Những bài học tài chính "vỡ lòng" cha mẹ cần dạy con
Nội dung bài viết
Một nghiên cứu của đại học Cambridge đã chỉ ra rằng thói quen sử dụng tiền bạc của trẻ nhỏ được hình thành từ trước năm 7 tuổi, nhờ quan sát cha mẹ và học theo. Do vậy, nếu cha mẹ sớm hướng dẫn con cách dùng tiền, tiết kiệm tiền càng sớm sẽ giúp trẻ rèn luyện những thói quen tài chính tốt ngay từ nhỏ đấy!
Đối với trẻ học mẫu giáo
1. Cùng con sở hữu “chiếc lọ kho báu”
Cha mẹ có thể tập cho con tiết kiệm tiền lì xì, tiền quà bánh hoặc tiền thưởng trong dịp đặc biệt của mình vào một chú heo đất xinh yêu. Tuy nhiên, mặt hạn chế là con không thể thường xuyên kiểm tra heo đất đang “no” hay “đói”.
Các bậc phụ huynh có thể dùng hũ thủy tinh để thay thế cho heo đất và đặt tên là “lọ kho báu” và đặt mục tiêu tiết kiệm để làm đầy lọ kho báu ấy. Hằng ngày, hằng tuần, con có thể theo dõi kho báu ấy cho đến khi chiếc lọ đầy.
>>> Xem thêm: Đồng tiền chạy đi đâu thế mẹ ơi?
2. Điều bạn đang làm - điều con đang học
Hãy nhớ rằng trẻ con quan sát và học tập rất nhanh, nhất là học từ những việc làm của cha mẹ. Thói quen tài chính cũng vậy! Mỗi khi cùng đi mua sắm với cha mẹ, trẻ sẽ quan sát và ghi nhớ cách cha mẹ trả giá, chọn món hàng hoặc từ chối túi nilon để tiết kiệm và bảo vệ môi trường hơn. Thậm chí, khi thấy cha mẹ cãi nhau về những khó khăn trong chuyện tiền bạc, con bạn cũng sẽ ghi nhớ. Vì vậy, cha mẹ nên là tấm gương tốt cho con bằng việc thường xuyên nói về phương pháp tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và đừng bao giờ tranh cãi chuyện tiền nong trước mặt con trẻ nhé!
3. Hướng dẫn con cách dùng tiền
Ở độ tuổi này, nếu cha mẹ nói với con rằng “Món đồ chơi này 50 ngàn” hay “Gói kẹo này 20 ngàn”, con sẽ khó hình dung được giá trị rõ ràng của món đồ. Thay vào đó, mỗi khi cho tiền vào chiếc lọ kho báu, cha mẹ nên hướng dẫn con giá trị của từng tờ tiền và dạy cho con dùng tiền từ chiếc lọ ấy để mua món đồ mình muốn thì sẽ dễ dàng cho con hơn. Khi ấy, mối liên kết giữa giá trị của những món đồ và tiền bạc trong nhận thức của con sẽ dần được hình thành.
>>> Có thể bạn quan tâm: Dạy con tự lập trong chi tiêu như thế nào?
Đối với trẻ học Cấp 1, Cấp 2
1. Trao cho con quyền lựa chọn
Khi con vào tiểu học, cha mẹ có thể tập cho con đưa ra quyết định mua sắm với một món tiền nhất định. Ví dụ, nếu con cùng thích một đôi giày mới và một con búp bê mới, cha mẹ hãy chỉ ra rằng giá tiền của hai món là bằng nhau và con chỉ có thể chọn một. Cha mẹ có thể hỗ trợ con quyết định bằng cách phân tích ưu/khuyết điểm của từng món đồ để con chọn được món đồ thật sự hữu ích trong giới hạn ngân sách cho phép. Đây là cách hình thành cho con suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định chi tiền mua sắm.
>>> Đón đọc bài viết: Trao quyền hợp lý cho con ở tuổi nổi loạn
2. Cho con tiền tiêu vặt có điều kiện
Tiền tiêu vặt của con nên được xem như là một món tiền thưởng, đi kèm với điều kiện là con phải hoàn thành các công việc nhà nho nhỏ như gấp quần áo, dọn chén trước bữa ăn, xếp gọn gàng chăn gối sau khi ngủ dậy. Điều này giúp con ý thức được rằng con người phải bỏ thời gian, công sức làm việc mới kiếm ra tiền.
3. Điều chỉnh những quyết định mua sắm bồng bột
Trẻ con luôn thích món này, món kia một cách dễ dàng, đặc biệt là đồ chơi. Khi đi mua sắm, con sẽ vòi vĩnh hoặc nài nỉ cha mẹ mua những món mình thích. Lúc này, cha mẹ không nên đồng ý ngay mà hãy đặt hạn mức chi tiêu, thảo luận với con về việc mua nó bằng tiền tiết kiệm của mình, đồng thời cho con thêm thời gian suy nghĩ có nên mua hay không, ở nhà có món đồ nào tương tự không. Sau một đêm ngủ dậy, cảm xúc của con với món đồ sẽ vơi bớt nhiều và con sẽ đưa ra một quyết định chính xác hơn. Điều này sẽ rèn cho con cách tiêu tiền cẩn thận, kiểm soát chi tiêu ngay từ nhỏ.
>>> Bài viết có liên quan: Con bạn có đang chi tiêu quá mức hay không?
Khi con bước vào trung học
1. Dạy cho con trân trọng và hài lòng với những gì mình có
Ở tuổi này, con bắt đầu có sự so sánh vật chất với bạn bè: điện thoại của bạn thời thượng hơn, máy tính của bạn tốt hơn hay bạn đi học bằng xe máy... Dẫu có điều kiện để đáp ứng, cha mẹ vẫn không nên nhất nhất chiều theo mọi yêu cầu của con. Cha mẹ cần sáng suốt cân nhắc xem món đồ nào là phù hợp với nhu cầu sử dụng của con, thay vì vô tình tập cho con thói đua đòi.
2. Yêu cầu con lập kế hoạch chi tiêu
Đã đến lúc hướng dẫn con cách phân bổ ngân sách cho số tiền tiêu vặt, tiền thưởng, tiền lì xì mà mình nhận được rồi. Ngoài những khoản cần thiết dành cho sách vở, đi lại, ăn uống, cha mẹ cần hướng dẫn con trích một ít để dành vào “quỹ khẩn cấp” tuyệt đối không được dùng đến, hoặc “quỹ quà tặng” dùng khi có nhu cầu đột xuất như mua quà mừng sinh nhật bạn, tự thưởng cho mình một đôi giày thể thao mới khi đạt thành tích tốt.
>>> Đừng bỏ lỡ: 3 bước lên kế hoạch chi tiêu cá nhân
3. Gợi ý cho con cách kiếm tiền
Con cần tập trung vào việc học là chính nhưng nếu có thời gian nhàn rỗi con vẫn có thể làm việc bán thời gian sau giờ học, cuối tuần, hoặc trong kỳ nghỉ hè. Không chỉ giúp con có thêm sinh hoạt phí mà còn là hoạt động hữu ích giúp cho con cọ xát với xã hội và trưởng thành hơn. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể đầu tư cho con đi học những kỹ năng vừa có ích cho tương lai sau này vừa có thể kiếm thêm thu nhập ngay bây giờ như viết lách, thiết kế, lập trình máy tính, chụp ảnh...
>>> Xem thêm: