Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Làm thế nào để phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong thời điểm vàng

Phát triển ngôn ngữ là một trong những nội dung cơ bản, then chốt của việc hoàn thiện nhân cách. Tiến trình phát triển tâm lý của con người, có những giai đoạn được coi là “thời điểm vàng” cho việc này, nổi trội đó là giai đoạn từ 2-6 tuổi. Ở thời điểm này, việc tiếp nhận, hình thành năng lực ngôn ngữ ở trẻ diễn ra mạnh mẽ với các mốc “tiền ngôn ngữ”, “phát cảm ngôn ngữ”. Ngoài ra trong giai đoạn này, hoạt động của hệ thần kinh còn rất linh hoạt đã tạo nên nhiều thuận lợi cho sự hình thành các phản xạ ngôn ngữ.

Tuy nhiên, kết quả của việc phát triển ngôn ngữ không thể “tự nhiên có” mặc dù trẻ đã ở trong giai đoạn độ tuổi lý tưởng. Các tác động có mục đích của phụ huynh được coi là giữ vai trò chủ đạo để trẻ có được thành quả trong sự tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ có ý nghĩa. Bởi lẽ, gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên mà trẻ được làm thành viên. Ở đó, cha mẹ là người có sức ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, không loại trừ việc hình thành năng lực ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nhịp sống của một gia đình với sự phong phú về giới tính, các mối quan hệ đặc trưng và những công việc đa dạng là những “nguyên liệu” tuyệt vời để bố mẹ tạo nên cơ hội phát triển ngôn ngữ cho con. Hãy cùng con thực hiện các hoạt động sau để việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ không còn là nỗi lo của bạn!

Trò chuyện cùng trẻ về những điều đang diễn ra

“Mẹ tắm cho Bơ nha, gội đầu cho Bơ nè”, “Bố chơi tung bóng với Bơ nè, Bơ chụp bóng nào”,“Bơ ăn sáng nhé, Bơ uống sữa thôi”, “Mẹ đang làm việc đây, còn Bơ thì chơi với các em thú nhỏ nha”…  Bố mẹ thường cho rằng, trẻ chưa biết nói thì việc “huyên thuyên” của mình là vô nghĩa. Tuy nhiên, sự thật là bạn nên trò chuyện cùng con về những sự việc đơn giản nhất (như ví dụ trên) ngay từ khi con mới sinh (thậm chí khi còn trong thai kì). Trẻ hiểu được điều bạn nói mặc dù không đáp trả bằng các câu hội thoại, bởi vì, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ diễn ra không đồng đều giữa năng lực “hiểu tín hiệu” và năng lực diễn đạt vấn đề. Cho nên, khi bạn nói chuyện cùng trẻ cũng là lúc trẻ được cung cấp thêm “biểu tượng ngôn ngữ” về nội dung, ngữ điệu; kích thích trẻ đáp trả bằng nét mặt, các chuỗi âm thanh rời rạc, từ đó, tiến đến sự chín muồi về khả năng diễn đạt đúng chữ, tròn chữ.

Đọc sách cùng trẻ

Với sự phát triển của ngành xuất bản, ngày nay bạn hoàn toàn có thể tìm được sách cho con mình dù bé đang ở độ tuổi nào. Cách trình bày hình ảnh và câu chữ của sách là phương tiện hiệu quả để trẻ có được các biểu tượng về chữ cái, nội dung sách; với sự phân chia có chủ đích từ tác giả, sẽ giúp trẻ có được những kiến thức phù hợp với trình độ trí tuệ. Việc đọc sách được thực hiện tại gia đình từ sớm, ngoài mang lại hiệu ứng về năng lực ngôn ngữ còn là nền tảng vững chắc để trẻ xây dựng cho mình các hoạt động tích cực khác về nhận thức.

>>> Bài viết cùng chuyên đề: Những lợi ích khi cho con trẻ đọc truyện tranh

Vui cùng âm nhạc

Cùng trẻ ngân nga những bài hát, bài vè, đồng dao không chỉ có tác dụng trong việc cung cấp vốn từ, ngữ điệu cho trẻ mà còn là cách thức tuyệt vời để trẻ được cung cấp kiến thức về môi trường xung quanh, kỉ luật cuộc sống, và đặc biệt, có tình cảm tích cực với cha mẹ. Sự cởi mở, gần gũi là điều mà trẻ cảm nhận khi được cùng cha mẹ bi bô, “đồng diễn”:

“Xúc xắc xúc xẻ/ năm mới năm mẻ/ nhà nào còn thức/ mở cửa cho chúng tôi…”, “Úp lá khoai/ mười hai chong chóng/ đứa mặc áo trắng/ đứa mặc áo đen…”, “Con cào cào có cánh xanh xanh, nó bay rất nhanh qua lùm cây bụi cỏ,…muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao, ai muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao”.

Đồng thời, các tác phẩm giàu ngữ điệu cũng là phương tiện để trẻ phát huy khả năng sáng tạo của mình khi tự “chế” lời cho bài hát – mặc dù, rất ngô nghê và rời rạc về ý nghĩa.

>>> Đừng bỏ lỡ: Sức mạnh chữa lành từ âm nhạc sẽ khiến bạn bất ngờ

Không cản trở trẻ bằng những chỉ trích thô bạo

Bố mẹ cần hiểu rằng việc trẻ nói là một tín hiệu tích cực và cần được ghi nhận lẫn chấp nhận. Đôi khi, với áp lực công việc, người lớn thường có cảm giác “phiền phức” khi nghe trẻ nói liên tục; hoặc chúng ta thường thấy rằng sự diễn đạt của trẻ “quá tệ” vì nói ngọng, nói sai với hàm ý, thậm chí là nói những câu dung tục. Tuy nhiên, những phản ứng kiểu gắt gỏng “nói nhiều quá”; hoặc chế nhạo “nói gì ngốc thế” hay “nói vậy là ngu đấy”… trước các biểu hiện trên của trẻ sẽ khiến trẻ từ chỗ cảm thấy không an toàn dẫn đến hạn chế việc trình bày ngôn ngữ như một kiểu tự bảo vệ bản thân. Chính điều này sẽ làm khả năng ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng.

Thay vì chỉ trích hoặc cấm đoán không lý do, bạn hãy học cách lắng nghe  (chấp nhận) con trẻ. Từ việc lắng nghe này, bạn sẽ có thêm tư liệu về năng lực ngôn ngữ của con (ghi nhận). Bước kế tiếp hãy thỏa thuận với con về nguyên tắc: “chúng ta sẽ nói tiếp câu chuyện của con sau khi cha/ mẹ làm xong công việc này nhé, khoảng 30 phút nữa!” – đây là lúc bạn dạy cho con về việc thương lượng, đàm phán; làm mẫu để con chỉnh sửa phát âm của mình bằng cách làm mẫu cho con về khẩu hình: “Bơ nhìn bố/ mẹ này, đây gọi là “búp bê” không phải “úp ê”, đây là “xe tăng” không phải “e ăng”; hỏi con về “nguồn gốc” các từ dung tục để giúp con loại trừ: “Ồ, từ Bơ vừa nói lạ nhỉ, Bơ nghe ở đâu à?... Bơ có biết nó nghĩa là gì không?... Người khác không thích nghe như vậy đâu Bơ, Bơ chỉ nên nói thế này thôi này…”. Tất cả những cách thức này vừa giúp người lớn được “giải phóng” khỏi tình huống không mong muốn, vừa làm cho trẻ cảm thấy thoải mái trong việc giao tiếp cùng cha mẹ của mình.

Xây dựng và duy trì môi trường ngôn ngữ tích cực cho trẻ

Cụ thể đó là thói quen (thậm chí là văn hóa) giao tiếp gia đình. Mỗi sáng thức dậy với các trao đổi về dự định trong ngày, mỗi chiều bên bữa cơm gia đình là các cảm nhận về những gì đã trải qua, mỗi tối khi cùng xem ti vi hoặc chơi những trò chơi (cờ vua, tạo hình khối, ghép tranh, đố vui, nặn đất sét,…). Trong tất cả các bối cảnh bố mẹ hãy dành cho nhau những ngôn từ tích cực, thể hiện đúng vai cá nhân và sự tôn trọng cho người còn lại; cha mẹ hãy dành cho con các câu hỏi thể hiện sự quan tâm, chừng mực, yêu thương và thái độ lắng nghe thiện chí. Tất cả tạo nên một không gian an toàn để trẻ được học, được thể hiện ngôn ngữ một cách liên tục, phù hợp và có ý nghĩa với sự phát triển đang diễn ra.

Chuyên gia Giáo dục

Thạc sĩ Tô Nhi A

>>> Xem thêm:

Sản phẩm tham khảo

Nhận tư vấn miễn phí về gói bảo hiểm phù hợp

Hãy để lại thông tin bên dưới, chuyên viên tài chính Prudential sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất
* Là các thông tin bắt buộc
Thông tin chưa hoàn thành Vui lòng nhập đủ các thông tin bắt buộc

* Là các thông tin bắt buộc

Nhập thông tin của bạn

Chọn thành phố

Bằng việc đánh dấu vào ô ngay cạnh bên, Tôi xác nhận đã đọc, hiểu và biết rõ Chính Sách Bảo Mật Thông Tin của Prudential và đồng ý để Prudential liên hệ cho mục đích tư vấn, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo và khuyến mại như quy định chi tiết tại Chính Sách Bảo Mật Thông Tin.

Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ Prudential ngay hôm nay