Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Làm gì khi trường học trở thành nỗi sợ của trẻ?

Con bạn vừa đến tuổi học mầm non và bạn luôn phải đánh vật mỗi sáng để đưa con đến trường? Bé khóc lóc, không chịu dậy đi học, hoặc kêu đau đầu, đau bụng mỗi khi đến giờ đi học? Hay tệ hơn nữa khi gần đây bạn phát hiện bé hay buồn bã, ngủ mớ và khóc ré? Đó chính là những biểu hiện phổ biến của tâm lý sợ đến trường ở những trẻ 3-6 tuổi. Hãy cùng Prudential tìm hiểu xem nguyên nhân của nỗi sợ hãi này là gì và bạn có thể làm gì để giúp trẻ khắc phục tình trạng này nhé!

Đi tìm nguyên nhân nỗi sợ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý sợ đến trường của trẻ em. Phụ huynh cần quan sát những biểu hiện của trẻ thật tinh tế để tìm ra giải pháp phù hợp, tránh những sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý sau này.

Có thể nói thời điểm bắt đầu đi học mẫu giáo chính là lần đầu tiên bé xa người thân. Vì vậy, tâm lý lo lắng, sợ hãi và sợ bị bỏ rơi là một điều rất tự nhiên. Nguyên nhân kế đến là bé chưa tự thích nghi được với việc đi học. Bước ra môi trường rộng lớn với nhiều cá thể, nhiều nguyên tắc, nề nếp, rời khỏi cái nôi ấm áp và thoải mái của gia đình, bé không còn là ưu tiên số một nên tâm lý bất an, bức bối và khó chịu là điều tất yếu.

Một số trường hợp khác bé đang đi học ngoan thì bỗng dưng sợ đến lớp. Tâm trạng đi học về không vui, ủ rũ hay tay chân trầy xước…  Lúc này, nguyên nhân có thể do môi trường học chưa phù hợp với bé; ba mẹ cần trò chuyện với con cũng như phối hợp với thầy cô giáo để tìm hiểu rõ nguyên nhân tận gốc của vấn đề.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cha mẹ nên làm gì khi trẻ hay hoảng sợ?

Giải pháp nào cho các bậc phụ huynh?

1. Cần chuẩn bị tinh thần cho trẻ từ sớm

Bạn cần chuẩn bị tâm lý cho con 2 – 3 tuần trước khi trẻ bắt đầu đến lớp. Mỗi ngày là một câu chuyện nhỏ về trường lớp, vài lời thủ thỉ sẽ giúp trẻ cảm thấy quen dần và yên tâm hơn. Ngoài ra, hành động này sẽ giúp trẻ tò mò, hứng thú về nơi mình chuẩn bị đến.

Bạn nên đưa trẻ đến trường vài lần để tham quan trước khi trẻ bắt đầu việc học. Hãy để trẻ cảm thấy quen thuộc với khung cảnh, hiểu thế nào là lớp học, thế nào là đi học, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi khi đi học thật sự. Ngoài ra, trẻ nên học nửa ngày khoảng 1 – 2 tuần trước khi học cả ngày. Trẻ cần làm quen không khí lớp học, bố mẹ cũng biết được liệu đây có phải là ngôi trường phù hợp hay không?

Trong ngày đầu đến trường, bạn hãy tạo sự an tâm cho trẻ bằng cách giới thiệu trẻ với cô giáo và để cả hai làm quen với nhau trong sự chứng kiến của bạn. Trẻ sẽ cảm nhận được cô giáo là người đáng tin cậy. Trẻ sẽ muốn đến trường để gặp cô như một người bạn và có việc gì xảy ra, trẻ cũng không cảm thấy sợ hãi vì đã có cô bảo vệ.

Đối với mối quan hệ bạn bè, trẻ cần được dạy những điều đúng trong cách ứng xử: không được quấy rầy bạn, hòa đồng với bạn bè, khi bạn có hành động nào thì nên nói cô... Điều này giúp trẻ tự bảo vệ mình và dễ dàng thích nghi với môi trường mới.

>>> Bài viết có liên quan: Chuẩn bị tâm lý cùng con khi lần đầu đi học mẫu giáo

2. Luôn đồng hành cùng trẻ

Trong quá trình trẻ đến trường, phụ huynh cần đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ hiểu hơn về môi trường mới và dạy trẻ ứng xử với những tình huống mới. Cách tốt nhất để thực hiện điều này chính là trò chuyện cùng bé sau mỗi buổi học để biết những gì đã diễn ra trên trường. Dù bé có xảy ra tranh cãi với bạn hay không nghe lời cô, hãy giữ thái độ bình tĩnh, cảm thông và trò chuyện cùng trẻ. Những vi phạm lần đầu của trẻ nên được tha thứ. Nếu bạn làm trẻ sợ hãi, bé sẽ không kể cho bạn nghe bất kì điều gì ở trường, bạn sẽ càng khó khăn trong việc giáo dục và tiếp cận trẻ.

Ngoài ra, để cải thiện thói quen sinh hoạt của trẻ, bạn nên phối hợp với nhà trường để tạo cho bé một môi trường nhất quán: sinh hoạt có nề nếp, môi trường khuyến khích sáng tạo, phát huy tính năng động tò mò ở trẻ. Ví dụ như, ở trường, bé phải ngủ trưa vào lúc 12 giờ. Dù những ngày cuối tuần không đến trường, bạn vẫn phải duy trì thói quen đó. Nếu không, cô giáo sẽ khó lòng tập thói quen đó cho trẻ vào tuần mới.

Đặc biệt, đừng bao giờ gây áp lực cho trẻ trong học hành hoặc dùng cô giáo để doạ nạt trẻ, bởi những điều ấy sẽ tạo cái nhìn tiêu cực của trẻ về trường học, khiến trẻ không muốn hoặc sợ đến trường.

Hi vọng những giải pháp trên đây sẽ giúp bạn và con bạn cùng nhau vượt qua giai đoạn lần đầu đến trường. Prudential chúc bạn thành công!

>>> Xem thêm: