Trì hoãn là gì? Bí quyết tạm biệt tâm lý trì hoãn hiệu quả
Bạn đã bao giờ buông câu cửa miệng ‘để từ từ’ hay ‘để mai tính’ mỗi khi gặp chuyện khó khăn? Đây chính là biểu hiện của trì hoãn, một thói quen không hiếm gặp ở nhiều người trẻ hiện nay. Vậy trì hoãn là gì và nó tác động ra sao đến công việc cũng như cuộc sống của bạn? Hãy cùng khám phá trong bài viết dưới đây.
Trì hoãn là gì và các dấu hiệu nhận diện
Trì hoãn là một phản ứng thuộc hệ thần kinh của con người nhằm giải quyết những tầng cảm xúc tiêu cực như bất an, tự ti, chán nản… khi đối diện với những điều không chắc chắn hoặc không hứng thú ở tương lai. Nói một cách dễ hiểu hơn, trì hoãn là hành động dời lại một công việc, nhiệm vụ nào đó dù biết rõ rằng việc đó cần phải hoàn thành.
Dưới đây là dấu hiệu phổ biến chứng tỏ bạn đang thuộc ‘team trì hoãn’:
-
Bài tập chuẩn bị phải nộp tuần sau, nhưng bạn mới chỉ làm vài phần đầu và nghĩ rằng vẫn còn thời gian.
-
Ngày mai có cuộc họp quan trọng, nhưng tối nay bạn mới bắt đầu tổng hợp nội dung và làm báo cáo.
-
Bạn luôn đợi đến gần deadline mới bắt đầu thực hiện công việc, mặc dù biết rằng mình có thể làm sớm hơn cũng là một trong những biểu hiện của thói quen trì hoãn công việc.
-
Bạn muốn dành thời gian buổi tối để học thêm ngoại ngữ hoặc một môn học mới, nhưng đến 11 giờ đêm bạn vẫn mãi chìm đắm trên các trang mạng xã hội.
-
Bạn đã mua thảm yoga với ý định sẽ kiên trì tập luyện thể thao, nhưng đến hiện tại số lần bạn tập yoga với thảm là quá ít ỏi.
-
Bạn có lịch hẹn quan trọng vào lúc 6 giờ chiều, nhưng bạn phải đợi đến 5 giờ 30 mới vội vã chuẩn bị trang phục để đi cũng là biểu hiện của trì hoãn.
-
Một biểu hiện của thói quen trì hoãn công việc khác đó là tự biện minh cho việc trì hoãn, ví dụ như ‘Mai làm cũng được’, ‘Công việc này không gấp’, hoặc ‘Mình sẽ làm khi có đủ thời gian’.
*Có thể bạn quan tâm:
Vì sao người trụ cột trẻ tuổi thích trì hoãn?
Nguyệt Minh (32 tuổi) chia sẻ cô luôn đau đáu về câu chuyện ‘an cư’ của gia đình mình. Khi mới kết hôn vào 2 năm trước, Minh cũng từng đặt quyết tâm phải mua được ngôi nhà nhỏ. Thế nhưng vì những ưu tiên gần hơn cứ đột nhiên xuất hiện khiến Minh hết lần này đến lần khác ‘trùm mền’ tổ ấm trong mơ.
Minh hay nhiều bạn trẻ khác đang bị “kéo lại” phía sau bởi hiện tượng trì hoãn hay tâm lý ‘để từ từ’. Tâm lý trì hoãn này càng xuất hiện nhiều ở những người trụ cột trẻ tuổi hay những cặp đôi mới bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Họ ý thức về những tài sản hay cột mốc quý giá như sức khỏe lẫn tài chính trong bức tranh tổng thể của tương lai. Tuy nhiên, họ lại trì hoãn việc bảo vệ những tài sản ấy bởi cho rằng mình còn thời gian, mình chưa sẵn sàng, chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ vốn.
Giải thích cho biểu hiện trì hoãn trong trường hợp này, Tim Urban – biên tập của trang web Wait but Why đã hài hước chia sẻ rằng: Trong não của những người thuộc team trì hoãn xuất hiện thêm con khỉ hài lòng tức thì khiến bạn luôn phải bối rối khi đưa ra quyết định. Tại sao phải cắm cúi làm việc trong khi còn một tuần nữa mới đến deadline? Tại sao phải mua bảo hiểm trong khi bản thân còn trẻ, còn khỏe? Tất cả những gì con khỉ này quan tâm là tận hưởng hết cỡ khoảnh khắc hiện tại và bỏ qua những bài học trong quá khứ hay mặc kệ hậu quả trong tương lai.
Nguyên nhân nào dẫn đến tâm lý trì hoãn?
Những biểu hiện của trì hoãn trên có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
-
Thiếu tập trung và không hết mình với công việc.
-
Lười bắt đầu và thiếu quyết tâm thực hiện mục tiêu.
-
Nuông chiều bản thân quá mức, dễ buông thả khi cần làm việc.
-
Công việc khó khăn, quá nhàm chán hoặc căng thẳng.
-
Dễ bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài thay vì tập trung vào nhiệm vụ chính.
-
Cảm giác mệt mỏi, chán nản, thiếu kiên trì thực hiện kế hoạch đã đề ra.
-
Không biết bắt đầu công việc từ đâu và không chủ động tìm cách giải quyết.
-
Đánh giá sai về mức độ phức tạp hoặc thời gian cần thiết để hoàn thành công việc.
-
Tâm lý chủ quan, quá tự tin vào khả năng, thường để gần sát deadline mới bắt tay vào làm, gây lãng phí thời gian.
‘Bắt mạch’ 4 kiểu trì hoãn thường gặp hiện nay
Sau đây là những kiểu tâm lý trì hoãn phổ biến nhất hiện nay:
Trì hoãn lo âu
Theo Neil Fiore, tác giả cuốn ‘The Now Habit’, trì hoãn là một cơ chế đối phó với nỗi lo lắng khi bắt đầu hoặc hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ hay quyết định nào. Fiore cũng giải thích thêm, phần lớn những người trì hoãn lâm vào tình trạng có quá nhiều thứ phải làm trong khoảng thời gian eo hẹp, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Điều này khiến họ thường xuyên rơi vào tâm trạng hoang mang, căng thẳng. Theo đó, thói quen ‘để từ từ’ được xem là quân bài cứu nguy cho họ trước nỗi bất an này.
Trì hoãn ‘tránh nặng tìm nhẹ’
Tại sao phải làm hết sức cho nhiệm vụ khó khăn này, trong khi còn rất nhiều nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn cũng đang chờ chúng ta? Cũng vì tâm lý này mà não bộ sẽ có xu hướng ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ hay công việc đơn giản trước để né tránh sự căng thẳng, mệt mỏi. Kết quả, sau 7749 lượt lướt mạng xã hội, mua hàng online, trả lời tin nhắn, kiểm tra email,… thì nhiệm vụ khó xơi nhất vẫn còn y nguyên!
Trì hoãn ‘còn nhiều thời gian’
Một số người cho rằng thói quen ‘nước đến chân mới nhảy’ này sẽ giúp họ có thêm động lực để làm việc hiệu quả hơn. Thực tế, việc để deadline ‘rượt sát nút’ lại khiến hiệu quả công việc không như mong muốn, do chúng ta không đủ thời gian để rà soát lại chất lượng cuối cùng. Ngoài ra, bạn cũng khó trở tay nếu gặp vấn đề phát sinh vào phút cuối.
(*) Bên cạnh công việc, tâm lý trì hoãn do còn nhiều thời gian này xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống. Bạn hãy làm một phép thử như sau: Viết ra những dự định/ kế hoạch từ ngắn hạn đến dài hạn. Sau đó kiểm tra xem bạn đã bắt tay thực hiện những kế hoạch nào? Bạn sẽ không bất ngờ nếu những to-do-list không có deadline như ‘Dậy sớm lúc 5 giờ sáng tập thể dục, Chuyển sang chế độ ăn eat-clean để giảm cân…’ vẫn mãi nằm trên giấy.
Trì hoãn theo chủ nghĩa hoàn hảo
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn ám ảnh trước kết quả công việc cuối cùng. Do vậy, họ dễ rơi vào vòng xoáy sợ hãi về việc thất bại hay kết quả dưới mức kỳ vọng mà không thực sự bắt đầu. Thậm chí, một số người còn có xu hướng ‘đập đi xây lại’ vào phút cuối do chưa vừa ý, dẫn đến việc kế hoạch bị trễ thời hạn so với dự tính ban đầu.
Tác hại của thói quen trì hoãn ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Tâm lý trì hoãn không chỉ là một thói quen xấu mà còn có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với công việc, sức khỏe và cuộc sống cá nhân. Cụ thể là:
-
Giảm hiệu quả công việc và học tập: Sự trì hoãn sẽ khiến bạn không hoàn thành công việc đúng hạn, dẫn đến chất lượng công việc giảm sút và hiệu suất học tập không đạt được kết quả mong muốn. Công việc bị đẩy lùi và không được tổ chức tốt sẽ làm bạn luôn trong trạng thái vội vã và thiếu sót.
-
Căng thẳng và áp lực tâm lý gia tăng: Khi công việc hoặc bài vở chưa hoàn thành, tâm lý lo lắng, căng thẳng sẽ gia tăng. Cảm giác bị đè nặng bởi deadline và các nhiệm vụ chưa hoàn tất có thể dẫn đến trạng thái tinh thần không ổn định, khiến bạn luôn cảm thấy áp lực và bất an.
-
Gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Tình trạng trì hoãn kéo dài có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe như mất ngủ, đau đầu, lo âu hoặc các vấn đề về tim mạch do căng thẳng kéo dài. Stress mãn tính từ việc trì hoãn công việc có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
-
Mất cơ hội phát triển và tiến bộ trong tương lai: Sự trì hoãn khiến bạn không tận dụng được thời gian để học hỏi, cải thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Chưa kể khi trì hoãn, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng để tiến bộ, phát triển các kỹ năng cá nhân hoặc thăng tiến trong công việc.
Những lợi ích của việc từ bỏ thói quen trì hoãn
Tạm biệt sự trì hoãn không chỉ giúp bạn hoàn thành công việc, học tập hiệu quả mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe, sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Chẳng hạn như:
-
Nâng cao hiệu suất công việc: Đây là một trong những lợi ích của việc từ bỏ thói quen trì hoãn mà bạn không thể bỏ qua. Khi không trì hoãn, bạn có thể hoàn thành công việc đúng hạn, tăng hiệu quả công việc.
-
Giảm bớt lo âu và căng thẳng: Lợi ích của việc từ bỏ thói quen trì hoãn sẽ bạn hoàn thành công việc theo đúng thời gian. Từ đó bạn sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn, giảm sự lo lắng về các deadline.
-
Xây dựng thói quen tích cực: Từ bỏ thói quen trì hoãn công việc sẽ giúp bạn tạo xây dựng quy trình làm việc hiệu quả, quản lý thời gian tốt hơn và hình thành thói quen tự giác.
-
Cải thiện tâm lý và sự tự tin: Khi hoàn thành công việc hoặc bài vở/ luận văn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về bản thân và năng lực của mình.
Mách bạn bí quyết khắc phục tâm lý trì hoãn hiệu quả
Dù bạn thuộc kiểu người trì hoãn nào đi chăng nữa, vẫn luôn có cách để bạn khắc phục hiệu quả. ‘Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân’ và bạn hoàn toàn có thể thay đổi bản thân từ những điều nhỏ dưới đây để thoát khỏi sức ì của việc trì hoãn.
Phương pháp Bullet Journal
Bullet Journal được Ryder Carroll tạo ra để quản lý công việc hiệu quả bằng cách ghi chép hoặc phác họa các đầu việc bằng câu chữ ngắn gọn hoặc hình minh họa thú vị. Theo hướng dẫn từ Ryder, bạn có thể chia các đầu việc theo từng danh mục cụ thể như: Kế hoạch sắp tới (bao gồm các kế hoạch dài hạn như 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng), kế hoạch theo tháng, kế hoạch theo ngày. Với Bullet Journal, bạn sẽ kiểm soát được các công việc cần-làm và phải-làm, từ đó sắp xếp được các ưu tiên và hoàn thành công việc theo đúng hạn định.
Xác định ‘dòng chảy năng suất’ của bản thân
Thay vì bắt đầu công việc với tâm trạng uể oải, bạn hãy xác định thời điểm làm việc năng suất nhất trong ngày và ‘xắn tay áo’ hoàn thành nhiệm vụ ngay. Như vậy, bạn sẽ phát huy tối đa khả năng tập trung và sáng tạo, từ đó đủ khả năng để đánh bại tâm lý của sự trì hoãn.
Chinh phục từng phần nhỏ của mục tiêu lớn
Ăn hết một ổ bánh kem trong một lúc là quá sức với bạn? Nhưng nếu chia ổ bánh thành từng phần nhỏ, bạn hoàn toàn có thể xử gọn trong phút chốc. Do vậy, đôi khi cách tốt nhất để từ bỏ thói quen trì hoãn công việc là bạn hãy hoàn thành từng phần nhỏ trong mục tiêu tổng thể. Qua đó, bạn dễ đạt được tâm lý thoải mái khi chinh phục được một ‘thử thách’ và tiếp thêm động lực để sẵn sàng ‘chiến’ với những nhiệm vụ tiếp theo.
Luôn tự nhắc nhở bản thân về động lực phải thực hiện kế hoạch
Bất kỳ một kế hoạch nào cũng cần đến người bạn mang tên ‘động lực’ để thành công. Có thể nói, động lực chính là chìa khóa giúp bạn lên dây cót tinh thần tích cực, từ đó dẹp bỏ tâm lý để từ từ và hoàn thành mục tiêu.
Do vậy, để có thể thúc đẩy bản thân, bạn có thể nghĩ đến lý do tại sao mình bắt đầu. Chẳng hạn, việc lập kế hoạch tài chính cho gia đình từ sớm sẽ giúp bạn bảo vệ, xây dựng nền tảng cuộc sống tốt đẹp cho những người thân yêu. Thế nên khi thực hiện, bạn hãy nghĩ đến người thân như một động lực giúp bạn vượt qua tâm lý trì hoãn.
Tập trung vào ưu tiên hàng đầu mỗi ngày
Xác định những ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn – cả về cá nhân lẫn sự nghiệp. Stephen Covey gọi đây là nguyên tắc ‘Big Rocks’. Nếu bạn bắt đầu một ngày của mình mà không có kế hoạch, bạn sẽ cảm thấy mình thật bận rộn với việc lấp đầy những viên đá nhỏ (check mail, lướt web…), và chiếc bình của bạn sẽ không còn chỗ cho viên đá lớn nhất. Nói cách khác, nếu không xác định hạng mục ưu tiên, bạn dễ bị phân tâm bởi những việc lặt vặt và không còn thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng khác.
Đừng ngần ngại rút ngắn deadline
Tạm quên đi deadline thực tế và đặt ra một cột mốc sớm hơn hạn định sẽ giúp bạn tạo động lực cho bản thân và sớm thoát khỏi tâm lý trì hoãn. Đồng thời, giúp bạn biết cách sử dụng thời gian một cách hợp lý.
Tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành công việc
Một cách hiệu quả để khắc phục tâm lý trì hoãn là bạn hãy tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành một công việc. Những phần thưởng nhỏ như thưởng thức món ăn yêu thích, xem một bộ phim hay đi dạo, sẽ giúp bạn tạo động lực và cảm giác thành tựu. Từ đó thúc đẩy bạn ‘rời xa’ các biểu hiện của trì hoãn và hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. hiệu quả hơn.
Lập kế hoạch dự phòng để ‘nhẹ gánh’ áp lực khi đối mặt với rủi ro
Đôi lúc, việc lo sợ những rủi ro bất ngờ xảy ra khiến bạn nảy sinh tâm lý chần chừ và trì hoãn bắt tay thực hiện kế hoạch. Để đảm bảo có thể an tâm hoàn thành mục tiêu, bạn nên chuẩn bị các kế hoạch dự phòng, phòng khi có rủi ro xảy xa. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các sản phẩm bảo hiểm nhằm đảm bảo mọi kế hoạch được vận hành suôn sẻ mà không ngại khi có bất trắc xảy ra.
Đến đây hẳn là bạn đã hiểu được trì hoãn là gì và những tác hại của tâm lý này ảnh hưởng đến cuộc sống. Vật bạn có đang để tâm lý trì hoãn làm chậm bước tiến của mình? Nếu câu trả lời là ‘có’, hãy hành động ngay! Những bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả trên sẽ giúp bạn dứt bỏ thói quen trì hoãn, để sống một cuộc sống tích cực và năng suất hơn.
>>> Tham khảo thêm: