Hàn gắn mối quan hệ gia đình
Lời giải đáp từ chuyên gia tâm lý

Hàn gắn mối quan hệ gia đình bằng thấu hiểu và sẻ chia

Nhiều mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái rơi vào thế bí vì những câu chuyện bất đồng. Lắng nghe để thấu hiểu là chìa khóa cần thiết để cải thiện mối quan hệ. 

Mối quan hệ gia đình ẩn chứa bao điều kỳ diệu cùng những phức tạp dễ đẩy đến những khoảnh khắc bất đồng, mâu thuẫn, thậm chí đôi khi ta cảm thấy người thân lại chính là người đang kịch liệt chống lại mình. Không có sự sẻ chia và thấu hiểu từ hai phía là nguyên nhân gây ra phần lớn những bất đồng trong giao tiếp.

Chấp nhận mâu thuẫn là điều bình thường

Một người phụ nữ từng “cầu cứu” trung tâm tư vấn với câu chuyện: “Tôi trước nay vẫn tự hào vì là người phụ nữ chu toàn cả công việc và gia đình do thu nhập của tôi khá cao và là một người có địa vị trong xã hội. Thế nhưng chồng tôi lại thường có thái độ khó chịu, bất mãn với tôi ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt. Gần đây, tôi mới vỡ lẽ ra rằng việc tôi thể hiện uy quyền quá nhiều trong gia đình khiến cho chồng cảm thấy mặc cảm. Giờ tôi nên làm thế nào để chấm dứt những mâu thuẫn không đáng có?”

Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, tất cả bất đồng, cãi cọ hay mâu thuẫn đều phụ thuộc vào góc nhìn và thái độ của người trong cuộc. Với các cặp vợ chồng, việc chuyển từ trạng thái cá nhân sang bạn đời, từ bạn đời sang làm cha mẹ là một hành trình dài. Người vợ có những nỗi lo riêng, có những đặc điểm tâm lý riêng trong vai trò người vợ. Tương tự, người chồng và người con cũng vậy.

Các thành viên trong gia đình cần lắng nghe nhau

Trong gia đình, bạn sẽ phải học cách đón nhận hoàn cảnh và mở lòng. Để đạt được thỏa thuận trong một cuộc xung đột, việc lắng nghe vô cùng cần thiết. Lắng nghe một cách tích cực giúp bạn hiểu được thông điệp đằng sau những lời nói khó nghe của người kia.Thông điệp thật sự thường bị ngụy trang trong cơn giận dữ, làm thổi lên những mâu thuẫn gay gắt và gây tổn thương. Vì vậy, hãy giữ cho mình cái đầu lạnh để nhìn nhận và giải mã cảm xúc của các thành viên trong gia đình.

3 điều để tìm được tiếng nói chung

Để cảm nhận được sự an toàn, cần đảm bảo 3 yếu tố chính là tình yêu thương, sự chấp nhận và sự ổn định.

Có 5 “ngôn ngữ yêu thương” căn bản. Một trong số đó là thông qua lời nói, lời khen ngợi, lời cảm ơn vì các hành động giúp đỡ, chia sẻ việc nhà. Bạn cũng có thể trao tặng những món quà hay dành những cử chỉ gần gũi với đối phương để thể hiện tình cảm.

Sự chấp nhận cũng rất quan trọng. Nhu cầu được thừa nhận, được thuộc về gia đình của mỗi người rất lớn. Một đứa trẻ sẽ thích được cha mẹ ca ngợi những thành tựu ở trường lớp, được ghi nhận sự cố gắng khi phụ giúp việc nhà. Trong khi đó một người vợ, người mẹ sẽ thấy hài lòng khi được ghi nhận với vai trò là người vun vén cho gia đình. Còn đối với người chồng, người cha, đó là mong muốn được thừa nhận về tài chính, là tấm gương của con cái và có tiếng nói trong gia đình.

Ngoài ra,để duy trì sự ổn định trong gia đình, bạn cần hạn chế những biến cố, xung đột gây ảnh hưởng đến tinh thần của mỗi người. Bạn cần xây dựng, thống nhất nguyên tắc ứng phó với các vấn đề xung đột và bất đồng thường gặp. Việc đưa ra những nguyên tắc thống nhất chung sẽ giúp mỗi thành viên cảm thấy được tôn trọng, được có quyền hạn công bằng trong các vấn đề của gia đình, từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các nguyên tắc.

“Người thân không nhất thiết là đồng minh của bạn trong mọi vấn đề, nhưng cần phải xử lý những thái độ thù địch nhen nhóm trong mái ấm của mình”. - Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A

Bên cạnh việc chấp nhận đối phương và mong muốn đối phương cũng chấp nhận quan điểm của mình, việc nhìn ra được điểm chưa tốt ở bản thân đồng thời thay đổi chúng cũng là điều quan trọng. Bạn mong chồng về nhà sớm, bạn muốn vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc nấu nướng, bạn muốn con cái phải thường xuyên tâm sự với cha mẹ, nhưng đôi khi chính bạn lại chưa sẵn sàng thay đổi thói quen, sở thích của mình để hưởng ứng những điều ấy.

Cuối cùng, không nhất thiết bắt đối phương trở thành đồng minh của mình, nhưng hãy nỗ lực để triệt tiêu đi thái độ khó chịu sau những lần bất đồng quan điểm giữa các thành viên. Không dễ để hòa hoãn những cuộc chiến, song vì là một gia đình, nên hãy trao đổi để thấu hiểu những mục tiêu và cùng phấn đấu.

Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.