Dạy trẻ cách kiếm tiền, cha mẹ nên bắt đầu từ đâu?
Dạy trẻ kiếm tiền là một trong những phương pháp giáo dục giúp trẻ bước đầu xây dựng nền tảng tài chính vững chắc về sau, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng quan tâm đúng mức.
Đa phần những bậc cha mẹ ở Việt Nam đều mong muốn con mình trong tương lai trở thành một người thành đạt, nhất là trong khía cạnh “có của ăn, của để”. Thế nhưng, thay vì dạy con trở thành một master – bậc thầy trong việc kiếm và sử dụng đồng tiền thì chúng ta lại dốc sức cho việc tích luỹ tiền bạc, tài sản để làm nền tảng vững chắc cho con. Rủi ro của vấn đề này nằm ở chỗ, tương lai của con sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ngày hôm nay của chúng ta. Khi đó, chỉ cần một biến cố xảy ra, các con có thể rơi vào trạng thái bị động trong việc kiếm tiền cũng như quản lý tiền bạc.
Thế nên ngay từ nhỏ, trẻ cần được định hướng để hiểu đúng về vai trò và giá trị mà đồng tiền mang lại. Thông qua đó, trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương thức quản lý tài chính hiệu quả trong tương lai.
Vậy cha mẹ nên bắt đầu từ đâu khi dạy con những quan niệm về tiền và quản lý tài chính?
Giới thiệu với trẻ về Tiền
Muốn trẻ học được cách kiếm tiền, trước hết trẻ phải hiểu được “tiền là gì”. Để giải thích cho trẻ khái niệm này, chúng ta có thể cho trẻ làm quen với tiền từ nhỏ. Một trong những cách đơn giản là để trẻ học cách nhận biết các tờ tiền thông qua màu sắc, kích thước.
Khi trẻ khoảng 3 – 4 tuổi, đây là thời điểm thích hợp để ba mẹ tiến thêm một bước: dạy trẻ biết tiền để làm gì và sử dụng chúng như thế nào. Bằng cách cùng trẻ đi siêu thị và thanh toán tiền mặt, chúng ta sẽ giúp trẻ hình thành tư duy: để có được đồ ăn, đồ chơi hay quần áo,… việc trước tiên là chúng ta phải trả tiền cho cửa hàng. Thông qua đó, trẻ sẽ hiểu được vai trò cũng như cách sử dụng đồng tiền.
Thẳng thắn đối thoại với trẻ “Tiền từ đâu mà có”
Trong xã hội hiện nay, thật không khó để chúng ta bắt gặp cảnh tượng một cô bé hay cậu bé đang khóc lóc, thậm chí là ăn vạ để đòi cha mẹ mua cho một món đồ chơi hay đồ vật yêu thích. Đây là biểu hiện cơ bản nhất của những đứa trẻ chưa có ý thức về mối quan hệ giữa đồng tiền và những món đồ mà chúng muốn sở hữu. Trong suy nghĩ của trẻ, cha mẹ chính là nguồn tiền có sẵn và luôn đáp ứng nhu cầu của chúng bất cứ lúc nào, dẫn đến hành vi trẻ thường xuyên đòi hỏi và không trân trọng công sức kiếm tiền của phụ huynh.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Rachel Cruze: “Khi dạy trẻ về tiền, điều quan trọng là phải dạy trẻ biết tiền đến từ đâu”. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa sức lao động, các công việc trong xã hội và tiền bạc. Lúc này, trẻ sẽ ý thức được tiền bạc không có sẵn mà phải bỏ ra công sức để tích lũy, cũng như hiểu được việc kiếm tiền là dùng để phục vụ, chi trả cho các nhu cầu trong gia đình, và cho cả bản thân của trẻ.
Thử thách trẻ bằng một “lộ trình kiếm tiền”
Khi trẻ đòi hỏi mua một món đồ yêu thích, cha mẹ đừng vội đáp ứng nhu cầu của trẻ. Trước hết hãy cùng trò chuyện để xem đây có phải là món đồ thật cần thiết với trẻ hay không, sau đó cùng trẻ lập một kế hoạch kiếm tiền chi tiết để hoàn thành mục tiêu này. Ví dụ cha mẹ cùng trẻ đặt ra mục tiêu tích lũy được số tiền mua món đồ trong vòng 30 ngày. Sau đó, cha mẹ hướng dẫn trẻ những cách có thể giúp trẻ kiếm được tiền trong khoảng thời gian này. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và có động lực hơn, đồng thời cũng biết trân trọng hơn món đồ mà mình phải bỏ công sức ra mới có thể mua được.
Học phải đi đôi với hành
Không chỉ dựa trên lý thuyết, việc trao cho trẻ cơ hội thực tế sẽ là phương pháp hiệu quả khi dạy trẻ kiếm tiền. Đừng quá phức tạp, đối với trẻ, chúng ta có thể dạy các con theo nguyên tắc “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Trẻ có thể bắt đầu bằng việc bán những món đồ mà trẻ yêu thích như bánh kẹo, đồ ăn vặt. Đối với một số trẻ có năng khiếu, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ kiếm tiền thông qua những tác phẩm sáng tạo như vòng tay/ thiệp handmade, tranh vẽ, viết văn/ thơ gửi báo,…
Làm việc nhà cũng là một cách kiếm tiền hiệu quả dành cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần phân biệt rõ những công việc thuộc về trách nhiệm của con như đánh răng, rửa mặt, dọn dẹp phòng ốc, bàn học của mình,… để tránh hình thành tư duy việc nhà không phải là trách nhiệm của trẻ, và chỉ thực hiện khi được cha mẹ trả tiền. Đối với các công việc khác trong gia đình, cha mẹ hãy cho phép cho trẻ quan sát và lựa chọn những công việc trẻ cảm thấy vừa sức và chủ động “báo giá”. Như vậy trẻ cũng sẽ học được cách đàm phán và định giá năng lực bản thân, cũng như nhạy bén hơn trong việc nhìn ra đâu là cơ hội để kiếm tiền.
Bên cạnh các phương thức trên, ba mẹ có thể tham khảo thêm nhiều hoạt động đơn giản ngay tại nhà để giúp trẻ hình thành những quan niệm đúng đắn về tiền bạc nói chung hay cách thức kiếm tiền nói riêng thông qua chương trình giáo dục tài chính dành cho trẻ em Cha-Ching từ Quỹ Prudence. Được thiết kế với các chuỗi hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, Cha-Ching sẽ đồng hành cùng ba mẹ trong việc giúp trẻ rèn luyện và phát triển kỹ năng quản lý tài chính – một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu để hướng tới cuộc sống thành công.
>>> Xem thêm: