Chuyện hôn nhân: ‘Nghiêm túc, đừng nghiêm trọng’
Lời giải đáp từ chuyên gia tâm lý

Chuyện hôn nhân: ‘Nghiêm túc, đừng nghiêm trọng’

Bạn cảm thấy hôn nhân là gánh nặng? Mọi chuyện của con luôn tốt nếu có bạn hỗ trợ? Tất cả câu trả lời có trong chia sẻ của TS tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A. 

Trước khi bước vào chủ đề tư vấn tâm lý về đời sống hôn nhân, TS Tô Nhi A dẫn dắt bằng câu chuyện thú vị.

Ông lão vác trên vai một bao đá, rất nặng nề và khó chịu nhưng vẫn kiên trì. Đến khi quá mệt mỏi, cảm thấy cuộc đời bất công và oán trách thế gian, một người đi cùng chiều đề nghị chia sẻ bao đá với ông. Bất ngờ, ông lắc đầu từ chối vì cho đây là trách nhiệm của mình, không đùn đẩy sang người khác. Bỗng một câu hỏi của người lạ kia khiến ông giật mình suy nghĩ: Tại sao ông nghĩ việc mang túi đá to chỉ là trách nhiệm của một mình ông?.

Hôn nhân luôn là chuyện nghiêm túc

Kết hôn là quyết định quan trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn bạn đồng hành trong quãng đời sắp tới. Thực tế, lựa chọn chưa đúng có thể chọn lại, nhưng rườm rà, phức tạp, từ vấn đề pháp lý đến mối quan hệ phát sinh giữa hai gia đình, thậm chí con cái.

“Càng đến gần thời điểm kết hôn, chúng tôi càng áp lực. Sự áp lực đến từ chuyện tổ chức đám cưới, thay đổi thói quen từ độc thân đến trách nhiệm chăm chút cho mái ấm”, chia sẻ của cặp đôi trẻ gửi về cho TS Tô Nhi A.

Theo chuyên gia, sức nặng của quyết định kết hôn là bình thường, vì điều này nhắc nhở chúng ta cẩn thận, không hấp tấp, cần soi xét nhiều góc độ. Hôn nhân là chuyện dễ dàng, nhưng cưới người mình yêu và sống hạnh phúc về sau thường chỉ xuất hiện trong cổ tích. Việc xác định đúng tâm thế giúp bản thân bớt sốc và đối diện vấn đề theo cách chủ động.

Hôn nhân có cần một người hy sinh?

Gánh nặng trong hôn nhân xuất phát từ quan điểm: “Tôi phải hy sinh quá nhiều cho gia đình”. Sự hy sinh liên quan mật thiết đến tư tưởng in sâu vào văn hóa, giáo dục và mang màu sắc định kiến giới. TS Tô Nhi A trích dẫn bức tâm thư từng nhận được từ một người chồng, người cha:

“Gia đình tôi rơi vào bế tắc và có nguy cơ tan vỡ. Như nhiều mẫu hình truyền thống, ở nhà tôi, chồng đi làm kiếm tiền còn vợ nội trợ, thu vén chăm con. Nhưng từ khi có con, mọi chuyện phức tạp hơn. Khi mang thai, vợ tôi thay đổi tính cách, thường yêu cầu mua sắm để chuẩn bị cho đứa nhỏ. Tôi chấp nhận và tập trung cho sự nghiệp để đảm bảo kinh tế, đồng nghĩa ít ở nhà chăm sóc vợ. Mỗi khi đi làm về, hai bên không nói tiếng nào, vợ mặt nặng mày nhẹ bảo tôi không quan tâm, đôi lúc còn bỏ ăn. Khi tôi chia sẻ việc đi làm áp lực, vợ đưa ra lý lẽ: ‘Anh giỏi thì mang thai, để em đi làm’, sau đó bỏ về nhà ngoại mấy ngày.

Từ khi có vợ, tôi hy sinh mọi mối quan hệ, bạn bè. Tôi cảm thấy việc thư giãn sau ngày dài làm việc ở cơ quan là nhu cầu chính đáng. Nhưng tôi cần làm gì nữa để vợ hài lòng?”.

Dù không dễ tách mình khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền, bạn vẫn có thể sắp xếp để xoay chuyển điều tưởng chừng nặng nề.

Dù không dễ tách mình khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền, bạn vẫn có thể sắp xếp để xoay chuyển điều tưởng chừng nặng nề.

Theo TS Tô Nhi A, trong mối quan hệ, việc nhường nhịn, hạ thấp cái tôi và đề cao “cái ta” là điểm đáng khích lệ. Chúng ta sinh ra trong môi trường khác nhau, có tâm tư suy nghĩ riêng. Cách duy nhất để hòa hợp là chấp nhận thay đổi góc nhìn riêng. Tuy nhiên, “chiếc giày” của mình chật chội thì chỉ bản thân cảm nhận. Nỗi đau có thể trở thành lớp sương mờ che khuất sự bao dung.

Trong tâm sự trên, anh chồng dùng từ “hy sinh” để nói về nỗi vất vả của mình. Dù không chê bai sự khó khăn của vợ, khi đặt lên bàn cân, anh vẫn nghĩ “nỗi đau của tôi lớn, quan trọng hơn”. Trả lời trong cơn nóng giận, người vợ dồn chồng vào thế không thể tranh cãi: “Có giỏi thì mang thai đi”.

Bạn có “đặt chân vào giày” của đối phương?

Khi mâu thuẫn, chúng ta thường được khuyên thông cảm, thấu hiểu, “đặt chân vào giày” của nhau. Tuy nhiên, việc này gần như không thể làm, nhất là về nghĩa đen. “Chẳng ai đưa chân mình vào giày đối phương, chưa kể cỡ giày, kiểu giày vốn không vừa với bạn”, chuyên gia ví von.

Mỗi bộ não là độc nhất nên cách chúng ta tư duy về thế giới quan cũng khác biệt. Có những suy nghĩ trùng khớp, nhưng điều này ở mức tương đối. Khi nhận thấy đối phương đang buồn, người chia sẻ - vốn nhạy cảm - có thể rơi nước mắt. Nhưng giọt nước mắt này đến từ cảm nhận, phản ứng, chứ không đồng nhất với nỗi buồn mà người kia gánh chịu.

Cũng theo chuyên gia, cách duy nhất để chia sẻ là: "Tôi tin bạn đang cảm thấy như thế. Nếu bạn nói khó chịu, tôi hiểu bạn thật sự khó chịu. Nếu bạn bảo nhiều việc quá, tôi tin bạn đối mặt nhiều công việc. Dù tôi không hiểu cảm giác bạn đang trải qua, tôi vẫn không phủ nhận điều đó”.

Việc lắng nghe và chấp nhận những gì đối phương mô tả, đặc biệt không phán xét nặng nề hay phủ nhận toàn bộ, là “chìa khoá” để hai trái tim chung nhịp đập.

Tự mình làm khổ mình

Có những điều khiến bạn mệt mỏi không đến từ người ngoài, mà chính việc mặc định bản thân phải có trách nhiệm và ôm đồm mọi thứ. Chuyên gia dẫn chứng trường hợp của người mẹ hai con. Chị gặp áp lực khi chồng đi làm suốt ngày, trong khi bản thân phải chăm lo cho đứa trẻ 3 tuổi và con lớn học lớp 8. Tuy nhiên, trong lúc giãi bày tâm tư, người mẹ không yên tâm khi để con lớn tự đi học, phụ giúp việc nhà hay chăm em. Ở góc nhìn của chị, việc nuôi dạy, chăm sóc là trách nhiệm của bản thân và không nên nhờ vả sự trợ giúp từ người khác.

Quote: “Sức nặng của hôn nhân nhắc nhở bạn phải nghiêm túc. Nhưng đừng để nó trở thành gánh nặng kéo chìm con tàu tình yêu”.

Tiến sĩ tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A 

Dưới góc độ tâm lý, người vợ đang “mắc kẹt” trong tư tưởng những điều “phải làm”, gần như trùng khớp quan điểm truyền thống về vai trò giới trong gia đình. Chưa kể giai đoạn xã hội phát triển, phụ nữ phải thêm trọng trách ngoài xã hội, khiến gánh nặng tăng bội phần. Lời khuyên của chuyên gia là: “Hãy nhớ mình không cô đơn”.

Có nhiều cách gỡ rối gánh nặng cho người mẹ trong câu chuyện, đơn giản nhất là sự giúp đỡ từ người con lớn. Ở giai đoạn cấp hai, thiếu niên có thể thực hiện tác vụ tiệm cận nâng cao. Dù thể chất chưa cho phép thực hiện hành vi đòi hỏi sự khéo tay, dưới sự hướng dẫn và đồng ý để con thất bại vài lần của mẹ, trẻ sẽ dần thích ứng và hoàn thiện kỹ năng.

Tiếp đến, người mẹ cần sự đồng hành từ gia đình nội, ngoại. Chuyên gia cũng lưu ý đây không phải trách nhiệm của ông bà, mà là sự hỗ trợ tức thời để người mẹ có thời gian hồi phục năng lượng. Ông bà có thể trông cháu ngủ, hỗ trợ việc nấu nướng.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ cho phép phụ nữ giảm sức lao động, đầu tư để có thêm thời gian, duy trì cảm xúc thoải mái nhằm nghĩ cách tăng thu nhập.

Sử dụng “neo cảm xúc”

“Neo cảm xúc” là thuật ngữ tâm lý chỉ khung cảnh, hành động gắn liền cảm xúc tích cực. Chẳng hạn nơi lãng mạn vợ chồng từng hẹn hò, món ăn đã lâu chưa nếm lại, điểm du lịch hai người hưởng tuần trăng mật...

Chiếc “neo cảm xúc” có tác dụng khơi gợi những điều tích cực, tạm bỏ qua muộn phiền và cho phép bản thân phục hồi năng lượng tinh thần lẫn thể chất. Dù không dễ dàng tách mình khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền hay bỏ bớt gánh nặng trách nhiệm để tận hưởng cuộc sống, nhờ lời chia sẻ kịp lúc từ nửa kia, bạn vẫn có thể sắp xếp để xoay chuyển điều tưởng chừng nặng nề.

Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.