Cần làm gì để chuẩn bị tâm thế đến trường cho trẻ?
Con đi học - nơi con đến có bạn bè, có thầy cô và điều kiện vui chơi luôn đầy đủ. Vậy tại sao con lại khóc? Tại sao con sợ hãi? Tại sao mỗi sáng sớm con luôn tìm đủ mọi lí do để không phải đến trường? Phản ứng của rất nhiều bố mẹ trong trường hợp này là trách móc, phàn nàn, thậm chí đe dọa trẻ hoặc quay sang nghi ngờ nhà trường! Hãy bình tĩnh bố mẹ nhé! Hãy kịp nhớ rằng: Đến trường, với trẻ, đó là một việc mới mẻ và đầy thử thách!
Trong khoảng 3-6 tuổi, trẻ ở vào độ tuổi rất dễ xúc cảm và khả năng kiểm soát cảm xúc chưa cao. Tình cảm của con trong thời kì này rất mỏng manh, chưa bền vững, sâu sắc. Đặc biệt, con đến trường, nỗi sợ hãi dễ dàng được bộc lộ bằng cách khóc nhè vì con phải đối mặt với hàng loạt yếu tố mới lạ: bạn bè, thầy cô, không gian! Phụ huynh cần lưu ý đặc điểm tâm lý này của trẻ. Bằng từng việc làm cụ thể, hãy để con hiểu rằng việc đến trường là một việc rất thú vị, quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt - chứng tỏ con đã là người lớn, đã trưởng thành!
1. Hãy cung cấp thông tin cho trẻ về nơi mà con sắp đến
Giáo dục tình cảm cho trẻ cần phải đi từ những hình ảnh trực quan, sinh động. Vì thế, trước ngày nhập học, bạn nên cho trẻ xem phim về hình ảnh trường lớp; các hoạt động diễn ra trong trường để trẻ có sự hình dung chủ động, không rơi vào cảm giác bối rối với hiện thực ngày đầu tiên đến trường. Nếu có thể, hãy cùng trẻ thực hiện 1 chuyến tham quan đến ngôi trường tương lai của trẻ.
Bố mẹ cần có những cuộc nói chuyện với trẻ xoay quanh nội dung: trường học là nơi như thế nào? Thầy cô giáo là ai, sẽ cùng con làm những việc gì? Tại sao con nên đến trường học? Hãy cố gắng lựa chọn những nội dung tích cực để đưa ra đáp án cho trẻ. Chính những điều hấp dẫn, phù hợp với hứng thú và mong muốn của trẻ mà bố mẹ mô tả ở trường học sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành tâm thế sẵn sàng đến trường cho trẻ và đến trường thật sự trở thành hành vi tự nguyện của trẻ. Dựa trên tâm thế đó, việc học của trẻ sẽ thuận hơn vì trẻ thật sự hiểu rõ mình đến trường làm gì; thích và có trách nhiệm hơn trong việc học của mình.
>>> Có thể bạn quan tâm: Nên làm gì khi trường học trở thành nỗi sợ của trẻ?
2. Xây dựng thời gian biểu hợp lý cho trẻ
Đó là một thời gian biểu có sự phù hợp chế độ sinh hoạt trong nhà trường và tương thích với hoạt động chủ đạo trong độ tuổi của trẻ.
Hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo là chơi trong khi ở tiểu học là học tập. Phụ huynh cần nắm rõ điều này để từng bước cho trẻ làm quen với đặc trưng sinh hoạt trong từng bậc học. Các hoạt động tại nhà của trẻ cũng cần được sắp xếp lại theo chế độ hợp lý để trẻ không chơi quá nhiều hoặc học quá sức. Nếu bỏ qua điều này và cho trẻ giữ nguyên nhịp sinh hoạt cũ có thể sẽ dẫn đến sự hoang mang và quá tải cho trẻ khi đến trường. Lúc này, khóc lóc sẽ là hành vi tất yếu để giúp trẻ “kháng cự” việc đến trường.
Đối với lứa tuổi mầm non, hoạt động chủ đạo là vui chơi. Điều này khá thuận lợi cho bố mẹ trong việc tổ chức hoạt động tại nhà cho trẻ - trẻ vẫn có thể được tự do vui chơi. Tuy nhiên, để tránh bỡ ngỡ cho trẻ, bố mẹ nên “lập kế hoạch”cho trẻ trong mỗi hoạt động: vui chơi, ăn, ngủ… với những qui định thời gian cụ thể để phù hợp với thời gian biểu tại trường mầm non.
>>> Bài viết có liên quan: Đồng hành cùng con cái trong việc thiết lập mục tiêu
Đối với lứa tuổi tiểu học, hoạt động chủ đạo thay đổi từ vui chơi (ở tuổi mầm non trước đó) sang hoạt động học tập nên trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu nhiều môn học trong một ngày, thời lượng học kéo dài hơn (35 phút/tiết). Bố mẹ cần kiểm tra bài tập về nhà của con, tập cho con thói quen duy trì sự tập trung chú ý trong thời gian dài ở mỗi hoạt động học tập và vui chơi để trẻ thích nghi.
Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ tính tự lập trong các hoạt động sinh hoạt cá nhân (ăn uống, vệ sinh)...ở gia đình để trẻ hoà nhập dễ dàng hơn khi đến trường.
3. Chú ý đến việc giúp trẻ diễn đạt mong muốn của mình
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp gắn kết đứa trẻ với thầy cô, bạn bè. Trẻ phải diễn đạt cho người khác hiểu điều mình muốn, mình suy nghĩ như thế nào.
Việc trò chuyện thường xuyên với trẻ, ngoài mục đích cung cấp cho con những thông tin về những điều mới lạ chờ đón con ở trường, còn là cách thức để hướng dẫn trẻ diễn đạt, bộc bạch thắc mắc của mình. Bố mẹ thông qua các câu hỏi và những tình huống giả định có thể sẽ xảy ra ở trường hãy tập cho trẻ cách trao đổi thông tin với người khác nhằm bộc lộ bản thân: “Con thích....”, “Con muốn...”, “Con cảm thấy...” hoặc cách chia sẻ quan điểm của trẻ đối với thế giới xung quanh : “Con nghĩ...”, bằng những câu hỏi của dạng: “Con cảm thấy như thế nào?”, “Con có vui không? ...”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu…”, “Con sẽ làm sao khi…”
>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để phát triển ngôn ngữ của trẻ trong thời điểm vàng?
Ngoài việc chuyện trò cùng con, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp kể chuyện với trẻ. Đặc biệt, khi trẻ ở độ tuổi 3-6 tuổi, năng lực ngôn ngữ có thể ở giai đoạn phát cảm, bố mẹ kể chuyện cho trẻ sau đó yêu cầu trẻ kể lại câu chuyện theo trí nhớ và sự tư duy của trẻ. Việc để trẻ thể hiện lại câu chuyện ngoài việc rèn năng lực ngôn ngữ, ghi nhớ còn là cách để hình thành sự tự tin cho trẻ.
4. Cùng trẻ chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đến trường.
Quần áo, vật dụng cá nhân, đồ dùng học tập ... là những đồ vật trẻ cần mang theo khi gia nhập môi trường mới. Bố mẹ nên cùng với con liệt kê danh sách tất cả các món cần cho việc đến trường, trong lúc đó sẽ đặt câu hỏi hoặc giải thích cho trẻ: vì sao món đồ ấy lại cần thiết. Dần dần về sau, bố mẹ sẽ tập cho trẻ thói quen tự chuẩn bị hành trang đến trường để trẻ trưởng thành hơn, lúc này, bố mẹ chỉ cần đóng vai trò đồng hành và kiểm tra sự chuẩn bị đó của trẻ.
Đặc biệt, đối với trẻ bắt đầu vào lớp 1, sự chú ý có chủ định của trẻ còn rất hạn chế, vì thế, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những điều kiện, kích thích bên ngoài. Cho nên, bố mẹ cần giúp trẻ tập trung học tập bằng việc sắp xếp không gian học tập hợp lý. Song song đó, bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng các đồ dùng học tập nhiều màu sắc, hỗ trợ trực quan cao để thu hút trẻ. Khi việc học thỏa mãn được hứng thú của trẻ, thì niềm vui trong học tập sẽ được hình thành.
Cuối cùng, hãy luôn đồng hành để giải thích hợp lý cho trẻ điều trẻ quan tâm nhất trong suốt tiến trình học tập của mình: vì sao con cần phải đến trường? – Lý do cụ thể trong từng giai đoạn có thể khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi của câu trả lời sẽ là: Vì đó là cách tốt nhất để con có thể thực hiện ước mơ của mình; dù muốn trở thành ai trong cuộc sống, thì trường học cũng luôn là nơi tốt nhất giúp chúng ta hoàn thành điều đó!
Chuyên gia tâm lý
Thạc sỹ Tô Nhi A
>>> Xem thêm: