Bí quyết hâm nóng
cuộc hôn nhân nguội lạnh
Sau khi kết hôn được vài năm, đa số cặp vợ chồng phải đối mặt những khó khăn với nguy cơ đổ vỡ nếu không biết cách vượt qua.
Nguyên nhân dẫn đến giai đoạn nguội lạnh có thể bắt nguồn từ việc bỏ bê chuyện chăn gối, không còn đề cao sự tinh tế trong ứng xử, những bộn bề, lo toan ập đến... Tất cả có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như ngoại tình, ly thân… thậm chí “đường ai nấy đi”.
Tiến sĩ tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A chia sẻ: “Tôi từng đọc hàng trăm lời tâm sự từ nhiều cặp vợ chồng. Họ kể rằng bản thân cảm thấy hôn nhân không còn được mặn nồng như trước vì nhiều lý do. Có người kể: ‘Dạo gần đây tôi cảm thấy vợ không còn dịu dàng như trước. Chúng tôi xảy ra cãi vã từ những điều vụn vặt như treo khăn mặt ở đâu cho đúng’. Người khác lại nói: ‘Trong bữa ăn, chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào, ở nhà mỗi người một nơi, chuyện chăn gối cũng không còn quá hào hứng nữa’”.
Những hạt sạn gây thương tổn
Hãy tưởng tượng bạn và nửa kia ngồi ở 2 đầu chiếc bàn dài với một cái mũ nửa màu xanh, nửa màu đỏ đặt giữa. Từ góc nhìn của bạn, mũ có màu đỏ. Từ góc nhìn của đối phương, mũ lại màu xanh. Bạn không thể nhìn thấy màu xanh và bên kia cũng không thể nhìn thấy màu đỏ. Nếu được yêu cầu mô tả những gì bản thân thấy, câu trả lời của cả hai chắc chắn khác nhau. Khi cả hai đều cố chấp với cách nhìn của mình, tranh cãi xảy ra là tất yếu.
Tranh cãi thường xảy ra khi hôn nhân trải qua giai đoạn lãng mạn.
Trong khảo sát được thực hiện bởi một tạp chí gia đình ở Anh, trong 3 năm đầu hôn nhân, 67% cặp vợ chồng cho rằng những xung đột nhỏ rất dễ thương. Thậm chí, khi đối phương tỏ ra giận dỗi vô cớ, trong mắt người kia chỉ tràn ngập ánh mắt trìu mến. Tuy nhiên, 3 năm sau, họ không thể chấp nhận được chúng và mở rộng xung đột bằng những cuộc cãi vã không hồi kết. Họ dần cảm thấy ly hôn là giải thoát cho cả hai.
Một trong những lỗi sai thường gặp của các cặp đôi trẻ là bỏ qua các chi tiết nhỏ nhặt vì nghĩ bản thân đủ rộng lượng. Song, chúng ta chỉ cố kìm nén cảm xúc, còn sự khó chịu vẫn tồn tại. Nếu không xử lý kịp thời những khác biệt hay tìm cách đối thoại, tổn thương có thể khiến hôn nhân trở nên mệt mỏi, nặng nề.
Khi hẹn hò, đa số cặp đôi luôn ăn diện, trau chuốt bản thân thật lộng lẫy và hoàn hảo trong mắt nửa kia. “Đẹp khoe xấu che” là xu hướng bộc lộ tự nhiên của mỗi người. Giai đoạn yêu nhau mặn nồng, dù đối phương hỏi “sau này em xấu đi, anh có còn yêu em không?”, câu trả lời vẫn luôn là “có”.
Thế nhưng, không phải ai cũng nói trước được tương lai. Sau kết hôn, trong một cuộc phỏng vấn ngắn giấu mặt, người chồng nói: “Tôi rất yêu vợ mình, nhưng mỗi khi đi làm về, nhìn cô ấy xuề xòa, tóc tai rũ rượi, mặt nhợt nhạt, tôi cảm thấy mình chẳng còn hứng thú gì, kể cả chuyện phòng the. Tôi góp ý thì cô ấy cau có và trách tôi quên lời hứa năm xưa. Tôi rất ngại đưa cô ấy ra ngoài chơi khi ai cũng ăn mặc đẹp”.
Thật khó để buông lời trách móc cả hai. Ở đây, chúng ta chỉ nên đề cập đến một quan niệm cần suy xét: Sự an toàn có đồng nghĩa với xuề xòa, thả trôi?. Trong quá trình làm chồng, làm vợ, làm phụ huynh, chúng ta đã bỏ quên bản thân cũng như những gì mình từng thích và tin. Sự an toàn trong gia đình tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được sống đúng con người thật. Tuy nhiên, sống đúng không phải cái cớ cho sự bộc lộ thoải mái những mặt xấu và chờ đợi ở người kia cảm thông.
Sự lãng mạn bị bỏ quên
Khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, chúng ta phải đối mặt nhiều nỗi lo hơn. Dần dần, những điều lãng mạn giảm đi bởi đây cũng không phải giai đoạn cần “lấy lòng” nửa kia nữa. Người chồng bận bịu với việc kiếm tiền, trong khi người vợ thích được chiều chuộng và quan tâm, sẻ chia mọi việc. Mặt khác, người chồng cũng mong muốn nhận những lời động viên, chia sẻ dịu dàng của người vợ. Những mong muốn này không phải lúc nào cũng được đáp ứng, bởi chẳng dễ dàng để chúng ta bày tỏ với đối phương. Từ đó, chúng ta bỏ qua các nghi thức trong mối quan hệ, những điều từng xây dựng và tạo ra chính cuộc hôn nhân.
Trong tâm lý học có thuật ngữ “mỏ neo cảm xúc” - nơi chốn, hành động, hương vị… lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của cặp đôi. Đó có thể là lần đầu thật sự cảm nhận được mùi hương trên người bạn đời, cùng nhau vào bếp nấu một bữa ăn, hay nơi hẹn hò bí mật chỉ 2 người biết. Sự xô bồ và bận rộn của cuộc sống đôi khi khiến chúng ta bỏ quên những gì thật sự đẹp đẽ của tình yêu.
Các cặp đôi yêu nhau 8-9 năm sẽ nói gì khi họ vẫn giữ được lửa khi yêu nhau? Họ sẽ kiểm soát và dính chặt đối phương không rời kể cả trong những buổi tụ họp bạn bè? Gọi điện hay gắn định vị khắp nơi xem nửa kia đang ở đâu? Lo sợ đối phương “tòm tem” bên ngoài nên bắt họ đưa hết mật khẩu? Đọc trộm từng dòng tin nhắn của những người bạn khác giới?
Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi cũng bị bố mẹ kiểm soát chuyện dùng điện thoại. Họ vào phòng và nói tôi đưa điện thoại để kiểm tra. Những lần như vậy, tôi cảm thấy ngột ngạt và không muốn sống trong căn nhà đó nữa. Tôi muốn có một khoảng trời tự do và không muốn ai xâm phạm đến chúng. Có thể bố mẹ muốn tốt cho tôi, nhưng tôi cũng muốn tự lập và làm những điều mình thích. Nếu từng bị như vậy, bạn có thể hiểu kiểm soát sẽ chẳng khiến ai dễ chịu”.
Làm gì để hâm nóng tình yêu nguội lạnh?
Tìm một hoạt động mới để làm cùng nhau: Chung sống nhiều năm, đôi khi những bận rộn của cuộc sống, con cái, gia đình… khiến tình cảm vợ chồng trở nên nhạt nhòa. Mức độ thân mật trong cảm xúc cũng giảm. Những công việc riêng thường ngày khiến cả hai dường như trở nên xa cách rất nhiều. Bởi vậy, chúng ta nên dành thời gian cho nửa kia bằng những hoạt động mới cùng nhau. Sự cố định của công việc chung có thể giúp thắt chặt tình cảm.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc cùng nhau dậy sớm và đi dạo vào mỗi buổi sáng? Hay những chuyến xuyên Việt để trải nghiệm cảm giác mới mẻ cùng nhau?. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các cặp đôi chia sẻ những trải nghiệm mới cùng nhau sẽ cam kết và ít có xu hướng buồn chán hơn.
Thể hiện tình cảm nhiều hơn: Đôi khi việc bạn bất chợt tặng một món quà nhỏ cho đối phương, nói những lời yêu thương hoặc chia sẻ cảm nhận trên mạng xã hội với tấm hình hạnh phúc của cả hai… đóng vai trò quan trọng. Tựu trung lại, có 5 cách để bạn thể hiện ngôn ngữ yêu thương với bạn đời:
Đầu tiên là lời yêu: Kiểu yêu bằng ngôn ngữ/ca từ/câu chữ ngọt ngào mang tính chất ngợi khen, khích lệ như “anh yêu em”, “anh cố lên”, “cảm ơn em”…
Thứ 2 là thời gian bên nhau: Cảm giác yêu vào những giây phút chỉ có 2 người, dành trọn sự chú ý cho nhau như bữa tối lãng mạn, cùng “đi trốn”, xem phim…
Thứ 3 là quà tặng: Tình yêu từ những món quà được gói bằng công sức, tâm huyết như cuốn sách ảnh tự thiết kế, sự xuất hiện bất ngờ sau thời gian yêu xa…
Thứ 4 là cử chỉ chu đáo: Cảm giác yêu khi chăm sóc và quan tâm đến những điều nhỏ nhặt như san sẻ việc nhà, bóc vỏ tôm...
Thứ 5 là những cái chạm: Tình yêu “nở hoa” trong những cái ôm hôn, âu yếm, cưng nựng hoặc làm mới đời sống chăn gối vợ chồng.
Nuông chiều bản thân: Khi chia sẻ về cuộc hôn nhân, nhà văn Nghiêm Ca Thấm của Trung Quốc cho biết cô luôn quan tâm đến hình ảnh bản thân trong mắt nửa kia bằng việc trang điểm và thay quần áo đẹp trước khi chồng đi làm về. Cô cho rằng nửa kia có thể yêu vì con người bạn, nhưng ăn mặc đẹp và chú trọng ngoại hình giúp bạn trở nên tuyệt vời hơn trong mắt đối phương. Đây cũng là chất xúc tác giúp cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Hãy làm mới cuộc hôn nhân bằng cách làm mới bản thân. Hãy chăm chút cho vẻ bề ngoài như thay đổi kiểu tóc, thay đổi cách ăn mặc và sức sống bên trong bằng cách ăn uống lành mạnh, rủ nửa kia tham gia một lớp học thể dục hay tập gym… Điều đó có thể giúp cả hai hồi tưởng lại thời còn mới quen và bắt đầu “yêu lại từ đầu”.
Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.