Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Làm thế nào để giúp con sống có trách nhiệm

Khi con trẻ đến tuổi thành niên, phụ huynh “mất” đi vai trò một cách rõ rệt. Sự thành công – thất bại, tích cực – tiêu cực được xác định là thuộc về bản thân các bạn trẻ. Vì thế, tính có trách nhiệm - tự ý thức được việc mình cần làm, ít cần đến người khác hướng dẫn, sai bảo hay dụ dỗ; ra quyết định – trở thành một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá phẩm chất của trẻ. Do đó, giúp con sống có trách nhiệm trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng của các bậc làm bố mẹ.

Để con có được tính trách nhiệm khi thành niên, bố mẹ cần phải bắt đầu giúp con gầy dựng từ khi con còn nhỏ, thông qua những việc làm cụ thể, vừa sức và mang tính liên tục. Trách nhiệm không phải là điều có thể học được từ một bài giảng duy nhất. Đó là kết quả của một quá trình tích lũy kinh nghiệm về sự đáp ứng những đòi hỏi của chuẩn mực xã hội; là khả năng tự lập ở mức độ cao; là sự trưởng thành về mặt tự ý thức của trẻ. Tuy nhiên, khi làm bố mẹ, bạn cũng đừng vì “sự trừu tượng” của khái niệm “trách nhiệm” mà cảm thấy nản lòng hay căng thẳng. Quá trình đồng hành cùng con để giúp con hình thành tính trách nhiệm sẽ không quá khó khăn, nếu như bạn hiểu rằng những gì mình giúp con bồi đắp là hết sức cụ thể, thực tế. Hãy lưu ý những vấn đề sau đây trong việc “giúp con sống có trách nhiệm”.

1. Làm gương

Bố mẹ luôn là người thầy đầu tiên của con; và mọi biểu hiện của bố mẹ (vô tình hay hữu ý) đều có giá trị “làm mẫu” cho con. Trong quá trình trưởng thành của mình, trẻ luôn có xu hướng sao chép những gì bố mẹ thể hiện để phản ứng với các tình huống mình gặp phải. Do đó, hầu như trẻ chỉ có thể trở nên có trách nhiệm khi trẻ được thấy điều đó ở bố mẹ của mình.

>>> Có thể bạn quan tâm: Sự tự tin của trẻ bắt nguồn từ bố mẹ

Hãy chứng minh cho con của bạn thấy rằng, có rất nhiều lần trong cuộc sống bạn tự nguyện thực hiện việc giữ lời hứa – vì chữ tín quan trọng; dọn vệ sinh chung – vì mình là thành viên của cộng đồng, gánh vác phần việc của người khác – vì cần chia sẻ khó khăn, từ chối một quyền lợi cá nhân – vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến người khác,… Hãy tận dụng tất cả những lần hành xử đó để trò chuyện cùng trẻ về tính trách nhiệm, về những quyết định không “vị kỉ” được thực hiện tự giác. Đối với trẻ, không bài học nào có thể sống động bằng chính những hình ảnh trực quan mà bố mẹ mình thể hiện.

2. Buông bớt trách nhiệm để con trở nên trách nhiệm

Thoạt nghe, điều này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng cản trở lớn nhất của việc hình thành tính trách nhiệm ở trẻ chính là vì bố mẹ đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của con một cách thái quá. Hãy để trẻ được tự quyết định càng sớm càng tốt. Sự đổ lỗi thường xảy ra khi trẻ không phải là người lên tiếng lựa chọn những hoạt động của bản thân mình. “Tại mẹ ép con ăn nên con bị ói!”, “tại bố muốn con học bóng rổ chứ con đâu có chọn nên con học dở!”, “tại mẹ muốn con học trường này chứ con đâu thích!”, “tại bố mẹ kêu con làm như thế chứ con đâu có định làm như vậy!”,… Trong từng độ tuổi, với từng việc liên quan đến trẻ, hãy cho trẻ có ý kiến và “chuyển giao quyền lực” một cách vừa sức. Tính trách nhiệm của trẻ sẽ được hình thành từ chính những lúc được ra quyết định – trẻ sẽ phải suy xét cẩn thận và có chính kiến; từ lúc phải nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của mình vì mình đã lựa chọn; từ lúc dám chấp nhận mọi kết quả và thấy được vai trò của cá nhân mình trong kết quả ấy chứ không phải “tại bố”, “do mẹ”, “vì con bị ép”,…

>>> Bài viết có liên quan: Nên làm gì khi con đưa ra quyết định trái ý bố mẹ?

3. Giúp trẻ thiết lập những mục tiêu dài hạn

Trẻ thành niên dễ dàng rơi vào kiểu sống lay lắt, mặc kệ nếu không hiểu rằng sứ mệnh, mục tiêu cuộc đời mình là gì. Ngược lại, những mục tiêu không vừa sức dễ tạo nên thất bại, lúc này cũng sẽ đẩy các bạn trẻ vào thế dựa dẫm “vì việc đó khó chứ không phải do mình”. Bằng vốn quý kinh nghiệm của đời mình, bạn cần trở thành người tư vấn góp ý để định hướng mục tiêu cho con – đó là những mục tiêu hợp lý, khả thi và đúng với mong muốn phát triển bản thân của trẻ. Khi hiểu rằng, mình phấn đấu cho điều gì, sự chủ động và dám nhận trách nhiệm về mình của trẻ cũng sẽ theo đó mà hình thành, phát triển.

4. Thay vì cấm đoán hãy yêu cầu lựa chọn

Những bạn trẻ bị kiểm soát gắt gao hiếm khi nào học cách tự đứng trên đôi chân của mình. Ngay cả khi thành niên, họ cũng không thể tự đưa ra quyết định và liên tiếp gặp những khó khăn nếu phải sống xa nhà, vì trước đây, họ chỉ được nhận mệnh lệnh từ bố mẹ “làm như thế này, không phải như thế kia!”. Một số bạn trẻ khác lại có xu hướng ngược lại: khi mình thành niên và sống cách xa gia đình sẽ thực hiện tất cả những gì trước đây bị ngăn cấm từ bố mẹ – sử dụng rượu bia, tham gia các hoạt động giải trí không lành mạnh, kết giao với các nhóm xã hội tiêu cực,…Vì thế, hãy để con lựa chọn và cùng con phân tích hệ quả của những lựa chọn thay vì lạnh lùng chỉ thị: “không làm như thế!”.  

>>> Đừng bỏ lỡ: 12 kỹ năng sống mà cha mẹ nên dạy con từ sớm

Cụ thể, trước tất cả những đắn đo của trẻ, bố mẹ hãy đề nghị con liệt kê những điều thuộc về 2 nhóm “có lợi” và “bất lợi/nguy cơ” cho từng sự lựa chọn. Hãy để con so sánh, cân nhắc rồi đi đến quyết định cuối cùng. Khi để con thực hiện điều này, ngoài việc hình thành tính trách nhiệm cho con, bố mẹ còn có thể nhận ra các giá trị mà con lựa chọn cho cuộc sống của mình là gì – đây là cứ liệu rất quan trọng để bố mẹ biết mình nên phát triển các phẩm chất khác của con như thế nào.

5. Gắn kết con với các vai trò đã được công nhận về mặt pháp lý

Khi làm bố mẹ, bạn nhất định phải có kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ của trẻ em để tương tác với con. Ở những cột mốc nhất định – khi trẻ 18 tuổi chẳng hạn – có những qui định mang tính pháp lý dành riêng cho trẻ như một sự thừa nhận về mức độ trưởng thành.

Hãy nói với con vì sao từ 18 tuổi trở lên mới được đăng kí dự thi giấy phép lái xe, vì sao phải qui định độ tuổi kết hôn, những trách nhiệm mà con phải tự chịu trước pháp luật là những nội dung gì,… Những thông tin này giúp trẻ thấu cảm rõ hơn vị thế của bản thân mình, sự thấu cảm này là cơ sở cho việc trẻ tự ý thức về tính trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Chuyên gia Giáo dục
Thạc sĩ Tô Nhi A

>>> Xem thêm:

Sản phẩm tham khảo

Nhận tư vấn miễn phí về gói bảo hiểm phù hợp

Hãy để lại thông tin bên dưới, chuyên viên tài chính Prudential sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất
* Là các thông tin bắt buộc
Thông tin chưa hoàn thành Vui lòng nhập đủ các thông tin bắt buộc

* Là các thông tin bắt buộc

Nhập thông tin của bạn

Chọn thành phố

Bằng việc đánh dấu vào ô ngay cạnh bên, Tôi xác nhận đã đọc, hiểu và biết rõ Chính Sách Bảo Mật Thông Tin của Prudential và đồng ý để Prudential liên hệ cho mục đích tư vấn, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo và khuyến mại như quy định chi tiết tại Chính Sách Bảo Mật Thông Tin.

Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ Prudential ngay hôm nay