Sống chung hay riêng vẫn là gia đình
Lời giải đáp từ chuyên gia tâm lý

Sống chung hay riêng vẫn là gia đình

Nhiều người quan niệm, việc con cái sống chung hay riêng với bố mẹ khi trưởng thành không quyết định và thể hiện hết sự quan tâm, gắn kết hay tình cảm dành cho bậc sinh thành. 

Cách đây nhiều năm, khi nói đến khác biệt cuộc sống ở phương Đông và phương Tây, nhiều người thường lấy ví dụ về việc con cái sống gần gũi hay tách biệt với bố mẹ. Không ít chia sẻ cho rằng ở phương Tây, con cái đến 18 tuổi xách vali ra khỏi nhà rồi trở thành người dưng với cha mẹ.

Trong quan niệm của nhiều người, xã hội càng văn minh hiện đại, cái tôi càng được đề cao, các quyết định phần nhiều dựa trên lý trí thì sẽ thiếu vắng tình cảm.

Sự thật về các mô hình gia đình trên thế giới

Mô hình gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau thường được xem là đặc trưng truyền thống ở các nước châu Á. Đây là nét văn hóa phản ánh nền văn minh lúa nước và chứa đựng các giá trị tư tưởng, đạo lý từ hàng nghìn năm trước.

Theo đó, con cái khi đã trưởng thành sẽ phụng dưỡng, không rời xa cha mẹ. Điều này thậm chí còn được quy định trong các bộ luật thời phong kiến.

Riêng lối sống "rời nhà cha mẹ từ năm 18 tuổi" bắt đầu phổ biến và đặc trưng ở Mỹ từ những năm 1950-1960. Đây là thời kỳ vàng son của kinh tế Mỹ và bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ 2.

Gia đình đa thế hệ thường thấy ở các nước châu Á.

Trong mắt các nhà kinh tế học, người trẻ sớm có được khối tài sản riêng và độc lập tài chính là tín hiệu đáng mừng cho phát triển xã hội. Ngược lại, nhiều người trưởng thành sống nương nhờ cha mẹ là điềm báo một xã hội đang suy sụp.

Như vậy, thực chất vấn đề không phải sống chung hay riêng, mà là không "sống bám" vào cha mẹ. Cả văn hóa phương Đông truyền thống lẫn quan điểm phương Tây hiện đại đều cho rằng người trưởng thành cần tham gia đóng góp, con cái phải tự lập hoặc là điểm tựa cho cha mẹ.

Sống độc lập cần chuẩn bị những gì?

Tại Việt Nam, có 3 khởi đầu điển hình cho cuộc sống tự lập, xa gia đình: Sinh viên đi học, lập nghiệp, lập gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ vẫn thăm hỏi, cho lời khuyên hay tham gia vào các quyết định quan trọng của con cái như mua nhà, kết hôn... Không sống cận kề bên cha mẹ nhưng các thành viên vẫn có sự gắn kết, mà qua đó các bậc phụ huynh giữ vai trò quan sát, giúp đỡ, thậm chí quản lý từ xa.

Đến khoảng năm 2010 xuất hiện trào lưu "ra riêng", những người trẻ chưa lập gia đình, học tập và làm việc tại địa phương vẫn muốn thuê nhà, sống tách biệt với cha mẹ. Phần lớn người trẻ đưa ra quyết định này cho rằng đó là cách sống thuận lợi để phát triển cá nhân, tránh xa những xung đột do khác biệt thế hệ.

Theo số liệu điều của Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển thực hiện vào năm 2020 với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% sống riêng hai vợ chồng, 8,6% sống một mình, hơn một nửa sống một mình và có con cái cùng xã, phường. Đây được xem như một mô hình mới: Gia đình sống gần kề nhưng không ở chung. Nhờ đó, các thành viên vẫn có thể chăm sóc nhau mà không ảnh hưởng đến không gian cá nhân.

Người trẻ hướng đến gia đình nhỏ, tách biệt với bố mẹ không còn là hiện tượng tức thời, song lựa chọn ấy cũng yêu cầu cá nhân có những đánh đổi nhất định. Đổi lại sự độc lập, tự do là việc thiếu định hướng và bài học kinh nghiệm. Cuộc sống thoải mái, ít lo toan hoặc bị chi phối chính cũng đồng thời thiếu vắng các nguồn lực giúp đỡ. Việc ra riêng đòi hỏi cặp gia đình trẻ trả lời trực diện hai vấn đề lớn.

Về kinh tế, ngoài việc có sẵn nhà cửa, còn lại nếu đi thuê, trả góp... đều cần lộ trình và đảm bảo thu nhập. Giá cả một căn nhà ở các khu hành chính, thành phố lớn chênh lệch so với giá trị thực nhận, khiến việc rời bỏ một không gian rộng rãi, khang trang, gắn liền nhiều kỷ niệm là một rào cản.

Cách thức tổ chức gia đình cũng là khó khăn với người trẻ. Rất nhiều gia đình trẻ cố khẳng định mình bằng việc ra riêng, nhưng sau đó mới giật mình vì không thể thu vén mái ấm.

Việc không sống cùng cha mẹ của người trẻ đang trở thành xu hướng, tuy nhiên lối sống này cũng mang đến không ít vấn đề cần xử lý.

"Viện dưỡng lão" có phải sự bất hiếu?

Một trong những giải pháp khiến nhiều gia đình trẻ bối rối nhất là gợi ý cha mẹ vào viện dưỡng lão vì nhà ở thành phố nhỏ, không phù hợp như cuộc sống tại thôn quê và nếu để phụ huynh một mình thì không yên tâm về tình hình sức khoẻ. Tuy nhiên, trong quan niệm của không ít người, viện dưỡng lão là minh chứng cho sự... bất hiếu.

Vài thập kỷ trước, viện dưỡng lão không phải nơi lý tưởng cho người lớn tuổi, vì suy nghĩ về nơi này không hề giống bức tranh của sự viên mãn trong định nghĩa truyền thống.

Hạnh phúc gia đình theo quan niệm xưa là hình ảnh các bậc cao niên râu tóc bạc phơ bên đàn con cháu quây quần, không phải một căn phòng toàn ông lão, bà lão với nhân viên mặc đồng phục và thiết bị y tế.

Có ý kiến cho rằng tinh thần mới là điều cần thiết nhất đối với người lớn tuổi, vì nhu cầu vật chất như dinh dưỡng, quần áo, tiện nghi không còn nhiều. Họ cần người trò chuyện chứ không phải một nơi ở đắt tiền. Do đó, để lại cha mẹ già ở nơi xa lạ bị lên án là hành vi thoái thác trách nhiệm làm con.

Ở góc nhìn khác, cần nhìn nhận đúng sự khác biệt thể chất ở người lớn tuổi sẽ dẫn đến nhu cầu được chăm sóc đặc thù. Giống như trẻ nhỏ cần đưa đến lớp - môi trường giáo dục chuyên nghiệp để được nuôi dưỡng cả về tâm hồn lẫn thể xác.

Người lớn tuổi cần được theo dõi bởi các chuyên gia, để hiểu rõ các biến động về sức khỏe lẫn tinh thần. Một người mẹ thương con không có nghĩa phải bỏ việc để ở nhà chăm sóc, thì một người con có hiếu cũng không nhất thiết bỏ việc chỉ để trò chuyện với ông bà, cha mẹ. Thay vì mặc định điều gì tốt cho cha mẹ hay con cái, mọi người cần hiểu và chấp nhận nhu cầu của họ.

Gợi mở về chủ đề viện dưỡng lão hoặc các gói bảo hiểm dành cho người cao tuổi là một trong những giải pháp thiết thực cho các gia đình, nhưng lắm chông gai vì phải vượt qua định kiến xã hội. Khó để thuyết phục người lớn tuổi làm theo, tuy nhiên, các chủ đề này có thể giúp các thành viên lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của nhau.

Áp lực sinh con không chỉ đè lên vai người mẹ

Sống chung hay sống riêng với bố mẹ, việc có con cái luôn là chủ đề được quan tâm. Thông thường, sau khoảng một năm từ thời điểm kết hôn, câu hỏi “Có con chưa?” sẽ xuất hiện trong mỗi cuộc gặp mặt. Với xu thế “yêu lâu, cưới muộn” của người trẻ, việc sớm có con sau kết hôn trở thành nỗi lo vì quan niệm “sinh con sau 30 tuổi rủi ro cho cả mẹ và thai nhi”.

Không chỉ là gánh nặng của phụ nữ, quan niệm “cháu đích tôn” cũng tạo nỗi ám ảnh với những người đàn ông hiện đại. Giao thoa giữa lề lối văn hóa và tư tưởng hiện đại luôn đặt các cặp vợ chồng trẻ trong trạng thái căng thẳng khi nhắc về việc có con. Đặc biệt, những gia đình không muốn sinh càng dễ trở thành mục tiêu của sự chỉ trích.

Không thể lẩn tránh những câu hỏi, vợ chồng nên bàn bạc kỹ về kế hoạch sinh con, tốt nhất là trước cả khi chính thức kết hôn. Thống nhất về quan điểm có sinh con hay không, sinh trong giai đoạn đoạn nào... cần các cặp vợ chồng cần thực hiện sớm. Sau khi đã bàn bạc nội bộ, vợ chồng bắt đầu kế hoạch thuyết phục ba mẹ đôi bên, lắng nghe quan điểm của người lớn và từ tốn trình bày kế hoạch của hai người.

Sinh con là dấu mốc quan trọng, đòi hỏi mỗi cá nhân trong gia đình đều có sự chuẩn bị tâm thế kỹ càng để đón chờ một sinh linh với tất cả trái tim. Do đó, nếu dấu mốc ấy bị đẩy nhanh, những người trực tiếp liên quan có thể chới với, quan ngại.

Sống chung hay riêng là kết quả của những tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, sống hạnh phúc như một gia đình đến từ sự gắn kết tình thương giữa các thành viên. 

Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.