Nguy cơ bệnh gout
trở nặng sau Tết
Tiệc tùng liên miên cùng những bàn tiệc toàn món ngon, thịnh soạn không thể kiềm lòng là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh Gout của bạn trở nặng. Bài viết dưới đây chính là lời cảnh tỉnh cho những ai chưa ý thức về căn bệnh này và cũng là hồi chuông cảnh báo về những lưu ý cần tránh cho những người đã mắc phải.
1. Đôi điều cần biết về Gout
Bệnh Gout là một bệnh khớp sinh ra do rối loạn chuyển hoá các nhân purin trong cơ thể, dẫn đến tăng nồng độ acid uric trong máu, gây ra hiện tượng lắng đọng các tinh thể muối urat ở khớp và một số cơ quan khác, gây ra những đợt sưng đau khớp tái diễn.
Ai cũng có thể mắc bệnh Gout, tuy nhiên, thống kê cho thấy hơn 80% bệnh nhân là nam giới rơi vào độ tuổi ngoài 40. Họ là những người có chế độ ăn uống không khoa học, uống nhiều rượu bia, có thói quen tiêu thụ nội tạng động vật và thịt đỏ, lười vận động,...
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Đình Khoa (Trưởng Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy), những cơn viêm khớp Gout ban đầu hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, khớp gối thường rất khủng khiếp, gây đau đớn chẳng khác nào bị dao đâm chọc vào khớp. Hơn nữa, cơn đau nhiều khi lại đến rất bất ngờ, thậm chí ngay trong hoặc sau một bữa tiệc thịnh soạn hay đang trong một giấc ngủ ngon về đêm.
2. Vì sao ngày Tết bệnh Gout dễ khởi phát nặng?
Trong những ngày Tết, việc thay đổi về chế độ ăn uống, sinh hoạt hay không tuân theo liệu trình điều trị sẽ dễ làm gia tăng đột ngột nồng độ acid uric trong máu, dễ làm bệnh Gout xuất hiện và khởi phát nặng thêm, thậm chí ngay cả khi đang dùng các thuốc điều trị bệnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân làm nặng thêm bệnh Gout, cụ thể như:
-
Uống nhiều thức uống có cồn: Bia rượu có hàm lượng purin rất cao. Chính vì thế, khi tiêu thụ các loại đồ uống có cồn nhiều như vậy, cơ thể bạn sẽ bị rối loạn chuyển hoá purin, gây tăng tổng hợp và giảm đào thải acid uric.
-
Tiêu thụ nhiều loại thực phẩm:
-
Thịt đỏ giàu đạm như bò, ngựa, trâu, dê,…
-
Hải sản như cá, tôm, sò, ghẹ,…
-
Nội tạng động vật như tim, gan,…
-
Thịt gà, ngỗng, trứng,…
-
Một số loại rau như măng, giá đỗ, bông cải, cải bó xôi,…
-
Thực phẩm giàu chất béo như da động vật, mỡ,…
-
Một số loại thực phẩm khác như: nem chua, bánh chưng, dưa hành, thịt đông
-
-
Chế độ sinh hoạt thất thường: hội họp, ăn chơi, thức khuya liên tục, ăn mặc phong phanh, không giữ đủ ấm cho cơ thể,...
-
Do tâm lý vui chơi quá đà kèm theo sự chủ quan cho rằng, bỏ qua việc uống thuốc một vài ngày cũng không ảnh hưởng nhiều.
Vì vậy, người bị bệnh Gout, kể cả những người có tăng acid uric máu đơn thuần nên cần chú ý tới việc sinh hoạt và ăn uống của mình, đặc biệt vào những dịp đặc biệt như lễ Tết.
>>> Tham khảo thêm: Các bước đơn giản để thực hiện lối sống lành mạnh bạn nên biết
3. Người bệnh Gout trong ngày Tết cần chú ý những gì?
Để phòng ngừa các cơn viêm khớp Gout tái phát trong hoặc sau Tết, người bệnh và người có nguy cơ bệnh cần tiếp tục duy trì liệu trình điều trị đã được bác sĩ kê toa và chỉ định, không nên bỏ thuốc giữa chừng hoặc uống thuốc thất thường.
Trước Tết nên đi tái khám, nếu cần sẽ được bác sĩ cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric máu, chức năng gan thận để bác sĩ có thể đánh giá và điều chỉnh thuốc phù hợp.
Ngoài ra, người bị bệnh Gout trong những ngày Tết cũng cần nghiêm túc chấp hành chế độ ăn lành, sống khoẻ sau đây:
-
Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có cồn được liệt kê ở mục 2
-
Tăng cường ăn rau xanh (xà lách, cà rốt, bắp cải,…) và các loại trái cây tươi, đặc biệt các loại rau quả giàu vitamin C (cam, bưởi, dâu tây…) và có thể uống sữa, ăn sữa chua.
-
Kiểm soát bữa ăn một cách hợp lý, không nên ăn quá 150g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày. Nếu đang bị thừa cân, bạn nên giảm các thực phẩm giàu chất béo nguồn gốc động vật như mỡ, da,… để không bị tăng cân sau Tết.
-
Vận động thể lực thường xuyên: Giúp giảm cân, ổn định acid uric, duy trì sức khoẻ tim mạch nên cần thiết với tất cả mọi người để dự phòng và giảm nguy cơ Gout.
-
Cần duy trì uống đầy đủ nước: Ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ biết cách chăm sóc sức khỏe của mình và người thân mắc bệnh Gout. Hãy luôn nhớ rằng, việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Dù là ngày thường hay lễ Tết, bạncũng đừng bao giờ để cho sức khoẻ của mình "thả phanh" xuống dốc nhé!
>>> Tìm hiểu thêm: