Con bạn có đang trở nên xa cách với gia đình?
Bạn cảm thấy mệt mỏi, tức giận khi đứa trẻ nhà bạn ngày nào còn một dạ, hai vâng thì nay chỉ toàn trả lời nhát gừng với cha mẹ? Con bạn thường xuyên lý sự, cãi lại mọi lời khuyên từ học hành đến ăn mặc? Bạn không biết phải làm sao khi con bạn thẳng thừng từ chối tham gia các hoạt động sinh hoạt chung của gia đình, suốt ngày nhốt mình trong phòng và thậm chí còn khoá bạn trên Facebook?
Đây là những vấn đề rất điển hình của trẻ khi đang ở tuổi mới lớn. Là bậc cha mẹ, bạn sẽ phải đương đầu với thách thức này ra sao?
Tự vấn bản thân khi bạn bằng tuổi con
Đừng vội vã “luận tội” con khi chúng làm trái ý bạn. Hãy bình tĩnh và nhớ lại bản thân mình khi bằng tuổi con bây giờ, bạn cảm thấy như thế nào, hành xử ra sao? Tuổi mới lớn của ai cũng sẽ đầy bất ổn, có chút nổi loạn và luôn muốn chứng tỏ bản thân.
Theo nghiên cứu của Viện Tâm Lý Học thì từ tuổi 13 trở đi, trẻ bắt đầu phát triển khả năng tự phê phán và nhận thức, hướng đến những thay đổi bên trong nhiều hơn. Cụ thể:
- Tuổi thứ 13
Có thể coi lứa tuổi này là lứa tuổi của quá trình nội tâm hoá. Đôi khi trẻ có biểu hiện của sự lo lắng, khá nhạy cảm trước những thay đổi về xúc cảm và tâm trạng của người khác.
- Tuổi thứ 14
Trẻ vừa có sự nhận thức về khái niệm “cái tôi”, vừa mong muốn học hỏi và tiếp thu những điều tốt đẹp. Trẻ rất thích dùng từ: cá nhân, nhân cách, sự trưởng thành để nói về bản thân mình.
- Tuổi thứ 15
Trẻ nhấn mạnh đến sự khác biệt cá nhân, nhấn mạnh đến sự độc lập và khác biệt. Một số trẻ ở giai đoạn này đã nghĩ đến sự độc lập bản thân, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ và có nhiều sự tự do để lựa chọn. Sự phát triển nhanh của cơ thể cùng với sự chưa chín chắn của suy nghĩ sẽ làm nảy sinh trong trẻ những mâu thuẫn khó giải toả. Đối với nhiều em, do sự bất cân xứng giữa “cái tôi” bên ngoài (những thay đổi về hình dáng, về cơ quan sinh dục...) và “cái tôi” bên trong (những cách thức ứng xử, những hiểu biết về chính cơ thể mình và người khác...) làm cho trẻ có cảm giác tò mò và bất lực về bản thân.
Một khi đã nắm bắt được diễn biến tâm lý của tuổi mới lớn mà ai ai cũng sẽ từng trải qua, bạn sẽ dễ dàng cảm thông với sự “trái tính trái nết” của con, đồng thời, dễ dàng nói chuyện với chúng hơn.
Tôn trọng sự riêng tư và độc lập của con
Tâm lý chung của cha mẹ là luôn xem con mình còn nhỏ cần đến sự chăm sóc, trông coi từng li từng tí một như ngày nào, mà quên mất rằng đứa con tuổi 14-15 của mình đã có những ý kiến và suy nghĩ riêng.
“Đi chơi với bố mẹ gò bó lắm! Phải thế này, phải thế kia. Bởi thế, con muốn có không gian riêng tư, thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ” L. một cô bé 15 tuổi tâm sự. Trong khi đó, C., một chàng trai 16 tuổi, than thở: “Điệp khúc khuyên răn nghe từ nhà trường đến gia đình khiến đầu mình như nổ tung!
Rõ ràng, khi con bạn bước vào tuổi mới lớn, việc khuyên bảo với tư cách của một người bề trên là phương pháp không còn hiệu quả nữa. Thay vì thế, khi có xung đột về quan điểm, bạn cần đối xử với con như người đồng trang lứa với thái độ tôn trọng và lịch sự.
Hãy chấp nhận việc con đang lớn và cần có không gian riêng nên những xa cách nhất định với gia đình là điều không thể tránh khỏi. Bạn không nên ép buộc con phải tham gia tất cả các hoạt động của gia đình, nhưng hãy cho con hiểu vai trò của con trong những sự kiện trọng đại.
>>> Bài viết có liên quan: Là cha mẹ cũng cần phải học cách tôn trọng con cái
Thay đổi cách quan tâm
Bạn có biết ở độ tuổi mới lớn, trẻ trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều không? Những lời hỏi han thường ngày của cha mẹ như “Con học bài chưa?” hay “Con ăn sáng chưa?” với nhiều đứa trẻ lại mang đầy tính “tra khảo”. Bởi lẽ, độ tuổi từ 13 – 15 là giai đoạn trẻ hình thành “cái tôi” mạnh mẽ và luôn vùng vẫy hướng đến sự độc lập. Sự quan tâm những điều nhỏ nhặt của bạn có thể được trẻ xem là biểu hiện của việc không công nhận sự trưởng thành của mình, dẫn đến việc có những thái độ và hành vi phản bác mạnh mẽ hoặc cố gắng để chứng tỏ mình đã lớn.
Vì thế, bạn hãy khéo léo hơn trong cách thể hiện sự quan tâm của mình. Ví dụ, thay vì luôn theo dõi sau lưng nhắc nhở con phải ăn uống đầy đủ, bạn có thể pha ly sữa và lặng lẽ để trên bàn cho con hoặc viết tin nhắn nhắc con nhớ mang bữa trưa bạn đã soạn sẵn để trong tủ lạnh… Ngoài ra, việc dành thời gian tìm hiểu sở thích của con và cùng con xem một bộ phim con yêu thích cũng là một cách thể hiện tinh tế tình yêu của bạn dành cho con.
Hãy trở thành bạn của con
Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng gia (Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) chia sẻ, nhiều bậc bố mẹ đang dạy con bằng sự độc đoán như bố mẹ luôn luôn đúng và con không được có ý kiến phản bác lời nói của bố mẹ. Nhưng trên thực tế, phương thức này vô cùng kém hiệu quả bởi trẻ ở độ tuổi này thường không quan tâm tới những lời thuyết giảng và có khuynh hướng làm những điều ngược lại những điều bị ép buộc phải tuân thủ để chứng minh bản thân.
Vậy, thay vì bắt ép con làm theo những điều mình muốn, bạn có thể đưa ra cho con nhiều sự lựa chọn. Ở mỗi lựa chọn, hãy kiên nhẫn giải thích cho con nghe ưu điểm và nhược điểm để con tự mình quyết định. Hãy chuyện trò cùng con như hai người bạn, sẵn sàng lắng nghe khi con nói và chủ động khơi gợi để con mở lòng. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có thể tạo ra thật nhiều khoảnh khắc vui vẻ trong gia đình như tổ chức tiệc ngoài trời, cùng nhau trang trí nhà cửa, dạy con làm đẹp… để con trẻ có được tâm lý thoải mái, dễ dàng chia sẻ hơn.
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ lại cần đến hình thức quan tâm và yêu thương khác nhau từ cha mẹ. Hãy tinh tế một chút để trở thành người bạn đồng hành thực sự cùng con trong suốt chặng đường trưởng thành bạn nhé!
>>> Xem thêm: