Không nên áp đặt việc chọn ngành học cho con
Cậu con trai vội vã cởi dép rồi đi ngay vào phòng và đóng cửa lại, chẳng cần để ý tới bất cứ ai trong nhà đang lặng lẽ quan sát cậu. Một gia đình đầm ấm, xưa nay vẫn có tiếng nền nếp gia giáo vậy mà khoảng hơn hai tháng nay, tất cả bỗng có nguy cơ bị rạn vỡ. Bà mẹ thở dài thườn thượt bảo mọi người hãy lui ra rồi cố gắng cất tiếng gọi:
Con trai ra đây, má muốn nói chuyện với con!
- Để khi khác đi má, con đang lỡ chút việc.
- Vậy má vào phòng con được không?
Miệng nói chân đi, bà lại mở cửa phòng và thấy con trai đang nằm dài trên giường với vẻ mặt đăm chiêu đến khó hiểu. Cậu quay mặt vào tường và cũng chẳng cần hỏi má một câu. Nhìn con sầu muộn, bà chỉ biết lắc đầu. Mãi một lúc sau bà mới ân cần hỏi:
- Con hãy nói cho má biết mọi chuyện đi, có thể má sẽ giúp được con thì sao?
- Thôi má ơi, má cũng như ba, chỉ tìm đủ mọi cách để áp đặt con theo khuôn mẫu gia đình chứ chẳng ai chịu hiểu con.
- Con nỡ nói thế hay sao? Khuôn mẫu gia đình mình tốt đẹp, ai cũng ước được như vậy nhưng đã mấy ai đạt được. Ba má muốn con kế tục sự nghiệp gia tiên là sai lầm và có lỗi hay sao?
"Muốn thành công ai cũng phải có lòng yêu thích và đam mê. Thế hệ đi trước chỉ nên khéo léo hướng dẫn tuổi trẻ tránh sự chi phối khó lường của cảm tính chứ không nên tìm cách áp đặt các kế hoạch của riêng mình."
Cậu con trai đột ngột ngồi dậy và nói:
- Má thấy bà ngoại nhà mình ở quê có nuôi heo không?
- Ngoại nói ngoại chẳng thiếu thốn gì nhưng ngoại thích nuôi cho vui cửa vui nhà.
- Nhưng ý của con lại khác. Theo má, món thịt bò fillet thơm lừng với món thân cây chuối trộn rau muống ăn sống, món nào ngon hơn?
- Con lại khoe cái nết sành ăn đấy à. Hư vừa vừa thôi. Ai chẳng biết món thịt bò fillet ngon hơn và bổ hơn rất nhiều.
- Nhưng má ạ, loài heo thích ăn món thân cây chuối trộn rau muống chứ không thích ăn món thịt bò fillet, dùng món này thơm ngon và rất bổ. Từ chỗ không thích ăn và không biết ăn, heo gầy mòn, cuối cùng chỉ còn một bộ xương. Xương heo có thể đem hầm làm món nước lèo chứ xương con hoàn toàn vô dụng. Khi gây ra áp lực nặng nề, buộc con phải theo ngành học Quản trị Kinh doanh, ba má có bao giờ nghĩ tương lai của con bất quá chỉ là một bộ xương vô dụng không?
- Nhưng…làm trái ý ba rất có thể ba nổi giận, lúc đó tình cảm cha con sẽ ra sao và cuộc sống gia đình mình sẽ như thế nào?
- Con nghĩ kỹ rồi. Nhân dịp ba đi xa một tuần, con sẽ về thăm nội để tìm đồng minh. Má đừng nói gì với ba về kế hoạch của con nhé. Trước đây có lần ba kể cho con nghe là ông nội chuyên làm gạch, nhà có lò nung khá to. Nội muốn ba kế nghiệp nhưng ba không nghe lời, trốn nhà vay vốn mở công ty. Nội cất công mãi mới tìm được văn phòng của ba. Tới nơi, nội nói: "Tao đâu dè loài vịt cỏ như tao cũng đẻ ra được thiên nga. Giỏi. Tụi bây giỏi. Hễ là người có tâm thế nào cũng sẽ được Trời phù hộ. Nhưng trốn nhà là đắc tội, bây có biết không?"
- Lỡ nội không ủng hộ con thì sao?
- Con sẽ cố gắng và con tin nội nhất định sẽ ủng hộ con!
- Thôi đi ông tướng. Nhưng ngành Truyền thông con muốn học là ngành gì?
- Là ngành học mới má à. Thông qua kho tàng nghệ thuật và các hệ thống kỹ thuật truyền tải hiện đại, ngành này khiến cho ai cũng có thể hiểu thế giới và cả thế giới hiểu ta. Vì con có kiến thức Truyền thông nên dễ dàng khiến cho 100 cô gái trẻ vừa thấy con, thế nào cũng có 99 cô vội vã chạy theo tuột cả dép!
Từ chuyện này, các bậc cha mẹ không nên áp đặt việc chọn ngành học cho con. Các nguồn thông tin đều cho hay, có nam nữ thanh niên do chịu không nổi áp lực nên đã lâm bệnh, lúc vô tư vui cười, lúc buồn bực cau có, lúc tỉnh táo sáng suốt, lúc lơ mơ ngơ ngác…chưa kể có nam nữ thanh niên không còn kiểm soát được hành vi của mình. Muốn thành công ai cũng phải có lòng yêu thích và đam mê. Thế hệ đi trước chỉ nên khéo léo hướng dẫn tuổi trẻ tránh sự chi phối rất khó lường của cảm tính chứ không nên tìm cách áp đặt các kế hoạch của riêng mình. Đời xưa nay vẫn thế, những người cực đoan thường có xu hướng cho rằng người khác mới đúng là…cực đoan.
Chuyên gia Tâm lý
Thạc sĩ Lý Thị Mai
>>> Xem thêm: