Trách nhiệm với gia đình là câu chuyện của mọi thành viên
Trong đời sống gia đình, đôi khi chúng ta phải đối diện những tình huống xảy ra không như ý. Khi đó, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi và chối bỏ trách nhiệm của mình.
Suy nghĩ “tôi không là người sai”, “tôi đã làm hết sức mình”… luôn tồn tại trong tâm trí, cả khi chúng ta không thể hiện ra bên ngoài. Thế nhưng, trong những trận cãi vã, khi ai cũng cho mình là nạn nhân, người nào sẽ nhận lỗi? Bị buộc tội là điều không hề thoải mái, song nhiều lúc bạn vẫn rơi vào tình huống phải nhận mọi trách nhiệm trong sự ấm ức, buồn tủi. Lý do không phải bạn thật sự sai, mà có thể bởi chưa đủ lý lẽ, gai góc và bỏ cuộc sớm hơn trong cuộc đua tìm người gánh vác hậu quả của vấn đề.
Tuy nhiên, nếu mọi trách nhiệm luôn luôn bị quy chụp cho một người yếu thế hơn hoặc biết nhún nhường trong gia đình, đây có thể là khởi đầu cho bi kịch xét theo góc độ của “kẻ chịu trận”. Bi kịch này không gây ra hậu quả tức thì, nhưng trở thành một nỗi ấm ức ghim vào lòng, khiến ta cảm thấy bản thân thiếu sự chia sẻ và an toàn trong chính gia đình mình.
Những mâu thuẫn trong gia đình lúc nào cũng mang đến tổn thương cho tất cả, nhất là khi mọi người đều tìm cách đổ lỗi cho đối phương. Vạch lá tìm sâu, phán xét và buộc tội như một tòa án gia đình đồng nghĩa bạn đang vạch ra ranh giới giữa mối quan hệ vốn rất khăng khít. Đâu là nguyên nhân của việc đùn đẩy trách nhiệm một cách cực đoan? Vì sao có những thành viên trong gia đình luôn nhận lỗi dù không thật sự có trách nhiệm cho sai lầm ấy?
Tâm lý “tôi luôn là nạn nhân”
Câu chuyện né tránh trở thành phản xạ tự nhiên bởi nhận trách nhiệm đồng nghĩa nguy cơ “bị tổn thất một điều gì đó”. Khi nhận trách nhiệm về mình, bạn có thể bị tổn thất về danh dự, niềm tin và phải nói lời xin lỗi hay làm một điều gì đó để sửa chữa. Nhu cầu an toàn khiến không ít người tìm cách trốn tránh trách nhiệm và đơn giản nhất là đổ lỗi cho ai đó. Việc có người đứng ra nhận lỗi khiến ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bảo vệ được quyền lợi và danh dự của mình.
Bên cạnh đó, có những người luôn nhận lỗi về mình nhưng trong lòng lại đặc biệt ấm ức. Có thể, bạn cho rằng đó là biểu hiện của một người nhẫn nhịn, hy sinh. Ngược lại, đó là lời cảnh báo bạn đang định vị bản thân như “nạn nhân” của các thành viên khác trong gia đình. Bạn thấy chỉ mình mình là người vun vén, chịu thương chịu khó và đối phương thiếu sự thấu hiểu, luôn áp bức. Sau đó, bạn tự cho mình đặc quyền được ca thán và nhận sự chú ý, đồng cảm, quan tâm từ những người xung quanh.
Những lời quan tâm này khiến bạn thấy bản thân được an ủi và càng củng cố sứ mệnh “tôi là người duy nhất có đức hy sinh trong gia đình, nên việc gánh vác trách nhiệm là đương nhiên”. Tuy nhiên, khi tâm trạng bị kích động mạnh mẽ, đặc biệt lúc xung đột xảy đến, bạn sẽ lại kể khổ về sự chịu đựng và tự thấy mình thiệt thòi, tủi thân trong chính gia đình. Bạn tiếp tục bất lực, đối phương tiếp tục thiếu cảm thông và bi kịch ập đến khiến cả hai bùng nổ.
Trong một buổi chia sẻ về chủ đề hạnh phúc, TS tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A sử dụng số 6 và số 9 để minh họa về việc khác nhau về góc nhìn sẽ dẫn đến sự tranh cãi không hồi kết. Thông điệp hướng đến không phải “ai đúng, ai sai”, cũng không phải “ai cũng sai” mà là “ai cũng có phần đúng”. Khi mâu thuẫn bùng phát, thật khó để chúng ta cảm nhận khía cạnh đối phương đang cố gắng bảo vệ. Thế nhưng khi “hạ hỏa”, cảm xúc lắng đọng, tầm nhìn sẽ bao quát, bao dung hơn.
Việc gia đình là trách nhiệm chung
Trong các mâu thuẫn gia đình, cách ứng xử phù hợp không phải tranh luận xem ai đúng - sai, chịu trách nhiệm cho lỗi lầm này, mà là cùng thỏa thuận để tìm hướng giải quyết. 3 nguyên tắc để bạn chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm là sự bình đẳng, chia sẻ và bao dung.
Sự bình đẳng: Bình đẳng trong gia đình là khi mỗi thành viên có vai trò, vị trí như nhau; có quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình ngang nhau; quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và gia đình. Hãy xóa bỏ những suy nghĩ như “việc dọn dẹp bếp núc là trách nhiệm của phụ nữ”, “con hư tại mẹ”… bởi đó chính là rào cản vô hình tạo nên sự mất cân bằng trong gia đình.
Sự chia sẻ: Hãy học cách san sẻ mọi vấn đề với người gần gũi nhất - bạn đời của mình. Cuộc sống gia đình bắt đầu ngay khi 2 người chọn kết hôn và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Do đó, vợ chồng cần có bổn phận chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng bố mẹ, làm việc nhà và đóng góp tài chính.
Về nuôi dưỡng con cái, vợ chồng có thể cùng nhau quan tâm dạy bảo, khi thì mẹ dành thời gian chia sẻ với con, lúc khác bố đi họp phụ huynh, dạy trẻ học bài. Chỉ cần thật tâm muốn chia sẻ với người bạn đời, mọi việc đều trở nên dễ dàng.
Mọi thành viên đều cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc gia đình.
Sự bao dung: Khi đối phương thật sự gây ra lỗi lớn, thay vì phê phán, tỏ ra thất vọng và để họ một mình xử lý vấn đề, bạn có thể nói: “Em/anh làm vậy là chưa đúng, nhưng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết tình huống này, em/anh đừng quá lo lắng”. Sự bao dung giúp người đang làm sai cảm thấy bản thân được chấp nhận, yêu thương và không phải một mình đương đầu mọi khó khăn. Sự cảm kích khi có người sẵn sàng vị tha và đồng hành có thể giúp cả hai gắn bó và thông cảm cho nhau nhiều hơn.
Không dễ san sẻ mọi trách nhiệm
Trở thành một người đồng hành đầy thấu hiểu và cảm thông không phải điều dễ dàng. Thông thường, việc san sẻ trách nhiệm và hy sinh vì gia đình gắn với hình ảnh người phụ nữ nhiều hơn. Chính việc những người vợ, người mẹ luôn có xu hướng hy sinh vô hình trung khiến mối quan hệ gia đình trở mất cân bằng.
Người chồng tập cách khoan dung, chia sẻ; vợ cảm kích trước nỗ lực đó và muốn nhận nhiều trách nhiệm hơn vì nghĩ “chỉ cần đối phương hiểu sự hy sinh và biết thương vợ là đủ”. Tư duy này khiến mối quan hệ giữa đôi bên không thể đi đến sự bình đẳng và công bằng thực sự. Do đó, phụ nữ phải tự nhận ra và đón nhận thành ý muốn chia sẻ của người đàn ông.
Mặt khác, người chồng dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác nhưng lại khó bỏ qua sai sót bạn đời gây ra. Bởi lẽ, người đàn ông lâu nay thường quen với việc thể hiện uy quyền trong gia đình.
Dẫu còn nhiều bất cập, song khi ta ý thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ trách nhiệm với các thành viên, kết hợp hài hòa cùng lòng khoan dung, đời sống gia đình sẽ thêm gắn bó và bền chặt. Từ đây, các thành viên trong gia đình sẽ luôn có sự thấu hiểu và đồng lòng xây đắp cho hạnh phúc chung.
Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.