẽ dễ thấy rõ mặt tối của những người có EQ cao đó là tạo ra những chiếc bẫy thao túng bằng lời nói lẫn hành vi cực kỳ thuyết phục, từ đó giúp họ nhanh chóng đạt được những mục tiêu hay ý định phi đạo đức nào đó mà không tốn một chút công sức nào.
Kết luận
Nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận rằng, những người có EQ cao sẽ dễ dàng hơn trong việc giao tiếp và nắm bắt cảm xúc đối phương, điều này cũng giúp ích rất nhiều trên con đường gặt hái thành công của họ. Tuy nhiên, bất kỳ đặc điểm nào cũng có mặt tốt lẫn mặt không tốt, EQ cao cũng vậy. Nếu biết khéo léo tận dụng và dung dưỡng cẩn thận, đó sẽ là một chất xúc tác hoàn hảo để chúng ta phát triển bản thân, trở nên hoàn thiện hơn, tiến xa hơn cũng như xây dựng được tính cách lẫn hình ảnh ấn tượng tích cực, mạnh mẽ hơn trong mắt mọi người xung quanh. Còn nếu không, thì nó sẽ giống như một vùng trũng, không thể giúp chúng ta tiến thêm, mà chỉ mãi đắm chìm mãi ở vị trí đấy thôi.
>>> Bài viết liên quan: